Thứ Bảy, 13/04/2019, 10:47 (GMT+7)
.

An toàn trường học nhìn từ gia đình, nhà trường và xã hội'

Ngày 12/4, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "An toàn trường học nhìn từ gia đình, nhà trường và xã hội".
 
a
An toàn trường học nhìn từ gia đình, nhà trường và xã hội'
Việc giữ môi trường an toàn, thân thiện trong trường học là cần thiết, nhất là trong sự phát triển của xã hội hiện đại. An toàn về thể chất trong học đường liên quan đến rất nhiều vấn đề khác nhau. Các nguy cơ đe dọa an toàn thể chất của học sinh bao gồm: Tai nạn thương tích; Bạo hành trong gia đình; Bạo lực/Bắt nạt học đường; Quấy rối/Xâm hại tình dục. Đây đều là các vấn đề mà bất kỳ trường học nào cũng có thể gặp phải và đe dọa đến sự an toàn của học sinh.
 
Để thực sự có một môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho các em học sinh, rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
 
Vậy làm thế nào để nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường cho học sinh? Làm sao để môi trường học đường thực sựu an toàn, thân thiện? Làm thế nào để gia đình, nhà trường và xã hội thực sự đồng hành với các em mỗi ngày đến trường? 
 
Để trả lời cho câu hỏi trên cũng như chia sẻ thêm về những yếu tố tác động tới tâm lý của lứa tuổi học sinh, sinh viên từ phía gia đình, nhà trường, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “An toàn trường học nhìn từ gia đình, nhà trường và xã hội" vào lúc 10h ngày 12/4/2019.
 
Khách mời Tọa đàm:
 
-Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS-SV, Bộ GD&ĐT.
 
-PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN.
 
Dưới đây là nội dung Tọa đàm:
 
Với mỗi em học sinh, việc quan trọng nhất khi đến trường là tiếp thu các kiến thức mà thầy cô giáo giảng dạy, tuy nhiên, có không ít em, việc không kém phần quan trọng mỗi ngày khi đến trường là mình được an toàn. Ông nghĩ thế nào về điều này và ông đánh giá thế nào về mức độ an toàn, thân thiện trong các nhà trường hiện nay, thưa ông Bùi Văn Linh?
 
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách  Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS,SV – Bộ GD&ĐT: Tại Điều 2 Luật Giáo dục năm 2005 cũng như trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mà Bộ GD&ĐT chuẩn bị trình Quốc hội để thông qua tại kỳ họp tới đây thì mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sáng tạo, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng như hình thành, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân. Phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như hội nhập quốc tế.
 
Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta cần triển khai thành công hiệu quả các quy định tại Luật Giáo dục, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Thông qua hoạt động dạy và học, tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường sẽ trang bị tri thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, sinh viên để giúp cho các em có trí tuệ, năng lực đầy đủ, hành vi, ý thức trách nhiệm sau khi các em rời ghế nhà trường, đây là cơ sở để chúng ta xây dựng được nền tảng của thế hệ công dân ưu tú, tích cực, có tinh thần trách nhiệm trong việc phát triển đất nước trong tương lai.
 
Trong quá trình đó, chúng ta có trách nhiệm rất cao trong việc xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục toàn diện và văn hóa học đường, đảm bảo các điều kiện để xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường hiệu quả theo Nghị định 80/2017 của Chính phủ. Chú trọng đến các hoạt động, chủ thể của nhà trường. Tất cả chủ thể phải có nghĩa vụ và làm tròn bổn phận của mình trước pháp luật.
 
Trong thời gian vừa qua, công tác đảm bảo an toàn trường học được Bộ GD&ĐT rất chú trọng chỉ đạo, triển khai trong toàn quốc và đã đạt những kết quả. Bộ GD&ĐT đã tích cực tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành, ban hành theo thẩm quyền rất nhiều văn bản. Hoàn thiện được hành lang pháp lý về đảm bảo trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.  Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định 80 ngày 17/7/2017 quy định về trường học an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường.
 
