Thứ Bảy, 11/08/2018, 08:17 (GMT+7)
.

Chuyện trường lớp, giáo viên trước năm học mới

Năm học 2018 - 2019 đã chính thức bắt đầu. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản thì tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp cũng như tình trạng thiếu giáo viên vào đầu năm học mới.

Giáo viên Trường Mầm non Bình Trưng (huyện Châu Thành) đang gấp rút chuẩn bị năm học mới.
Giáo viên Trường Mầm non Bình Trưng (huyện Châu Thành) đang gấp rút chuẩn bị năm học mới.

KHÓ VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Mặc dù, thời gian qua, tỉnh đã rất quan tâm đến công tác đầu tư cơ sở vật chất trường học nhưng bước vào năm học mới 2018 - 2019, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trường học đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là tình trạng thiếu và xuống cấp của các lớp học.

Năm học 2018 - 2019, bằng nguồn ngân sách ngành Giáo dục, huyện Cái Bè đầu tư sửa chữa các hạng mục như: Nhà vệ sinh, hàng rào, sơn sửa trường lớp… tại 38 đơn vị trường học, với kinh phí trên 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Bè phải nhập học trong điều kiện trường lớp xuống cấp như: Trường Mầm non Hậu Mỹ Phú, Trường Mầm non Hòa Khánh, Trường Mầm non Hậu Thành, Trường Mầm non Hậu Mỹ Bắc B…

Trong đó có trường hợp của Trường Mầm non Hậu Mỹ Bắc B, với nhiều phòng học không còn nguyên vẹn, sân trường ngập úng, ẩm thấp… không thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học 2018 - 2019.

Trước những bức xúc về cơ sở vật chất, UBND tỉnh đã đưa trường vào danh mục đầu tư năm 2018, với tổng vốn gần 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi dự án chưa được khởi công thì ngay trong năm học này, trường đã phải mượn tạm 3 phòng học của Trường THCS Hậu Mỹ Bắc B để giảng dạy 4 lớp mẫu giáo 5 tuổi, với trên 200 trẻ.

Còn huyện Châu Thành cũng đang có nhiều trường học thiếu phòng học, phòng bộ môn, sân  chơi… Năm học 2018 - 2019, dù gặp khó khăn về cơ sở vật chất nhưng để đáp ứng công tác giảng dạy, Trường Mầm non Bình Trưng vẫn phải tổ chức 5 lớp, với 172 trẻ.

Phó Hiệu trưởng nhà trường Võ Thị Ngọc Quyên cho biết: “Do các phòng học của trường được tiếp nhận từ Trường THCS Bình Trưng xây dựng từ nhiều năm trước nên hiện đã xuống cấp, ẩm thấp, không thể đáp ứng yêu cầu của giáo dục mầm non. Vào mùa mưa, sân trường còn bị ngập, rất khó khăn trong việc đưa rước trẻ”.

Trường Mầm non Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) hiện đang xuống cấp trầm trọng.
Trường Mầm non Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) hiện đang xuống cấp trầm trọng.

Không riêng 2 huyện Cái Bè và Châu Thành, mà hiện tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều trường học đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất.

Trước tình hình đó, các Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) của các huyện, thành, thị trong tỉnh đã lập báo cáo, ưu tiên đầu tư đối với những trường học khó khăn cấp thiết về cơ sở vật chất.

Có thể kể đến các trường học mà huyện Cái Bè sẽ ưu tiên đầu tư trong năm nay như: Trường THCS Phan Văn Ba (25 tỷ đồng); Trường Mầm non Tân Hưng (18 tỷ đồng); Trường Mầm non Mỹ Tân (14,5 tỷ đồng).

Còn với huyện Châu Thành, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ngô Thanh Hùng cho biết: “Hiện tại, do quỹ đất để đầu tư trường học của huyện còn hạn chế, việc đầu tư cho các trường học vẫn chịu phụ thuộc vào phân kỳ đầu tư của tỉnh hằng năm nên huyện Châu Thành phấn đấu đến năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng 50% số trường mầm non, 75% trường tiểu học và 50% trường THCS trên địa bàn toàn huyện”.

THIẾU GIÁO VIÊN

Tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh hiện nay chủ yếu là ở bậc mầm non. Theo thống kê của ngành Giáo dục, toàn tỉnh hiện còn thiếu 653 giáo viên mầm non (GVMN).

Trong đó, huyện Cái Bè là địa phương còn thiếu nhiều GVMN nhất của tỉnh, với số lượng GVMN còn thiếu là 138 GV, kế đến là huyện Chợ Gạo thiếu 117 GVMN, huyện Cai Lậy thiếu 99 GVMN, huyện Châu Thành thiếu 71 GVMN… Không phải năm học 2018 - 2019, tỉnh mới xảy ra tình trạng thiếu GVMN, mà nhiều năm nay tình trạng này vẫn cứ tái diễn.

Theo Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang, nguyên nhân thiếu GVMN là do dân số ngày càng đông dẫn đến nhu cầu mở ra ngày càng nhiều lớp bán trú để giữ trẻ, nên đòi hỏi số lượng GVMN cũng phải tăng theo.

Mặt khác, việc tuyển dụng GVMN hiện nay vô cùng khó khăn, phụ thuộc hoàn toàn vào số lượng thí sinh dự thi hằng năm ở các trường có đào tạo ngành Sư phạm mầm non. Một nguyên nhân nữa là do chính sách trả lương cho GVMN còn quá thấp đã khiến không ít giáo viên không trụ được với nghề.

Trưởng Phòng GD- ĐT TX. Cai Lậy Nguyễn Thị Thủ cho biết, năm học 2018 - 2019, toàn huyện có 385 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 4.200 trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Điều đáng lo ngại là số trẻ tuy có tăng nhưng đội ngũ GVMN lại không tăng. Việc tuyển GVMN ở những trường mầm non vùng sâu vùng xa hiện gặp rất nhiều khó khăn, do lương thấp, đường xá đi lại xa xôi.

Để khắc phục tình trạng thiếu GVMN, Phòng GD-ĐT thị xã chỉ đạo các trường mầm non có tổ chức lớp bán trú hay thiếu giáo viên tiến hành hợp đồng thêm bảo mẫu, cấp dưỡng nhằm đảm bảo các điều kiện chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.

Để tạo nguồn GVMN, từ năm 2013 đến 2017, Sở GD-ĐT đã liên kết với Trường Đại học Tiền Giang đào tạo 323 GVMN trình độ cao đẳng. Thực hiện việc liên kết này, năm học 2018 - 2019, Trường Đại học Tiền Giang tiếp tục tuyển khoảng 150 sinh viên để đào tạo GVMN trình độ cao đẳng.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục của tỉnh còn đưa ra giải pháp là các trường nầm non tự hợp đồng giáo viên để chờ ngày thi tuyển.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều trường, giải pháp này hiện nay cũng không mấy khả quan, bởi lương hợp đồng được trả quá thấp trong khi công việc của GVMN lại quá nhiều.

Chính vì vậy, không ít GVMN, nhất là giáo viên trẻ không thiết tha trụ lại với nghề. Do đó, điệp khúc thiếu GVMN lại tái diễn từ năm này qua năm khác mà vẫn chưa có giải pháp căn cơ.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh cũng cho rằng, tình trạng thiếu GVMN đã trở thành vấn đề cấp thiết trong nhiều năm qua. Sở GD-ĐT đã làm tờ trình gởi UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ chế độ cho giáo viên ở những trường mầm non vùng sâu vùng xa, để có thể tuyển được nguồn GVMN cho các trường ở những vùng này.

ĐỖ PHI

.
.
.