Thứ Tư, 05/12/2018, 21:06 (GMT+7)
.

Ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên

Đứng trước những yêu cầu phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh thay đổi phương thức đào tạo để đi kịp với thời đại thì vấn đề khởi nghiệp cũng được Trường Đại học Tiền Giang xác định là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình đào tạo.

Một trong những Đề án khởi nghiệp của SV tại Cuộc thi SV khởi nghiệp năm 2018.
Một trong những Đề án khởi nghiệp của SV tại Cuộc thi SV khởi nghiệp năm 2018.

NHÀ TRƯỜNG NỖ LỰC VỚI GIÁO DỤC KHỞI NGHIỆP

Theo đó, Trường Đại học Tiền Giang đã xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể nhằm thay đổi nhận thức của sinh viên (SV) về khởi nghiệp. Trước hết, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng năng lực giảng dạy cho giảng viên về giáo dục khởi nghiệp. Bên cạnh đó, giáo dục khởi nghiệp cũng sẽ là môn học chính thức được nhà trường đưa vào giảng dạy cho SV trong thời gian tới.

Cùng với đó, nhà trường cũng đã đưa khởi nghiệp đến với SV thông qua việc thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ giữa các chuyên gia với SV hay các cuộc thi về khởi nghiệp để kịp thời nắm bắt ý tưởng khởi nghiệp của SV.

Trong đó, Cuộc thi SV khởi nghiệp được xem là điểm nhấn của Trường Đại học Tiền Giang trong việc ươm mầm khởi nghiệp cho SV. Đây là cuộc thi do Khoa Kinh tế - Luật của trường tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012. Thấy được hiệu quả từ cuộc thi mang lại sau 5 năm tổ chức, đến năm 2017, nhà trường quyết định nâng cuộc thi lên cấp trường, với sự tham gia đông đảo của SV đến từ 16 khoa, bộ môn của trường.  

Cuộc thi SV khởi nghiệp do Trường Đại học Tiền Giang tổ chức, qua từng năm đã thu hút đông đảo SV của trường tham gia. Cuộc thi đã thực sự trở thành sân chơi hữu ích, gắn kết giữa kiến thức chuyên môn và thực tế; đồng thời, tạo môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh cho tất cả SV của trường.

Đây cũng là hoạt động điển hình cho phong trào học đi đôi với hành, giúp SV rèn luyện các kỹ năng cần thiết để hoàn thiện bản thân.
PGS.TS. Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang.

SV HƯỞNG ỨNG

Để tham gia Cuộc thi SV khởi nghiệp, các nhóm sinh viên sẽ trình bày ý tưởng khởi nghiệp với giảng viên hướng dẫn. Sau đó, giảng viên sẽ hướng dẫn các nhóm sinh viên xây dựng, phản biện để mục tiêu cuối cùng nhằm giúp đề án đạt hiệu quả nhất.

Ngay trong Cuộc thi SV khởi nghiệp năm 2018 vừa diễn ra đã có nhiều dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao được Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá cao như: “Mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch cắm trại biển Holi Gocodo”; “Sản xuất và thương mại hóa sản phẩm phân bón sinh học từ trùn quế”; “Cửa hàng bán trực tuyến bộ điều khiển quạt điện qua wifi trên smartphone”.

Đặc biệt, Đề án “Lập kế hoạch kinh doanh cơm xốp ăn liền của công ty TNHH Rice Food” của nhóm SV đến từ Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm đạt giải Nhất của cuộc thi.

Giảng viên Lê Thị Kim Loan, Trưởng nhóm tác giả Đề án “Lập kế hoạch kinh doanh cơm xốp ăn liền của công ty TNHH Rice Food” cho biết: “Chính sự cộng đồng trách nhiệm, làm việc nhóm hăng say cũng như sự đam mê khởi nghiệp của chính bản thân các em SV đã mang lại kết quả cao tại cuộc thi.

Đây là những kỹ năng làm việc nhóm rất tốt sẽ giúp ích cho các em khi ra trường và đi làm sau này. Mong rằng, các em sẽ tiếp tục phát huy những ý tưởng khởi nghiệp và mang lại nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới”.

Còn SV Trần Thị Kim Tuyền, thành viên nhóm Đề tài đạt giải Nhất này thì cho rằng, ý tưởng của nhóm bắt đầu từ những giờ học lý thuyết trên giảng đường. Mục tiêu tham gia cuộc thi của bản thân em Tuyền cũng như các bạn SV trong nhóm là để thử thách bản thân và rèn luyện một số kỹ năng mềm về thuyết trình, làm việc nhóm… Hơn thế nữa là tìm kiếm cho mình cơ hội về khởi nghiệp sau khi ra trường.

Theo Ban Tổ chức Cuộc thi SV khởi nghiệp, qua 7 lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút được trên 100 nhóm sinh viên tham gia, với đa dạng các đề án khởi nghiệp từ khoa học công nghệ đến các vấn đề về xã hội.

Mặc dù các đề án khởi nghiệp của SV còn khá đơn giản nhưng điều đáng biểu dương và ghi nhận là SV đã biết hình thành được ý tưởng khởi nghiệp, biết tính toán chi phí  lợi nhuận, thua lỗ, bởi đây là các yếu tố rất quan trọng trong quá trình khởi nghiệp.

Bí thư Đoàn Trường Đại học Tiền Giang Lê Tiến Dũng cho biết, Cuộc thi SV khởi nghiệp là sân chơi cho các SV đam mê khởi nghiệp. Thông qua cuộc thi nhằm giúp nhà trường cũng như các doanh nghiệp phát hiện các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp hay và phù hợp với thực tế để kịp thời tuyên dương, khen thưởng cho SV.

Qua 7 lần tổ chức, các đề án khởi nghiệp đạt giải cao tại cuộc thi của trường đều được chọn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp dành cho SV cấp khu vực cũng như toàn quốc và đạt một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, theo Bí thư Đoàn trường Lê Tiến Dũng, hiện nay, khó khăn lớn nhất là đa số các đề án khởi nghiệp của SV đều dừng lại ở mức ý tưởng và không thể phát triển thành hiện thực, bởi thiếu sự định hướng, vốn cũng như sự trợ lực từ các cấp, các ngành hay từ các doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp, tranh thủ sự hỗ trợ của UBND tỉnh về các nguồn vốn để giúp SV khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức Cuộc thi SV khởi nghiệp ngày càng quy mô, chất lượng hơn.

Có thể thấy, khởi nghiệp được xem là vấn đề quan trọng trong môi trường giáo dục đại học. Hy vọng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, đơn vị doanh nghiệp thì giáo dục khởi nghiệp sẽ ngày càng phát triển, với nhiều ý tưởng khởi nghiệp của SV sẽ được áp dụng vào thực tiễn.

ĐỖ PHI

.
.
.