Trong Nghị định đã giải thích từ ngữ rất cụ thể thế nào là “xâm hại, bạo lực học đường”, trách nhiệm của các bên liên quan. Nghị định phân công rất rõ trách nhiệm chủ trì, đầu mối của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an… Đặc biệt có một phần tổ chức thực hiện liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp trong việc đảm bảo điều kiện để xây dựng được trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường rất cụ thể và chi tiết.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành 14 Thông tư liên quan để chỉ đạo triển khai công tác này. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 1299 ngày 3/10/2018 phê duyệt Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường xây dựng văn hóa học đường. Từ đó tạo sự tiến bộ, ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục, xây dựng được mỗi cơ sở giáo dục là một trung tâm văn hóa. Các thành viên trong nhà trường có ứng xử phù hợp, văn minh, hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh.
 
Về trách nhiệm, thẩm quyền của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 5886 về chương trình hành động của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phòng chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thường xuyên đến 2021. Một số Thông tư rất quan trọng giúp cho việc giải quyết triệt để bạo lực học đường, thứ nhất là Thông tư 31/2017 quy định về công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông. Theo đó, tất cả các trường phổ thông đều có trách nhiệm thành lập tổ tư vấn tâm lý, một đồng chí trong Ban Giám hiệu là tổ trưởng, các thành viên là cán bộ có năng lực. Hơn nữa Bộ quy định đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm này được Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình quy định của Bộ và được các trường đại học có Khoa Tâm lý giáo dục, Khoa Giáo dục tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
 
Với Thông tư 33 triển khai công tác xã hội trong trường học, chúng ta sẽ rà soát, tổng hợp, theo dõi, có chương trình hỗ trợ riêng cho nhóm học sinh yếu thế ở trong các trường học. Với hai Thông tư này, chúng tôi sẽ nắm bắt được toàn bộ tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của học sinh. Từ đó, các thầy cô tư vấn tâm lý và cán bộ nhà trường, gia đình hỗ trợ cho các con giải quyết tốt được vấn đề này.
 
Với vai trò là phụ huynh, các vị khách mời cảm thấy thế nào mỗi khi báo chí hay các trang mạng xã hội đưa tin về bạo lực học đường và theo các ông thì nguyên nhân do đâu?
 
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN: Hôm nay đến tham gia chương trình với tư cách là phụ huynh, tôi có cảm nhận như thế này với rất nhiều việc trong ngành giáo dục đã làm, phụ huynh phải có cái nhìn công bằng, môi trường học đường vẫn là an toàn hơn các môi trường khác, có sự giám sát của nhiều bên và thực hiện rất nhiều công việc. Tuy nhiên đâu đó vẫn xảy ra những vụ việc bạo lực ở trong nhà trường, trong xã hội.
 
Chúng tôi nghĩ nguyên nhân là do áp lực của cuộc sống ngày càng tăng và sự mất chức năng của gia đình, đứt gãy trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng tiêu cực và ảnh hưởng đến các em.
 
Đối với một số bộ phận học sinh, qua mạng xã hội, qua những sự việc trên truyền thông, môi trường xung quanh, các em tập nhiễm vào và tin rằng bạo lực là bình thường, bạo lực có thể chấp nhận được. Vì ở trong gia đình vẫn có những người sử dụng bạo lực với các em. Như vậy các em sẽ nghĩ rằng, ở trong một số tình huống nhất định, mình vẫn có thể sử dụng bạo lực.
 
Bên cạnh đó, trong các môi trường của các em hiện nay, đặc biệt là môi trường mạng xã hội, có rất nhiều hình ảnh, biểu tượng gợi nên yếu tố bạo lực. Ngay cả thị trường đồ chơi của các em, cũng có hình ảnh, đồ vật gợi đến bạo lực. Đấy là những nguyên nhân ở trong xã hội. Với tư cách là phụ huynh chúng tôi nhìn nhận như vậy. 
 
