Thứ Bảy, 23/12/2017, 09:02 (GMT+7)
.

Thêm phương thức tuyển sinh vào lớp 6 bằng đánh giá năng lực

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt thông tin về tuyển sinh vào lớp 6 với phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển dưới mọi hình thức như hiện nay.

Phụ huynh chen chân mua hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6 cho con tại trường Lương Thế Vinh. Ảnh: vnexpress.net
Phụ huynh chen chân mua hồ sơ tuyển sinh vào lớp 6 cho con tại trường Lương Thế Vinh. Ảnh: vnexpress.net

Cụ thể, Thông tư hiện hành quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển”. Dự thảo mới bổ sung: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”. Tuy nhiên, Dự thảo mới cũng bổ sung quy định việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn.

Giải thích rõ hơn về sự thay đổi của Dự thảo này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, Thông tư số 11 ban hành năm 2014 về tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT được triển khai trong những năm qua đã tạo điều kiện cho các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục tự chủ trong tuyển sinh. Về phương thức tuyển sinh vào lớp 6, các cơ sở được thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi và xét tuyển vừa, mang lại lợi ích lớn khi tự chủ, tiết kiệm.

Tuy vậy, một số trường THCS có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu, gặp khó khăn trong việc chọn lựa thí sinh. Việc thi tuyển vào lớp 6 đã dẫn đến việc ôn luyện, thu phí luyện thi và nhiều vấn đề liên quan. Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT có công văn số 1258 ngày 17/3/2015 chỉ đạo và khẳng định THCS là cấp học phổ cập, vì vậy không tuyển sinh đầu vào.

Thế nhưng, sau đó, nhiều trường có ý kiến rằng, nếu không thi thì không tuyển được. Một số trường lấy bằng khen, giải thưởng làm tiêu chí phụ để xét tuyển dẫn đến phụ huynh tìm cách cố gắng có giải các cuộc thi để được vào. Do đó, Bộ GD&ĐT tìm giải pháp để tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là bỏ bớt một số cuộc thi.

Trước ý kiến cho rằng nếu cho phép đánh giá năng lực, có thể tái diễn chuyện dạy thêm học thêm tràn lan, ông Vũ Đình Chuẩn cho hay, một số cơ sở có số lượng đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu sẽ được xây dựng phương án trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ hướng dẫn này, một số trường như THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) xây dựng phương án xét tuyển lớp 6 bằng cách dựa vào học bạ 5 năm tiểu học, kèm tiêu chí phụ là kết quả bài khảo sát gần như bài phỏng vấn những kiến thức tổng hợp viết bằng tiếng Anh. Cho nên không phụ thuộc kiến thức học sinh có đi học thêm hay không.

Ông Vũ Đình Chuẩn cho biết thêm, việc tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT theo nguyên tắc phân cấp cho các tỉnh, nhưng nếu không có quy định chung sẽ khó thực hiện. Hiện, Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến hoàn thiện văn bản đến hết ngày 18/2/2018.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.