Thứ Ba, 26/12/2017, 10:08 (GMT+7)
.

Chuyện về cô giáo trẻ xứ Gò

Tuy tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ, nhưng 4 lần tham gia Cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học”, thì 3 lần cô đoạt giải Nhất và 1 lần giải Ba cấp Quốc gia. Vừa qua, tại Hà Nội, cô vinh dự được Bộ GD-ĐT khen tặng vì có thành tích đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy. Đó là cô Nguyễn Thị Như Hằng, giáo viên môn Sinh học Trường Trung học phổ thông (THPT) Trương Định, TX. Gò Công.

Trong tiết học của cô Hằng, các em không phải viết bài nhiều, mà chính tay được làm các thí nghiệm.
Trong tiết học của cô Hằng, các em không phải viết bài nhiều, mà chính tay được làm các thí nghiệm.

Với ước mơ được làm cô giáo, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc ngành Sư phạm Sinh học của Trường Đại học Cần Thơ, cô Hằng được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Trương Định. Đây là niềm vui lớn đối với cô Hằng vì được trở về với ngôi trường đã từng gắn bó với mình trong những năm học THPT. Từ khi bước chân vào trường giảng dạy, cô Hằng nguyện đem hết tâm huyết và trí tuệ, góp sức cùng tập thể sư phạm viết thêm truyền thống nhà trường, để xứng danh một ngôi trường mang tên Anh hùng dân tộc Trương Định.

Gặp cô Hằng trong giờ lên lớp, cô bắt đầu tiết học bằng chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp, lôi cuốn. Điều đặc biệt là, học sinh không phải chép bài nhiều, được quan sát cô làm thí nghiệm và chính tay học sinh làm các thí nghiệm đó. Trong tiết dạy “Quang hợp cây xanh” môn Sinh học lớp 11, cô còn liên hệ những kiến thức ở bộ môn Vật lý, Hóa học để giải thích mối liên hệ của chúng trong quá trình quang hợp của cây xanh. Lớp học gần 40 học sinh nhưng không một em nào rời mắt khỏi bài học.

Cô Hằng cho biết, dạy học theo phương pháp tích hợp lồng ghép nhiều môn học, nên kiến thức bài giảng vô cùng đa dạng, phong phú, giải thích vấn đề một cách thấu đáo và khoa học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Chính vì vậy, mỗi tiết dạy, cô đều đầu tư công sức và nghiên cứu soạn giáo án phù hợp, sáng tạo. Với đặc thù môn Sinh học, cô Hằng luôn tìm cách dạy sao cho thu hút, dễ hiểu và gần gũi nhất để các em tiếp thu bài ngay tại lớp. Chính vì vậy, những giờ lên lớp ở môn Sinh học của cô không còn khô cứng với những bài học lý thuyết, mà các em được tiếp cận nhiều điều mới mẻ và thú vị. Đặc biệt, cô Hằng cũng là một trong những giáo viên của trường luôn chủ động và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng bản đồ tư duy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh..

Cô Hằng cho biết thêm: “Với cách dạy mới này sẽ gặp không ít khó khăn cho giáo viên, bởi vì còn đan xen giữa phương pháp cũ với phương pháp mới, có học sinh bỡ ngỡ vì lâu nay đã quen với cách truyền thụ kiến thức một chiều. Tuy nhiên, nếu giáo viên kiên trì, nhẫn nại thì chắc chắn sẽ thành công”.

Chia sẻ về bí quyết giảng dạy theo chủ đề tích hợp, cô Hằng cho biết, để tiết dạy được thành công, ở mỗi bài học, cô thường phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm học sinh, hướng dẫn các em tìm nguồn tài liệu tham khảo, viết báo cáo. Giáo viên chỉ là người đóng góp, gợi mở vấn đề để các em tự làm chủ bài học, chứ không hoàn toàn lệ thuộc vào sách giáo khoa.

Em Nguyễn Tuấn Kiệt, học lớp 121 cho biết: “Được học cô Hằng ai cũng thích. Không những tụi em ít chép bài, mà còn được cô tổ chức chơi các trò chơi theo từng chủ đề bài học. Chính vì vậy, tụi em thuộc bài ngay tại lớp”.

Trong 4 lần tham gia cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp, cô Hằng tâm đắc nhất đề tài “Món ngon xứ Gò”. Ở chương Vi sinh vật của môn Sinh học khối lớp 10 được đánh giá là chương học khó nhất trong chương trình. Thế là cô mạnh dạn kết hợp bài học với việc cho học sinh tìm hiểu các món ăn đặc sản của chính địa phương mình. Cô Hằng chia lớp thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm sẽ đi thực tế để tìm hiểu về quy trình chế biến các món ăn như: Mắm tôm chà, sữa chua, rượu sơ-ri… Ở tại cơ sở, các em thực hiện phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh, sau đó các nhóm sẽ về viết báo cáo thuyết trình, giúp học sinh dễ hiểu bài và thích thú khi được kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn. “Với đề tài này, học sinh không những tìm hiểu được quy trình chế biến các sản vật của địa phương, mà thông qua đó còn góp phần giáo dục cho các em ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị ẩm thực truyền thống của địa phương” - cô Hằng cho biết.

Nhờ đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy mà chất lượng môn Sinh học ở các lớp cô dạy luôn dẫn đầu toàn trường về số giải học sinh giỏi các cấp cũng như chất lượng đại trà. Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân, cô Hằng còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp và tham gia nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm.

Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Cô Hằng lúc nào cũng cố gắng trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, biết lắng nghe, chia sẻ với đồng nghiệp..., đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, là giáo viên dạy giỏi của trường...”.

CÔNG NGUYÊN

.
.
.