Ông Bùi Văn Linh: Tôi nhất trí rất cao ý kiến mà PGS.TS Trần Đình Nam đưa ra. Dưới góc độ của tôi, vừa là phụ huynh có con học ở cơ sở giáo dục và trên vai trò quản lý nhà nước theo trách nhiệm được giao hiện nay tôi thấy có những nguyên nhân sau.
 
Thứ nhất môi trường trên mạng xã hội hiện nay tồn tại rất nhiều thông tin xấu, độc và các nội dung, clip có tính chất bạo lực, kích động bạo lực. Những hành vi hoạt động của băng nhóm, tội phạm ở trên truyền hình hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác tồn tại khá nhiều. Đây là nguyên nhân trực tiếp ngoài xã hội tác động đến sự hình thành thói quen, định hướng trong hành vi của giới trẻ nói chung, trong đó có học sinh, sinh viên.
 
Thứ hai là trách nhiệm của gia đình. Hiện nay do điều kiện kinh tế khá giả, các học sinh tiếp cận thường xuyên và dành nhiều thời gian trong ngày với mạng xã hội qua thiết bị điên tử thông minh. Các nguồn thông tin trên mạng xã hội vô hình chung tiếp cận rất nhanh đến giới trẻ. Vì thế nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn các nội dung đưa lên mạng xã hội mà không được kiểm chứng và những thông tin bịa đặt, xuyên tạc thì sẽ rất nguy hiểm đối với việc hoàn thiện hành vi, đạo đức, nhân cách của học sinh. Bên cạnh đó gia đình có tâm lý khoán trắng cho nhà trường, thầy cô giáo. Trong những vụ việc cụ thể, đối với nhóm học sinh cá biệt, việc kết nối giữa thầy cô giáo chủ nhiệm với phụ huynh cũng bị đứt gãy và không phối hợp thường xuyên.
 
Thứ ba, bạo hành trong gia đình hiện nay diễn ra khá phổ biến. Một số nước có quy định rất cụ thể hành vi nào thể hiện sự chăm sóc, giáo dục, hành vi nào thể hiện sự xâm hại đến thân thể và nhân phẩm con người đối với cha mẹ, con cái. Vì vậy chúng ta phải rà soát để có quy định cụ thể hơn, phải xử phạt để bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em cũng như không tiêm nhiễm hành vi bạo lực trong gia đình.
 
Thứ tư, ở một số nội dung trong tình huống giáo dục về đạo đức và ứng xử văn hóa, chúng ta thiếu tài liệu, học liệu, thiếu nội dung để hướng dẫn cụ thể. Cuộc sống quy nạp gần 40 tình huống khác nhau nên chúng ta phải tiếp cận các tài liệu, nội dung trực tiếp và có sự trải nghiệm của người học. Như vậy quá trình hoàn thiện định hướng giáo dục toàn diện sẽ thành công.
 
Có ý kiến cho rằng nhiều trường hợp các em học sinh cá biệt là do bị ảnh hưởng môi trường sống ở gia đình, môi trường mạng xã hội tác động tiêu cực dẫn đến có những hành vi quá khích hoặc kích động ở trường học. Ông có cùng quan điểm này không và ông có thể phân tích cụ thể các yếu tố môi trường xấu bên ngoài tác động đến các em, thưa ông Trần Thành Nam?
 
PGS.TS Trần Thành Nam: Với tư cách là phụ huynh, khi tôi trao đổi với các bậc cha mẹ khác thì thấy môi trường gia đình có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các con.
 
