Thứ Sáu, 21/07/2017, 14:29 (GMT+7)
.

Quan tâm giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách

Những năm qua, việc triển khai các chính sách ưu đãi cho con em gia đình chính sách đã được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực thực hiện, trong đó có chính sách ưu đãi về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhằm góp phần cải thiện đời sống gia đình người có công.

Sinh viên ngành Cơ khí Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang trong giờ thực hành.
Sinh viên ngành Cơ khí Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang trong giờ thực hành.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhằm tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng lao động và con em gia đình chính sách có việc làm, ổn định cuộc sống, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em đối tượng chính sách đã phát huy hiệu quả, đời sống của các gia đình chính sách từng bước được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, trong 7 năm 2010 - 2016, tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho 50.574 lao động nông thôn, đạt 111,29% so với mục tiêu đề ra; trong đó có 1.205 lao động là con em gia đình chính sách, với các ngành nghề đào tạo như: Sửa chữa xe gắn máy, hàn, may công nghiệp, sửa chữa điện dân dụng, cắt - uốn tóc, sửa chữa máy may công nghiệp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...  Kinh phí hỗ trợ lao động học nghề hơn 42 tỷ đồng, bình quân hỗ trợ học phí cho mỗi lao động 550.000 đồng/khóa học.

Về tạo việc làm cho người lao động sau khi học nghề, đối với các nghề phi nông nghiệp, người lao động được giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp hoặc nhận gia công hàng cho các cơ sở sản xuất. Đối với nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đã giúp lao động nông thôn biết lựa chọn giống, theo dõi phòng bệnh..., nên trong những năm qua đã hạn chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, để giúp con em gia đình chính sách có nghề nghiệp, việc làm ổn định, tỉnh đã lồng ghép các chính sách đào tạo nghề; đồng thời khuyến khích các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh ưu tiên tuyển dụng con thương binh, liệt sĩ vào làm việc… Nhờ các chính sách ưu đãi này, số lượng con em của các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh có điều kiện và cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động có việc làm hơn 80%, trong đó đối với lao động nông thôn đã tốt nghiệp lớp học nghề sau 1 năm đạt 12,04% có việc làm mới, 31% đã thay đổi việc làm theo nghề mới học, 79,51% ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất và 74,69% đã tăng thêm thu nhập với mức khoảng 950.000 đồng/tháng đối với lao động học kỹ thuật nông nghiệp, 1.500.000 đồng/tháng đối với lao động học nghề phi nông nghiệp.

Thầy Huỳnh Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang cho biết: “Đề án 1956 không những có ý nghĩa quan trọng đối với lực lượng lao động nông thôn, mà còn có ý nghĩa thiết thực cho đối tượng con em gia đình chính sách. Từ năm 2003, trường đã có kế hoạch đào tạo đối tượng con em gia đình chính sách, hầu hết các em sau khi ra trường đã có doanh nghiệp nhận vào làm việc. Trường dạy thực hành đến 70% số tiết, lý thuyết chỉ 30%, nên khi ra trường các em bắt tay vào việc được ngay, các doanh nghiệp rất hài lòng, nhiều doanh nghiệp đến đặt hàng trước khi các em ra trường, hầu như số lượng sinh viên ra trường mỗi năm không đủ cung ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp. Đây là điều chúng tôi rất phấn khởi, bởi hầu hết con em gia đình chính sách đều rất khó khăn, ra trường có việc làm ngay, giúp các em sớm ổn định cuộc sống”.

Nguyễn Thành Được, sinh viên năm thứ hai, ngành Điện công nghiệp, chia sẻ: “Cha em là thương binh. Từ lúc học bậc tiểu học, em đã được Nhà nước trợ cấp tiền đi học, khi trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang số tiền trợ cấp nhiều hơn, hiện tại mỗi học kỳ em lãnh được 6,5 triệu đồng và được miễn tiền học phí hoàn toàn. Số tiền trợ cấp đã giúp em trang trải việc học, ăn uống hằng ngày, cha mẹ đỡ phần vất vả”.

Có thể thấy, việc hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cộng đồng và toàn thể xã hội đối với các đối tượng này. Qua đó, góp phần giảm bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống cho các gia đình, đảm bảo an sinh xã hội.

H.T

.
.
.