Thứ Năm, 14/03/2019, 20:36 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 140 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (17-3-1879 - 17-3-2019)

Nghĩ về ngôi trường tròn 140 năm tuổi

TRUYỀN THỐNG “CÁCH MẠNG - DẠY GIỎI - HỌC GIỎI”

Ngôi trường trung học phổ thông (THPT) mang tên nhà thơ lớn - chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là ngôi trường lâu đời của cả nước, của vùng đất Nam kỳ lục tỉnh.

Dù ngôi trường ra đời trong thời Pháp thuộc, do chính phủ “mẫu quốc” sáng lập nhằm giáo dục, đào tạo viên chức phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân - phong kiến, nhưng chính từ ngôi trường này, các chí sĩ yêu nước đã tiếp thu tinh hoa, biến kiến thức học tập… thổi bùng vào tinh thần dân tộc; tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin do Đảng Cộng sản truyền bá… tạo dựng mầm mống cách mạng, xây dựng và phát triển phong trào quần chúng trong công - nông, phong trào thanh niên - học sinh đô thị.

Qua đó đã thức tỉnh nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức về nỗi nhục mất nước, nỗi nhục làm nô lệ và dấy lên phong trào cách mạng…

Tiêu biểu nhất là sự kiện học sinh Phạm Văn Thiện - Nhà cách mạng Phạm Hùng đã thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Mỹ Tho.

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu hiện nay.
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu hiện nay.

Cũng từ ngôi trường này, nhiều thế hệ học sinh đã giác ngộ cách mạng, trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng trong suốt 2 cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, mỗi dịp ôn lại truyền thống lịch sử của trường, chúng ta không quên những tấm gương sáng ngời, tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần hiếu học, tiêu biểu là những trí thức đi theo Đảng làm cách mạng như: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng…; cùng với đó là các lãnh đạo lão thành cách mạng, các tướng lĩnh từng là cựu học sinh của trường luôn hướng về ngôi trường xưa như các đồng chí: Huỳnh Văn Niềm, Lê Văn Triết, Lê Quang Thành, Nguyễn Văn Sỹ…

Nối tiếp truyền thống đó, ngày nay có biết bao thế hệ học sinh ra đi từ ngôi trường đã đóng góp xứng đáng cho đất nước, cho quê hương Tiền Giang, thực hiện lý tưởng của Đảng và nhân dân: Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH), vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ ý nghĩa lớn lao và cao đẹp đó, mỗi khi hội ngộ, ôn lại truyền thống của nhà trường, các thế hệ thầy, cô giáo, học sinh và cộng đồng càng thấu hiểu và xác lập Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu có một vị thế quan trọng trong lịch sử vùng đất miền Tây Nam bộ, là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, là cái nôi giáo dục và đào tạo nhiều nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, tướng lĩnh, các thế hệ lãnh đạo cách mạng, văn nghệ sĩ…

Tất cả là sự cộng hưởng các mối quan hệ lịch sử - chính trị - văn hóa - giáo dục mà hiếm có ngôi trường nào được kế thừa các giá trị quý báu như Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu - Mỹ Tho.

Phát huy truyền thống “Cách mạng - Dạy giỏi - Học giỏi”, tập thể giáo viên,  học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu luôn nâng cao chất lượng dạy và học.
Phát huy truyền thống “Cách mạng - Dạy giỏi - Học giỏi”, tập thể giáo viên, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu luôn nâng cao chất lượng dạy và học.

Trên nền tảng đó, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cũng chính là biểu tượng về niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang. Vì vậy, trong tiến trình xây dựng và phát triển nhà trường luôn có sự đóng góp lớn lao của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nòng cốt là ngành Giáo dục - Đào tạo, sự nỗ lực của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ, viên chức và học sinh nhà trường.

