Thứ Hai, 28/05/2018, 21:57 (GMT+7)
.

Đề nghị đổi lại thành trường cấp 1, 2, 3

Hiện nay phổ thông cái gì cũng dạy, học sinh tiểu học phải đeo cặp sách nặng trĩu, đến mức ông bà, bố mẹ phải đeo hộ..

Ngày 28-5, Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý 2 dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục sửa đổi.

a
Các chuyên gia góp ý thẳng thắn nhiều vấn đề của giáo dục

Đây là 2 dự luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận trong tuần này.
Đáng chú ý, về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, lần này sẽ nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Theo đó, tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Dự thảo Luật bổ sung 1 điều quy định chuyển tiếp, theo đó các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2026 và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc chuẩn hóa đối với nhà giáo.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác. Nhưng các em được vay tín dụng để trả học phí, ra trường nếu làm công tác giảng dạy sẽ được xóa khoản vay, còn nếu không làm công tác giảng dạy phải trả lại tiền vay.

Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước..
Như vậy, so với những lần dự thảo ban đầu, vấn đề tiền lương giáo viên đã được rút ra khỏi dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi để trình Quốc hội, kể cả vấn đề miễn học phí cho học sinh THCS (trước đó dự thảo nêu lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp).

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, rút vấn đề lương giáo viên ra khỏi dự thảo Luật vì Chính phủ đã có đề án cải cách lương.
Góp ý về dự thảo, nhiều GS, PGS, các chuyên gia giáo dục đã góp ý nhiều vấn đề còn bất cập của dự thảo Luật này cũng như chia sẻ nhiều vấn đề  nóng bỏng của lĩnh vực mà cả xã hội luôn quan tâm, bức xúc.

Đáng chú ý, về hệ thống giáo dục, GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị đổi tên lại thành cấp 1, cấp 2, cấp 3 thay vì tiểu học, THCS, THPT như hiện nay.
Ông cho rằng sửa đổi Luật Giáo dục lần này cần toàn diện, căn bản, trong đó phải đề cập được vấn đề tiền lương nhà giáo; phân luồng học sinh; đề cao dạy đạo đức cho học sinh, “tiên học lễ, hậu học văn”.

GS-TS Nguyễn Đăng Dung, giảng viên Đại học Luật (Ủy viên Hội đồng Tư vấn pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cũng nhấn mạnh, giáo dục phổ thông phải dạy học sinh cách làm người, trung thực, “đừng dạy học sinh nói dối”.
Ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường cho rằng, giáo dục phổ thông phải rõ về triết lý giáo dục, phải làm sao để học sinh có lòng tự hào dân tộc, ý thức tự tôn, tự chủ. Ông cũng đồng ý đổi thành trường cấp 1, 2, 3 như đề nghị của GS Nguyễn Lân Dũng để đúng thông lệ thế giới.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đồng ý phải đổi tên lại thành  trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 cho rõ ràng (hiện nay là trường tiểu học, THCS, THPT).
“Vấn đề không chỉ là cái tên, mà ở đây là triết lý giáo dục. Phổ thông tức là những kiến thức phổ thông, bảo đảm để học sinh tiếp tục lên cấp học khác, chứ không phải là phải bảo đảm đầy đủ các loại kiến thức như hiện nay. Hiện nay phổ thông cái gì cũng dạy, dẫn đến việc học sinh tiểu học phải đeo cặp sách nặng trĩu, đến mức ông bà, bố mẹ phải đeo hộ”, TS Nguyễn Viết Chức nói.

Theo ông, đổi mới phải là đổi mới một cách toàn diện. Phải đặt lên trên vấn đề dạy chữ, dạy học làm người. Cùng với đó, phải đổi mới hệ thống giáo dục. Ông phản đối kỳ thi “2 trong 1” (thi tốt nghiệp THPT lấy điểm xét tuyển vào đại học - cao đẳng) như hiện nay và đề nghị không thi THPT quốc gia nữa, còn thi vào đại học giao hết cho các trường được tự chủ hoàn toàn.

PGS-TS Lê Văn Trình, Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường cũng cho rằng, giáo dục khuyết hẳn một nội dung quan trọng là dạy làm người. Sửa luật lần này phải khắc phục được điều đó cũng như đặt giáo dục vào cuộc cách mạng 4.0.

(Theo sggp.org.vn)

 

.
.
.