Thứ Ba, 31/01/2017, 06:43 (GMT+7)
.

Trường ĐH Tiền Giang không ngừng đổi mới để nâng chất

Trong dòng chảy chung của đổi mới giáo dục đại học ở nước ta, trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học càng trở nên bức thiết. Trường Đại học Tiền Giang (ĐHTG) cũng nằm trong dòng chảy đó.

Lễ phát Bằng tốt nghiệp cho sinh viên nhà trường. (Ảnh do Trường ĐHTG cung cấp)
Lễ phát Bằng tốt nghiệp cho sinh viên nhà trường. (Ảnh do Trường ĐHTG cung cấp)

Thành lập trên cơ sở hợp nhất Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Cao đẳng Cộng đồng Tiền Giang, vượt qua bao khó khăn từ những ngày đầu thành lập, Trường ĐHTG đã từng bước nâng chất đội ngũ cán bộ, giảng viên; đổi mới phương pháp dạy và học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hiện đại khá đồng bộ… để  nâng cao chất lượng đào tạo qua từng năm học.

ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ DẠY VÀ HỌC HIỆN ĐẠI

Tiếp thu chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Trường ĐHTG đã xem đổi mới hoạt động đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu, đã có những định hướng đổi mới mạnh mẽ để phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển. Những năm qua, trường không ngừng nâng chất đội ngũ giảng viên (GV); đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học hiện đại; đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và bước đi phù hợp. Trong đó, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học (NCKH) là một yếu tố rất quan trọng, do đó trong quá trình xây dựng và phát triển, đây là lĩnh vực mà UBND tỉnh và nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư.

Sinh viên thực hành thí nghiệm.
Sinh viên thực hành thí nghiệm.

PGS-TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường ĐHTG cho biết: “Thực hiện Đề án “Xây dựng Trường ĐHTG” tại cơ sở Thân Cửu Nghĩa, thời gian qua, Chính phủ và UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng các hạng mục: 4 giảng đường dùng chung; Khoa Kinh tế và Văn phòng Bộ môn; Khoa Khoa học Cơ bản…, với tổng kinh phí gần 253 tỷ đồng, trong đó các phòng học, phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết, phục vụ cho việc dạy và học. Năm 2016 tiến hành thi công hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí 25 tỷ đồng và UBND tỉnh đã chủ trì điều chỉnh quy hoạch theo hướng khả thi, chỉ đạo xúc tiến làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Nhà nước để xây dựng Ký túc xá sinh viên (SV).

Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên thực hiện việc bảo dưỡng, bảo trì cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học từ nguồn kinh phí ngoài khoán và kinh phí thường xuyên, bình quân 3 tỷ đồng/năm. Mặt khác, kho tài liệu của thư viện trường, bao gồm sách và thư viện số được bổ sung hàng năm từ nguồn chi thường xuyên của trường, bình quân 300 triệu đồng/năm. Hiện tại, trường có hơn 16.000 tên sách, với  hơn 93.000 bản sách; 80 tên báo, tạp chí; 131 đĩa CD-Rom; 207 tên luận văn, luận án; 31 tên tập bài giảng của giảng viên, đủ phục vụ cho các chuyên ngành đào tạo và đáp ứng yêu cầu của bạn đọc…, đáp ứng khá tốt nhu cầu đào tạo - khoảng 90%, nghiên cứu khoa học - khoảng 80% của các khoa chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

CHỦ ĐỘNG ĐỔI MỚI

  Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy và học, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên được nhà trường đặc biệt quan tâm. Những năm qua, đội ngũ GV được ưu tiên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, cơ bản đảm bảo công tác giảng dạy.  Đội ngũ công chức, viên chức (CC-VC) của trường đa số trẻ, năng động, có trình độ, đáp ứng được yêu cầu đào tạo của nhà trường. Trường có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ CB-VC tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trao đổi học thuật… Kết quả sau 10 năm, trình độ của đội ngũ CC-VC nhà trường đã được nâng chất rõ rệt, cụ thể như sau: Năm 2006 (khi thành lập trường), trường có 3 tiến sĩ, 65 thạc sĩ, 257 đại học; đến nay có 1 PGS-TS, 20 tiến sĩ, 260 thạc sĩ (32 nghiên cứu sinh), 187 đại học (66 cao học).

Xây dựng cơ sở Thân Cửu Nghĩa khang trang.
Xây dựng cơ sở Thân Cửu Nghĩa khang trang.

Theo PGS-TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng nhà trường,  trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục củng cố để hoàn thiện tổ chức bộ máy từ Hội đồng trường, Ban Giám hiệu đến các khoa, phòng, trung tâm theo yêu cầu của Điều lệ trường đại học về số lượng, tiêu chuẩn các chức danh. Bồi dưỡng đội ngũ tại chỗ đạt chuẩn và thu hút giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên để đảm bảo yêu cầu của kiểm định chất lượng giáo dục và phân tầng đại học. Tiếp tục nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo theo hướng đa ngành nghề và tiếp cận yêu cầu mới về nhân lực trong điều kiện hội nhập. Phát triển một số chương trình theo yêu cầu của địa phương về nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và phát triển hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn mới. Từng bước phát triển đào tạo chương trình sau đại học một số ngành có đủ điều kiện.

Đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa trường đại học với cộng đồng - địa phương - doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong đào tạo, nghiên cứu ứng dụng. Xúc tiến việc hợp tác quốc tế với các đối tác là trường đại học nước ngoài, các tổ chức Giáo dục - Khoa học Công nghệ quốc tế vốn đã có quan hệ truyền thống và tìm kiếm thêm đối tác mới để thực hiện các hợp tác về đào tạo tại chỗ, bán du học và các hợp tác nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.

Tiếp tục đề xuất hoàn chỉnh cơ sở vật chất trường về đầu tư xây dựng mới tại cơ sở Thân Cửu Nghĩa theo khả năng ngân sách của tỉnh và bổ sung trang thiết bị cập nhật đối với ngành nghề mới. Triển khai bố trí sử dụng và khai thác hợp lý, có hiệu quả các cơ sở vật chất đã có. Thực hiện cơ chế quản trị nhân lực và tài chính hiệu quả. Tiết kiệm chi phí thường xuyên, tăng hoạt động dịch vụ từ các loại hình đào tạo và hợp đồng hợp tác liên kết đào tạo nghiên cứu ứng dụng để tạo thêm thu nhập cho viên chức..., để làm tốt vai trò là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

THU HOÀI

.
.
.