Bên cạnh đó còn có tấm lòng của biết bao thế hệ cựu học sinh luôn hướng về ngôi trường thân yêu mà mình đã hấp thụ kiến thức. Đó cũng là truyền thống “tôn sư trọng đạo”, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”…

Một khi chúng ta xác lập đúng đắn vị thế và đồng tâm, hiệp lực tạo dựng và xây dựng các mối quan hệ, cộng đồng trách nhiệm, cụ thể hóa từng bước đi thì sự phát triển của ngôi trường sẽ đi vào chiều sâu cùng với sức lan tỏa của quá khứ, hiện tại và tương lai. Và đó cũng là sự vận dụng sáng tạo lời Bác Hồ dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Nhìn lại những thập niên vừa qua, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã phát huy truyền thống “Cách mạng - Dạy giỏi - Học giỏi”, xây dựng và phát triển trường xứng đáng là ngọn cờ đầu của bậc giáo dục THPT cả về chất lượng dạy và học, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Thành tích của trường đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, trước nhu cầu của xã hội phát triển và xu thế của thời đại, nhà trường chưa thể vượt qua những thách thức, khó khăn khách quan lẫn chủ quan như việc nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Trải qua quá trình 140 năm hình thành và phát triển, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định thương hiệu, chất lượng của nhà trường. Ghi nhận những thành tích trong suốt hành trình phát triển, nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen.

Đặc biệt, vào năm 2000, nhà trường đã được tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nối tiếp những trang vàng lịch sử truyền thống “Cách mạch - Dạy giỏi - Học giỏi”, niềm tự hào Collège de Mytho - THPT Nguyễn Đình Chiểu, thầy và trò nhà trường tiếp tục phát huy, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, đào tạo nhiều công dân ưu tú, năng động, sáng tạo, có tri thức, kỹ năng sống tốt, chủ động trong hội nhập...

LÊ BÁ NGỌC

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu

XÂY DỰNG NHÀ TRƯỜNG XỨNG TẦM VỚI VỊ THẾ

Nhân dịp kỷ niệm 140 năm Ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta cần khơi dậy và phát huy tốt nhất những nội lực của nhà trường, đó là truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống đấu tranh cách mạng, những thành tựu quan trọng trong phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.

Những vốn quý ấy cần giữ gìn, lưu truyền trong tâm thức và vun đắp cho hiện tại và tương lai.

Đồng thời, chúng ta cùng nhìn nhận những tác động trong bối cảnh chung và thực tế tình hình của trường, của ngành Giáo dục - Đào tạo…

Từ đó, chúng ta hoạch định chiến lược xây dựng và từng bước triển khai kế hoạch phát triển Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu xứng với tầm vóc lịch sử -
văn hóa - giáo dục, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Trong quá trình vận động và phát triển đi lên, chúng ta càng nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Vận dụng quan điểm đó, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã có Nghị quyết và Chương trình hành động xác định và thực hiện chiến lược nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu là ngôi trường lớn trong tỉnh, nỗ lực nêu cao tính tiên phong, liên kết với hệ thống các bậc học để nâng cao chất lượng dạy và học.

Hay nói một cách dễ hiểu, nhà trường cần chú trọng đào tạo, rèn luyện con người có chất lượng toàn diện về đức, trí, thể, mỹ phù hợp với yêu cầu nâng cao nhân lực trong xu thế hội nhập và phát triển của thế giới.

Theo đó, điều tiên quyết trong tiến trình xây dựng nhà trường chính là xây dựng bộ máy, hệ thống chính trị trong nhà trường thật sự đoàn kết, trong sạch - vững mạnh.

Ban Giám hiệu, các đoàn thể, bộ môn cũng nên luôn tự hỏi điểm mạnh ở đâu để phát huy, nhược điểm nào cần khắc phục, phong trào nào cần củng cố… Tất cả những câu hỏi đó nhằm tìm ra câu trả lời trực tiếp cho phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” của nhà trường.

Trên lộ trình đi lên, ngày nay, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã được đầu tư xây dựng với diện mạo mới, khang trang. Thế nhưng, bản thân nhà trường không thể và chưa thể giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách, về đầu tư phát triển...

Với tinh thần “không ai hiểu mình bằng chính mình”, nhà trường cần chủ động tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp khả thi, để từ đó ngành chủ quản “dâng mưu - hiến kế” cùng lãnh đạo tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng  nhà trường xứng tầm với vị thế lịch sử - văn hóa - giáo dục, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Nhân dịp kỷ niệm 140 năm Ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng vào tương lai rộng mở của ngôi trường có lịch sử lâu đời của Tiền Giang, khu vực và cả nước.

CỎ THƠM

.
.
.