Thứ Tư, 05/07/2017, 10:38 (GMT+7)
.
TỪ THỰC TRẠNG GIÁO DỤC HIỆN NAY:

Quan điểm về giáo dục của Bác vẫn còn nguyên giá trị

Năm 1997, UNESCO đưa ra thông điệp “Học tập - một kho báu tiềm ẩn” để định hướng cho giáo dục ở thế kỷ XXI, với quan điểm về 4 trụ cột giáo dục là “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Các nhà giáo dục học trên thế giới xem đây là một triết lý của mọi nền giáo dục tiên tiến. Điều này hoàn toàn chính xác.

Niềm vui được đến trường. 	Ảnh: DUY NHỰT
Niềm vui được đến trường. Ảnh: Duy Nhựt

Tuy nhiên, đối với nước ta, quan điểm giáo dục này thật ra không hoàn toàn mới mẻ. Bởi, tháng 9-1949,  khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Bác Hồ đã ghi trong trang đầu quyển Sổ vàng của nhà trường: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, trang 684). Tư tưởng “Học để làm người, học để làm việc” của Bác Hồ đã bao trùm các quan điểm “Học để biết, học để làm, học để chung sống” của UNESCO gần nửa thế kỷ sau.

Ngày nay, chúng ta càng thấm thía những lời dạy trên của Bác. Giáo dục của nước ta hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, còn tồn tại những hạn chế, yếu kém. Đó là có không ít cơ sở giáo dục, có không ít giáo viên ở bậc học phổ thông đã xác định sai trọng tâm của mục tiêu giáo dục “Học để làm người, học để làm việc”. Những biểu hiện dễ nhận ra của việc xác định sai trọng tâm mục tiêu giáo dục là nặng về “dạy chữ” mà nhẹ về “dạy người”; “bệnh” thành tích; dạy, học đối phó với các kỳ kiểm tra, thi cử…

Những hậu quả đã để lại khi xác định sai mục tiêu giáo dục ấy hẳn ai quan tâm đến giáo dục cũng đều nhận ra. Chắc chắn người lớn khi xem những clip về bạo lực học đường sẽ rất ngạc nhiên, rồi xót xa tự hỏi: Học sinh ngày nay không được giáo dục về tình thương, lòng nhân hậu sao? Bạn bị đánh đập “hội đồng” một cách dã man như vậy mà nhiều em đứng cổ vũ reo hò rồi quay phim đưa lên mạng. Vì chạy theo số lượng, có bao nhiêu học sinh “ngồi nhầm lớp”? Có bao nhiêu học sinh khi học xong trung học phổ thông mà không viết nổi tờ đơn xin phép nghỉ học? Học gần chục năm ngoại ngữ trong nhà trường nhưng có mấy em đủ tự tin giao tiếp bằng ngoại ngữ? Đó là chưa nói đến những kỹ năng tối thiểu trong cuộc sống mà lẽ ra các em phải được trang bị…

Ở đào tạo bậc đại học, mục tiêu “Học để làm người, học để làm việc” cũng chưa đạt yêu cầu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tuấn (Chất lượng giáo dục đại học: Bắt đầu từ thầy và kết thúc ở trò, Dien dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France diendan@diendan.org), khi xem xét chất lượng đào tạo theo 4 tiêu chí chất lượng của sinh viên tốt nghiệp: Kiến thức tổng quát (bao gồm kiến thức về xã hội, thông thạo kỹ thuật vi tính, tiếng Anh…), kiến thức chuyên môn, kỹ năng phát hiện, đặt và giải quyết vấn đề và tiêu chí nhân cách, thì thấy chất lượng đào tạo của các trường đại học nước ta còn quá hạn chế.

Trong nhiều cuộc hội thảo, trao đổi giữa các cơ sở đào tạo đại học với các nhà doanh nghiệp, lãnh đạo các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học… đều nhận được nhiều ý kiến về những cái yếu của sinh viên Việt Nam là: Yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; thiếu kỹ năng giao tiếp công chúng và làm việc nhóm; thiếu khả năng vận dụng giải quyết vấn đề; yếu về kỹ thuật vi tính và tiếng Anh…

Nhiều nhà doanh nghiệp cho rằng, thực tế chỉ khoảng 10% - 30% số sinh viên tốt nghiệp là có thể đáp ứng được những yêu cầu cơ bản cho lao động của doanh nghiệp, còn đối với đa số trường hợp khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải chấp nhận việc đào tạo lại. Một nghiên cứu  do Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thực hiện cũng cho thấy, có đến 50% sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng các yêu cầu chuyên môn và phải đào tạo lại.

Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo theo tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện”. Trên tinh thần đổi mới lần này, thiết nghĩ chúng ta cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục cách đây gần nửa thế kỷ: Làm sao để người học ý thức được rằng “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. Có như vậy, nền giáo dục nước ta chắc chắn sẽ phát triển.

PHAN NGỌC THANH

.
.
.