Thứ nhất, trước 5 tuổi, tất cả thông tin mang thông điệp, tính chất yêu thương, giá trị tôn trọng, hợp tác, các em chỉ tiếp cận được một phần. Thông tin mang tính chất tiêu cực, có những ứng xử không phù hợp, bạo lực các em tiếp cận nhiều hơn gấp 30 lần. Giai đoạn 12 tuổi, lượng thông tin trái chiều, tiêu cực qua các con đường môi trường trực tiếp, môi trường mạng xã hội thì tỷ lệ này còn chênh lệch nhiều hơn nữa. Trong quá trình phát triển lớn lên của các em, rất nhiều gia đình không đưa ra quy tắc, luật lệ trong gia đình để quản lý hành vi của con mình, không yêu cầu con phải tham gia vào một số công việc của gia đình, phải tuân thủ một số nguyên tắc của gia đình. Vì vậy khi đến trường, các em vẫn mang theo văn hóa gia đình, nghĩa là không có nguyên tắc.
 
Thứ hai, bố mẹ không có đủ thời gian để làm mẫu hành vi cho con. Dạy kỹ năng chỉ qua lời nói thì không có hiệu quả mà cần hướng dẫn cho con phải làm thế nào và cung cấp điều kiện để các con trải nghiệm trong thực tế.
 
Thứ ba, đối với những em có tổn thương về sức khỏe, tinh thần, bố mẹ không có thời gian nhận ra con mình bị tổn thương để hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Vì vậy đứa trẻ cô đơn hơn, không có người hướng dẫn về mặt tinh thần là cha mẹ. Khi có tình huống xảy ra, các con chỉ biết ứng xử bằng những kinh nghiệm mà mình đã quan sát được ở trên mạng xã hội, môi trường xung quanh. Những người ở trên mạng xã hội và môi trường bên ngoài không phải là những tấm gương, mẫu hành vi tốt nên dẫn đến cách thức ứng xử của các em trên thực tế không phù hợp.
 
Khi con đến giai đoạn vị thành niên, nhiều bố mẹ nghĩ rằng con đã lớn, sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhưng thực chất giai đoạn này con trẻ cần sự định hướng của bố mẹ nhiều nhất vì đây là giai đoạn các con khẳng định bản thân mình, muốn khám phá cái lạ, cái mới, muốn làm những điều người khác không dám làm.
Qua truyền thông thời gian qua chúng ta thấy rằng, đây là lứa tuổi các em có nhiều vấn đề nhất, dễ bị tổn thương nhất, dễ bị kích động tham gia vào các vụ việc mang tính chất bạo lực. Vấn đề này có trách nhiệm của các bên, tuy nhiên trách nhiệm của gia đình, của bố mẹ vẫn là chính, vì cha mẹ đi suốt cuộc đời với con, nói một cách khác, đây là sự nghiệp của cha mẹ.
 
 Việc các em học sinh chứng kiến cảnh bạn bị đánh mà không can ngăn, có ý kiến cho rằng là do tâm lý sợ hãi bị trả thù hay do sự lãnh cảm, thờ ơ theo kiểu không phải việc của mình. Với vai trò là chuyên gia tâm lý ông lý giải như thế nào về điều này, thưa ông Trần Thành Nam?
 
PGS.TS Trần Thành Nam: Những sự việc như vậy là có xảy ra. Chúng ta có thể nhìn nhận về một số nguyên nhân sau. Thứ nhất, bạo lực hiện nay không còn diễn ra giữa một cá nhân với một cá nhân, mà bạo lực diễn ra giữa một nhóm với một cá nhân. Chúng ta có thể thấy một sự việc các bạn vây quanh một nạn nhân bị 1 người đánh, nhưng những người xung quanh không làm gì, thậm chí có người còn giơ điện thoại lên để quay hình. Có nhiều trường hợp cả nhóm học sinh thuộc về “một băng nhóm”, gồm những “băng nhóm” có thể tranh giành lãnh thổ, có những băng nhóm cùng sở thích, có những băng nhóm có bí mật chung như nghiện game hoặc băng nhóm có sở thích lệch lạc. Và để gia nhập được nhóm này thì phải chứng minh được tôi có một chuẩn mực giống người trong nhóm.
 
