Thứ Ba, 05/12/2017, 20:46 (GMT+7)
.

Tập làm văn theo văn mẫu sẽ tai hại vô cùng

Tập làm văn được xem là phân môn quan trọng trong chương trình Tiếng Việt của bậc tiểu học.Theo nhiều giáo viên, dạy tập làm văn ở bậc tiểu học là điều hoàn toàn không dễ dàng, mà lắm công phu. Còn theo phản ánh của nhiều phụ huynh, có một thực trạng đáng buồn hiện nay là, còn một bộ phận giáo viên bắt các em học thuộc lòng các bài văn mẫu đến từng câu, chữ. Điều này đã khiến không ít người quan ngại không biết nên cho con mình học theo văn mẫu hay để các em tự sáng tạo theo năng lực của mình. Vấn đề đặt ra là, việc dạy tập làm văn ở bậc tiểu học như thế nào là phù hợp và khơi dậy được tình yêu văn chương cho học sinh?

Để tạo sự hứng thú trong những tiết học tập làm văn, đòi hỏi giáo viên phải có sự cần cù, nhẫn nại, tìm tòi những phương pháp mới.
Để tạo sự hứng thú trong những tiết học tập làm văn, đòi hỏi giáo viên phải có sự cần cù, nhẫn nại, tìm tòi những phương pháp mới.

TRẺ “TẬP” LÀM VĂN?

Chị N.N.T.C., ngụ phường 6, TP. Mỹ Tho cho biết, hôm trước cô giáo giao cho cả lớp của con gái chị bài tập làm văn tả về người bà yêu quý của mình. Sau giờ xem tivi, chị hướng dẫn con chuẩn bị bài cho ngày mai. Ngồi theo dõi con làm bài, chị “giật mình” vì con gái tả người bà có mái tóc bạc phơ, nước da ngăm ngăm, đôi mắt hiền hậu…, trong khi bà ngoại của bé chỉ mới ngoài 50 tuổi. Chị liền hỏi con, thì nhận được câu trả lời: “Cô giáo bảo con và các bạn phải tả như vậy, không được làm khác”. Ngồi đợi con làm bài suốt cả buổi tối, chị chỉnh sửa lại câu cú, cách hành văn cho con, nhưng trong lòng hoàn toàn không hứng thú.

Cùng hoàn cảnh với chị C., chị T.T.N., nhà ở huyện Gò Công Tây kể, mỗi khi con vô những đợt kiểm tra học kỳ, tâm trạng chị rối bời khi hướng dẫn con ôn thi. “Con đọc và học thuộc lòng từng câu, từng chữ; thậm chí từng dấu chấm, dấu phẩy. Nhiều lần tôi giúp con lập dàn ý, nhưng con tôi đều từ chối, vì sợ làm trái ý cô sẽ bị điểm thấp” - chị N. nói.

Chị N. cho biết thêm, nhiều lần chị đã giải thích cho con hiểu làm văn thì cần miêu tả chân thực, sinh động những gì mà mình nhìn thấy và cảm nhận được. Thế nhưng, đáp lại lời khuyên chân thành của chị là trách hờn của con: “Những lần thi trước đó con làm giống mẹ chỉ dẫn, đã bị điểm thấp. Các bạn làm theo cô chỉ dẫn thì được điểm cao”.

Không riêng chị C. và chị N., mà nhiều phụ huynh khác cũng đang rất lo lắng, bởi nếu học theo cách học như thế thì ngôn ngữ của trẻ chỉ bó hẹp ở một số từ ngữ, lối hành văn theo lối mòn, sáo rỗng, tư duy của trẻ sẽ rất hạn hẹp. Không nên áp đặt suy nghĩ của chúng ta cho trẻ...

CẦN TRUYỀN TÌNH YÊU VĂN CHO TRẺ

Hơn 8 năm dạy học sinh bậc tiểu học, cô Lê Thị Hồng Vân, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (TP. Mỹ Tho) cho biết, dạy tập làm văn ở bậc tiểu học là vấn đề rất nan giải, đòi hỏi giáo viên phải rất trăn trở, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để các em có thể dễ dàng tiếp thu. “Dạy phân môn tập đọc đã khó, phần luyện câu, từ càng khó hơn và phần tập làm văn là vô cùng khó. Để truyền cảm hứng cho học sinh, đòi hỏi giáo viên phải rất khéo léo và kiên trì. Lúc mới vào nghề, tôi và các đồng nghiệp loay hoay tìm cách dạy làm sao để học sinh mình dễ hiểu nhất” - cô Vân cho biết.

Cũng theo cô Vân, công việc của giáo viên bậc tiểu học là vô cùng áp lực. Một số giáo viên chọn cách bắt học sinh phải học thuộc các bài văn, rồi viết lại y chang. Cô Vân phản đối phương pháp dạy này, vì nó bóp nghẹt sự sáng tạo của các em, vốn từ bị khuôn mẫu..., vô tình giáo viên chạy theo bệnh thành tích.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước) Trịnh Khắc Tuấn đồng quan điểm với cô Vân, đã khẳng định, nếu cho học sinh học theo văn mẫu sẽ tai hại vô cùng, vì không những làm mất năng lực cảm nhận, quan sát, mà còn ảnh hưởng đến tư duy của trẻ, làm trẻ bị lệ thuộc vào những thứ có sẵn. Vả lại, học những bài văn có sẵn rất mất thời gian vì rất khó để học thuộc, bởi vậy cách tốt nhất là nên khuyến khích học sinh tự làm.

Dạy tập làm văn ở bậc tiểu học là điều không dễ, thế nhưng theo cô Vân, chỉ cần giáo viên biết kiên nhẫn, tìm tòi, nghiên cứu thì không gì là không thể làm được. Trong giờ dạy, giáo viên nên truyền cảm hứng cho học trò, tổ chức cho các em tham gia các trò chơi như tìm từ vựng, diễn đạt câu văn hoàn chỉnh... để tạo hứng thú cho học sinh. Bên cạnh đó, tùy vào tình hình thực tế của trường, giáo viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy. Ví dụ như, khi dạy về tả loài hoa mà các em yêu thích, giáo viên có thể dẫn các em tham quan thực tế vườn trường để các em quan sát, cảm nhận, chứ không nên để các em làm văn trong tưởng tượng.

Còn theo thầy Tuấn: “Cha mẹ, thầy cô hãy là người bạn đồng hành cùng các em trong việc học. Chúng ta nên hướng dẫn các em tìm ý tưởng, lập dàn ý, diễn đạt câu văn. Có thể trẻ viết văn ngô nghê, nhưng đó là ý tưởng của trẻ, chúng ta không nên đem so sánh với trẻ khác, mà hãy động viên để trẻ có thêm động lực học tập”. 

Theo kinh nghiệm của thầy Tuấn, ở bậc  tiểu học, điều quan trọng nhất là nên cho học sinh viết đúng chính tả, diễn tả câu văn hoàn chỉnh, chứ không nên viết bài trước, mà hãy viết thành từng đoạn, rồi ghép lại thành bài viết.

ĐĂNG NGUYÊN

.
.
.