Thứ Tư, 02/05/2018, 20:35 (GMT+7)
.

Nâng chất giờ dạy bằng sự sáng tạo

Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng dạy học ở các cấp học từ mầm non đến THPT. Phong trào đã phát huy tính sáng tạo của  giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng các giờ học, tạo sự hứng thú học tập của học sinh trong các trường học.

Các giáo viên Trường Mầm non Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) tự làm đồ dùng dạy học phục vụ cho công tác giảng dạy.
Các giáo viên Trường Mầm non Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) tự làm đồ dùng dạy học phục vụ cho công tác giảng dạy.

HIỆU QUẢ PHONG TRÀO TỪ MỘT HỘI THI

Trước những yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, hằng năm, Sở GD-ĐT đều chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Mục tiêu của phong trào nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo của giáo viên, làm phong phú thêm đồ dùng dạy học.


Trên cơ sở đó, những năm qua, Phòng GD-ĐT của các địa phương trong tỉnh đều tổ chức Hội thi, triển lãm đồ dùng thiết bị dạy học tự làm cấp huyện, thị xã, thành phố. Riêng năm học 2017 - 2018, hội thi, triển lãm này diễn ra ở các huyện, thị xã, thành phố, với tổng số sản phẩm dự thi lên đến 1.884 sản phẩm.

Trong đó, Phòng GD-ĐT các địa phương đã tuyển chọn 208 sản phẩm tiêu biểu tham gia dự thi Hội thi, triển lãm đồ dùng thiết bị dạy học tự làm cấp tỉnh lần thứ VII năm học 2017 - 2018. 

Tại Hội thi, triển lãm đồ dùng thiết bị dạy học tự làm cấp tỉnh lần này, nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học được trưng bày khéo léo, khoa học, thể hiện tính sáng tạo, thẩm mỹ cao của giáo viên. Hầu hết các sản phẩm đều do giáo viên tự làm từ những nguyên vật liệu sẵn có trong tự nhiên, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học đã thể hiện sự đầu tư, thiết kế phù hợp với tâm sinh lý từng lứa tuổi học sinh; đồng thời, có tác dụng rèn luyện kỹ năng, mang tính giáo dục cao, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường học.

Mang đến Hội thi, triển lãm đồ dùng, thiết bị dạy học tự làm cấp tỉnh lần này, sản phẩm “Ngăn tủ xoay bí ẩn” của cô giáo Nguyễn Thị Thảo Chi, Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Mỹ Tho) không chỉ gây được sự chú ý của nhiều giáo viên mà còn được Ban Tổ chức hội thi đánh giá cao.

Theo cô Thảo Chi, mục đích tạo ra sản phẩm “Ngăn tủ xoay bí ẩn” là nhằm tạo sự hứng thú cho trẻ mầm non trong những giờ học. “Chiếc “Ngăn tủ xoay bí ẩn” chứa đựng bên trong là những trò chơi quen thuộc được cải tiến và biến đổi cách học và chơi mang tính thử thách cao. “Ngăn tủ xoay bí ẩn” giúp trẻ được học hỏi và phát triển nhiều kỹ năng như: Quan sát, tư duy logic, kỹ năng vận động, phát triển ngôn ngữ…” - cô Thảo Chi cho biết.

Phong trào tự làm đồ dùng dạy học của tỉnh ngày càng lan tỏa với sự xuất hiện nhiều hơn những tấm gương giáo viên tiêu biểu trong sáng tạo.
Phong trào tự làm đồ dùng dạy học của tỉnh ngày càng lan tỏa với sự xuất hiện nhiều hơn những tấm gương giáo viên tiêu biểu trong sáng tạo.

Để học sinh tiểu học hứng thú hơn với môn Toán, cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Mỹ Tho) đã sáng tạo ra phần mềm điện tử giúp học sinh tiểu học học tập môn Toán tốt hơn. Đây cũng là sản phẩm mà cô Thanh tham gia dự thi tại Hội thi, triển lãm đồ dùng, thiết bị dạy học tự làm lần thứ VII.

Theo cô Thanh, phần mềm điện tử này giúp học sinh rèn luyện và nâng cao các kỹ năng tính toán. Điểm mới của sản phẩm, thiết bị này là cho phép người sử dụng đề ra yêu cầu bài toán cho học sinh làm nhanh. Sau đó, thiết bị có khả năng tự kiểm tra và đánh giá kết quả mà học sinh đã làm.

TẠO SỰ LAN TỎA

Theo Sở GD-ĐT, hiện nay, đồ dùng, thiết bị dạy học tự làm không chỉ tập trung tại các trường, các địa bàn trung tâm thuận lợi mà đã được các trường trong tỉnh triển khai và được các thầy, cô giáo ở các cấp học nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó, một số giáo viên đã sáng chế ra nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học đáp ứng thực tế điều kiện dạy học ở các trường học.

Cũng có sản phẩm được làm lại từ các thiết bị dạy học cũ đã được trang bị trong quá trình giảng dạy để cho ra đời những thiết bị hoàn thiện, hiệu quả hơn trên cơ sở thực tiễn giảng dạy. Điều đó đã góp phần khắc phục kịp thời những thiết bị còn thiếu, bổ sung các thiết bị chưa có điều kiện mua sắm, thay thế hoặc cải tiến các thiết bị hư hỏng phù hợp với tình hình, đặc điểm của các trường học.

Bên cạnh đó, phong trào tự làm thiết bị dạy học đã khơi dậy sự sáng tạo, lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên, tác động trong hoạt động chuyên môn theo hướng mới. Đó là định hướng cho giáo viên truyền thụ kiến thức nghiêng về thực hành, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong đổi mới phương pháp dạy và học cho học sinh. Ngoài ra, những thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm còn góp phần khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, tạo động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh.

Để phong trào tự làm đồ dùng dạy học ngày càng lan tỏa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Quý Mão cho rằng, các đơn vị Phòng GD-ĐT, trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, giáo viên sáng tạo, làm các thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho bộ môn giảng dạy. Tổ chức nhân rộng, áp dụng vào thực tế giảng dạy các sản phẩm đạt giải ở hội thi, triển lãm thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm cấp trường, huyện, tỉnh. Các đơn vị cần có những chính sách, kinh phí hỗ trợ, động viên giáo viên tự làm các sản phẩm đồ dùng dạy học…

Hiện nay, cùng với quá trình đổi mới chương trình, các trường học từ bậc học mầm non đến THPT của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng đã được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, bảo đảm nhu cầu tối thiểu theo danh mục thiết bị dạy học đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Tuy nhiên, giải pháp tự làm thiết bị dạy học, tự sửa chữa, tự cải tiến thiết bị dạy học trong các trường học vẫn cần thiết trong điều kiện thực tế hiện nay, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học.

ĐỖ PHI

.
.
.