Trong nhiều vụ việc bạo hành tập thể, thành viên mới muốn tham gia nhóm phải chứng tỏ “tôi có cùng giá trị với nhóm” bằng cách bắt nạt, dằn mặt một người nào đấy có giá trị đi ngược lại nhóm. Ở trong nhóm sẽ có những em cảm thấy việc này không đúng, tuy nhiên những học sinh có lòng tự trọng thấp hoặc những giá trị được hình thành không vững bền thì sẽ chọn cách giữ an toàn cho bản thân.
 
Hiện nay những bạn học sinh có chứng kiến, dám đứng ra vì cái đúng, không nhiều. Trong giáo dục của nhà trường, gia đình, chúng ta chưa hình thành được cho học sinh những giá trị này một cách mạnh mẽ. Vì vậy ở trong nhóm, vì áp lực của nhóm, sợ bị tẩy chay, sợ chịu hậu quả, nên các bạn lựa chọn cách thức không làm gì.
 
Ông có cho rằng nên tách rời những em có xu hướng bạo lực ra khỏi môi trường giáo dục bình thường để tránh tổn thương những em học sinh yếu thế khác hay bị bắt nạt không, thưa ông Bùi Văn Linh?
 
Ông Bùi Văn Linh: Tôi cho rằng sứ mệnh của các cơ sở giáo dục có vai trò phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên. Giáo dục sẽ tạo ra các thế hệ công dân để phục vụ, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì thế, đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng để chúng ta soi xét các hiện tượng mang tính chất tâm lý xã hội hoặc hiện tượng xã hội xảy ra trong nhà trường.
 
Về vấn đề này, chúng ta cần có nghiên cứu nghiêm túc về quan điểm thượng tôn pháp luật đối với bất cứ thành viên nào trong cộng đồng xã hội. Đó là quan điểm đầu tiên để chúng ta xử lý các vấn đề khác. Vai trò tạo ra môi trường để học sinh có hành vi vi phạm nhận ra sai lầm và có điều kiện sửa sai, tiến bộ và trở lại môi trường học tập bình thường, đáp ứng yêu cầu giáo dục theo từng cấp bậc học.
 
Đây là mục tiêu và yêu cầu rất quan trọng trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm. Chúng ta phải tìm ra được căn nguyên của hiện tượng có các nhóm học sinh cá biệt gây ra hành vi bạo lực học đường. Quá trình xử lý, phát hiện, hỗ trợ các em vượt qua quá trình này là điều rất quan trọng. Khi đã xảy ra rồi thì chúng ta phải dùng các biện pháp xử lý thấu đáo.
 
Qua lắng nghe ý kiến của cộng đồng xã hội trong thời gian ngắn vừa qua cũng như kinh nghiệm của các nước, chúng ta phải có quan điểm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tùy theo mức độ. Cơ quan công an là đơn vị hỗ trợ ngành giáo dục và chính quyền địa phương trong hoàn thiện hồ sơ, đưa ra các mức vi phạm cụ thể theo quy định của pháp luật.
 
Từ đó ngành giáo dục sẽ tham khảo để có biện pháp kỷ luật. Hình thức kỷ luật nghiêm minh đủ sức răn đe với hành vi vi phạm và các hành động tương tự có thể xảy ra, chúng ta sẽ đáp ứng được mục tiêu hạn chế bạo lực trong và ngoài trường học thời gian tới đây.
 
Bên cạnh đó, cần chú trọng nguyên tắc kỷ luật tích cực, liên quan đến vai trò của nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh cũng như cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương. Đơn cử, trong thời gian bị kỷ luật, học sinh phải tham gia các hoạt động mang tính chất bắt buộc để thấy rằng sai sót của mình cần phải sửa chữa như thế nào và hướng khắc phục ra sao.
 
