Thứ Tư, 21/03/2018, 19:25 (GMT+7)
.
TUYỂN SINH NĂM 2018:

Học sinh quan tâm đến nhóm ngành Khoa học xã hội

Tại buổi tư vấn tuyển sinh -hướng nghiệp năm 2018 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức tại Trường Đại học Tiền Giang, nhiều câu hỏi đã được các em học sinh đặt ra.

Trong đó, có 2 vấn đề chính mà các em quan tâm, đó là học ngành nào dễ kiếm việc làm và làm sao để chọn ngành học mình yêu thích. Bên cạnh đó, điều đáng mừng là nhóm ngành Khoa học xã hội (KHXH) cũng được học sinh quan tâm, lựa chọn nhiều hơn. 

NHIỀU CÂU HỎI DÀNH CHO NHÓM NGÀNH KHXH

Theo Ban Tư vấn tuyển sinh, trong những mùa tuyển sinh gần đây, học sinh đã quan tâm, lựa chọn nhiều hơn đến nhóm ngành KHXH so với trước đây. Đây được xem là một tín hiệu vui. Đến với buổi tư vấn tuyển sinh, em Nguyễn Thị Thanh Xuân, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo thắc mắc: “Học các ngành KHXH khi ra trường thì cơ hội việc làm thế nào? Với học lực loại khá thì khả năng em có trúng tuyển vào ngành Báo chí không hay học những ngành khác thì khi ra trường có làm báo được không?”.


Theo thông tin từ Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu thị trường lao động những năm gần đây đang ngày càng sôi động. Cơ hội việc làm cho nhóm ngành KHXH hiện nay rất cao; đồng thời, luôn rộng mở đối với những ai yêu nghề và có năng lực thật sự.

Ngành Báo chí của trường hiện nay đang đào tạo, giảng dạy những kiến thức về báo in, truyền hình và truyền thông. Sinh viên tốt nghiệp ngành Báo chí có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Phóng viên, phát thanh viên, chuyên viên truyền thông…

Những năm gần đây, điểm chuẩn ngành này luôn nằm trong tốp cao của trường. Nếu các thí sinh không đủ điểm xét vào học ngành Báo chí mà có ước mơ làm báo thì vẫn có thể học ở một số ngành khác như: Xã hội học, Nhân học, Ngôn ngữ học… Thực tế, đã có nhiều người không tốt nghiệp ngành Báo chí
nhưng vẫn làm báo rất giỏi.

Tại buổi tư vấn tuyển sinh, nhiều học sinh cũng rất quan tâm đến điều kiện học tập, cơ hội việc làm của ngành Hàn Quốc học. Đối với ngành học này, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho biết, trong những năm gần đây, các ngành liên quan đến ngôn ngữ như: Hàn Quốc học, Nhật Bản học… luôn có cơ hội việc làm rất cao. Hầu như rất ít trường hợp sinh viên những ngành học này khi ra trường bị thất nghiệp.

Học ngành Hàn Quốc học, các sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức liên quan đến ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, kinh tế của đất nước Hàn Quốc... Học hết năm thứ 2, khoảng 10% sinh viên có học lực giỏi sẽ được tham gia chương trình trao đổi sinh viên ở Hàn Quốc.

Học sinh đặt câu hỏi thắc mắc xoay quanh các vấn đề liên quan đến tuyển sinh.
Học sinh đặt câu hỏi thắc mắc xoay quanh các vấn đề liên quan đến tuyển sinh.

Những điểm mới của kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục -Bộ GD-ĐT), kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2018 về cơ bản giống với năm 2017.

Tuy nhiên, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới mà thí sinh cần lưu ý: Thứ nhất, nội dung đề thi các môn sẽ nằm trong chương trình lớp 11 và 12 THPT. Thứ hai, nếu thí sinh đăng ký lựa chọn cả 2 bài thi KHXH và khoa học tự nhiên thì phải làm tất cả 2 bài thi, không được bỏ bài thi nào. Bài thi nào có kết quả cao hơn sẽ xét tốt nghiệp THPT ở bài thi đó.

Thứ ba, điểm ưu tiên khu vực giảm đi 50% so với các năm trước. Theo đó, từ năm 2018, điểm ưu tiên khu vực được cộng cao nhất là 0,7 điểm thay vì 1,5 điểm như trước đây. Thứ tư, ngoại trừ các trường đào tạo ngành Sư phạm, Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng cho các trường.

Các trường được tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Thứ năm, điểm xét tuyển được làm tròn tới 2 chữ số thập phân. Thứ sáu, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp của 2 năm gần nhất.

CHỌN NGÀNH KHÔNG NÊN CHẠY THEO SỐ ĐÔNG 

Làm sao để chọn lựa một ngành nghề phù hợp với bản thân và ra trường dễ kiếm việc làm? Đó là điều băn khoăn chung của khá nhiều học sinh khi tham dự buổi tư vấn tuyển sinh.

Vấn đế này được Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Để chọn được ngành nghề phù hợp, trước hết, các em nên xác định xem mình phù hợp ở lĩnh vực nào trong nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, KHXH, an ninh quốc phòng, y dược hay khoa học công nghệ… để theo đuổi. Khi xác định rồi thì các em nên tìm hiểu thật kỹ về trường học, học phí, điểm chuẩn ra sao… ở ngành mình đã chọn.

Ngành học phù hợp với chính bản thân của các em là ngành học mình yêu thích và thật sự phù hợp với bản thân, chứ không nên chạy theo số đông”. 

Một vấn đề khác cũng được học sinh quan tâm nhiều, đó là hệ đào tạo đại học chất lượng cao có khác gì so với hệ đào tạo đại học đại trà? Theo giải thích của Ban Tư vấn tuyển sinh, cơ bản thì 2 hệ đào tạo này không có gì khác nhau về chương trình, thời gian đào tạo.

Tuy nhiên, sinh viên theo học hệ chất lượng cao sẽ có học phí cao hơn so với hệ đại trà nhưng điều kiện học tập tốt hơn và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường cũng sẽ thuận lợi hơn. Bởi theo học hệ chất lượng cao, sinh viên có cơ hội tương tác với giáo viên nhiều; đồng thời, khi tốt nghiệp, văn bằng của sinh viên sẽ được ghi cụ thể hệ đào tạo chất lượng cao…

ĐỖ PHI

.
.
.