Thứ Tư, 25/03/2015, 12:01 (GMT+7)
.

Sau kỳ thi THPT Quốc gia: Cần lưu ý khi nộp đơn vào trường ĐH

Trong các buổi tư vấn tuyển sinh, các thành viên trong Ban tư vấn thường lưu ý các thí sinh (TS): Bên cạnh việc căn cứ vào điểm trung bình 3 năm phổ thông, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, một số trường còn tổ chức thêm các phương thức tuyển sinh riêng cho mình như:

Cho TS thực hiện bước kiểm tra năng lực, xét tuyển căn cứ vào “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đó là điểm mới cần lưu ý trong Đề án tuyển sinh năm 2015 của các trường đại học (ĐH). Các TS cần theo dõi kỹ thông tin trước khi nộp đơn.

Thí sinh Trần Minh Ngọc đặt câu hỏi với Ban tư vấn.
Thí sinh Trần Minh Ngọc đặt câu hỏi với Ban tư vấn.

NHIỀU TRƯỜNG QUY ĐỊNH KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC

Em Trần Minh Ngọc (lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Tiền Giang) hỏi: “Em muốn thi vào ngành Luật của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Vậy cần phải có những điều kiện gì?”.

Th.s Lê Văn Hiền, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nay, tiêu chí tuyển sinh của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là kết hợp giữa xét tuyển và kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị - xã hội của TS…

Theo đó, căn cứ vào các ngành do trường đào tạo, trường sẽ xét tuyển theo các tiêu chí: Điểm trung bình 3 năm học THPT (chiếm 20% số điểm trúng tuyển) và kết quả thi trong kỳ thi THPT Quốc gia theo cụm do Bộ GD-ĐT chỉ định (chiếm khoảng 60% số điểm trúng tuyển).

Căn cứ số lượng TS đăng ký, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ xét điểm từ cao xuống thấp để xác định kết quả đạt bước 1 (chỉ xét những TS đã dự kỳ thi THPT Quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định) và thông báo cho những em này biết để tham gia làm kiểm tra năng lực ở bước 2.

Ở bước 2, TS sẽ phải trải qua kỳ kiểm tra năng lực bằng bài kiểm tra khả năng về các lĩnh vực như: Ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức tổng quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của TS về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân; khả năng lập luận của TS và tư duy logic…). Bài kiểm tra này chiếm 20% trong tổng số điểm trúng tuyển. Dự kiến, bài kiểm tra có 2 phần trắc nghiệm và tự luận.

Tương tự, các em có thắc mắc về phương án tuyển sinh của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng được giải thích: Năm 2015, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đưa ra quy trình tuyển sinh gồm 2 hợp phần: Đánh giá năng lực và xét tuyển.

Theo đó, quá trình xét tuyển tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ đánh giá toàn diện năng lực học tập, quá trình học ở bậc THPT, khả năng tư duy và năng khiếu, năng lực tham gia các hoạt động xã hội của thí sinh.

Cụ thể: Ở phần đánh giá năng lực học tập căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực được công nhận trên thế giới; ở kết quả học tập bậc THPT sẽ đánh giá căn cứ trên kết quả học tập 3 năm THPT của TS; ở phần đánh giá khả năng tư duy, năng khiếu sẽ đánh giá trên điểm thi của bài thi đánh giá năng lực tư duy, kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ (hoặc xem xét các chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL, TOEIC, IELTS, VNU-EPT); ở phần đánh giá năng lực hoạt động xã hội sẽ đánh giá căn cứ trên kết quả thành tích tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… của TS.

Ngoài ra, trường còn thực hiện chính sách của Nhà nước về công bằng xã hội, sẽ căn cứ trên điểm ưu tiên theo đối tượng, khu vực… theo quy định hiện hành của Nhà nước. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chí sẽ được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm sự ổn định của công tác tuyển sinh, tránh xáo trộn lớn gây khó khăn cho học sinh THPT.

Trong năm 2015, phương án xét tuyển được xây dựng trên cơ sở kết quả kỳ thi THPT Quốc gia kết hợp điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng. Tiêu chí quá trình học tập THPT được sử dụng như điều kiện ngưỡng xét tuyển. Các tiêu chí về năng lực tư duy, năng lực hoạt động xã hội sẽ được xem xét triển khai vào các năm sau.

Bên cạnh 38 cụm thi Quốc gia do các trường đại học chủ trì, dành cho những thí sinh có nguyện vọng xét kết quả vào ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT còn tổ chức thêm các cụm thi tỉnh, do Sở GD-ĐT chủ trì, dành cho những TS chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp. Dự kiến sẽ có 65 cụm thi tỉnh, trong đó Tiền Giang thuộc cụm (hội đồng thi) Sở GD-ĐT Tiền Giang  (mã cụm sở  là 053).

LƯU Ý “NGƯỠNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐẦU VÀO”

Tại các buổi tư vấn tuyển sinh, nhiều TS nêu thắc mắc về “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” mà Bộ GD-ĐT quy định trong Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2015.

Trả lời câu hỏi này, thành viên Ban tư vấn chia sẻ: Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy có quy định về “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào”. Theo đó, sau khi có kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển vào ĐH-CĐ. Tuy nhiên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào này không hoàn toàn áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.

Cụ thể: Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ sẽ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10).

Những TS trúng tuyển theo hình thức này bắt buộc sẽ phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.

Quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo 2 mức khác nhau này cũng được áp dụng với những trường tuyển sinh riêng. Theo đó, đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, Bộ GD-ĐT yêu cầu điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10).

Riêng với trường ĐH, CĐ đóng tại các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trường CĐ cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm so với mức quy định chung.

Các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển cũng sẽ tuân thủ nguyên tắc: Căn cứ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD&ĐT.

Các thành viên Ban tư vấn cũng lưu ý: “Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Vì vậy, các TS cần lưu ý để có sự chọn lựa thật chính xác và hiệu quả, bảo đảm mình có thể vào được ngành học mà mình mong muốn”.

MINH CHÂU

.
.
.