Trong quá trình ấy, học sinh vẫn có sự chăm sóc của gia đình và sự giáo dục của thầy cô giáo. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức Đội, Đoàn trên địa bàn để hỗ trợ trong quá trình các em học sinh đang trong thời gian bị kỷ luật theo quy định. Nếu nhóm học sinh hay một học sinh có đặc trưng rõ nét về bạo lực, vi phạm nhiều lần, ngày càng trầm trọng, chúng tôi tán thành việc phải có biện pháp mạnh phối hợp với cơ quan công an và gia đình để cách ly hoặc có biện pháp giáo dục mạnh hơn nhằm để không bị ảnh hưởng từ một cá thể sang cộng đồng chung trong môi trường giáo dục. Từ đó sẽ hạn chế được những hành vi bột phát xảy ra bất cứ lúc nào.
 
PGS.TS Trần Thành Nam: Theo tôi, hình phạt ở trong nhà trường với các em trong độ tuổi đang đi học, cụ thể là các em vị thành niên cần phải nghiêm khắc, nhưng cần hướng đến việc giáo dục và phát triển nhân cách cho các em, vì chính sách pháp luật của chúng ta bao giờ cũng khoan hồng với những trẻ vị thành niên.
 
Câu hỏi đặt ra là có nên tách rời những em có xu hướng bạo lực ra khỏi môi trường giáo dục bình thường hay không thì phụ thuộc vào giải pháp, biện pháp khi chúng ta tách các em ra thì mục tiêu là gì.
 
Mục tiêu là chúng ta phải bảo vệ được môi trường an toàn trường học cho số đông chứ không phải cho một học sinh. Chúng ta tách những em có xu hướng bạo lực nếu các biện pháp khác không đảm bảo được rằng hành vi bạo lực tiếp tục tái diễn và có thể gây hại cho học sinh khác trong nhà trường. Nếu có các biện pháp, quy trình để theo dõi, có ký cam kết hành vi hoặc hệ thống nhận diện xem học sinh đó xuất hiện ở địa điểm nào thì không nhất thiết phải tách.
 
Nhưng học sinh phải nhận ra hành vi đó là không được phép và em phải chịu những hậu quả khi thực hiện hành vi đó. Thông qua những hoạt động như lao động công ích là để cho các em hình thành nên những giá trị, phẩm chất khác.
 
Tùy mức độ hành vi và mức độ tái phạm chúng ta sẽ có hình thức kỷ luật nặng hơn. Nhưng mục tiêu kỷ luật là giúp giáo dục các em có thể tiếp tục phát triển như một công dân bình thường chứ không phải tách là loại các em sang bên lề…
 
Tại trường học, nhà trường có các tổ chức đoàn thể nào hay có các cách thức nào để hỗ trợ các em trong việc ngăn chặn bạo lực học đường không thưa ông Bùi Văn Linh?
 
Ông Bùi Văn Linh: Chúng ta phải đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về việc không để bỏ rơi bất cứ học sinh nào do hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh éo le trong cuộc sống mà các em không được học tập. Điều này đã được hiến định ở Luật Trẻ em, Hiến chương Công ước Quyền Trẻ em của Liên Hợp Quốc. Điều này rất quan trọng để chúng ta thực hiện các biện pháp trong việc giáo dục toàn diện cũng như hỗ trợ cho nhóm cá biệt này.
 
Về vấn đề chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, nhân cách thế hệ trẻ, chúng ta nhận được chỉ đạo rất sát sao của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian vừa qua. Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay từ lứa tuổi mầm non cho đến tiểu học, các cấp cao hơn, từng bậc học đều có chương trình giáo dục và mục tiêu cụ thể.
 
Trong quá trình này, ngành GD&ĐT có sự phối hợp thường xuyên và rất hiệu quả với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trong các tổ chức của Trung ương Đoàn có công tác thiếu nhi, Hội đồng Đội Trung ương, thanh niên, đoàn thanh niên, Hội sinh viên Việt Nam. Từng tổ chức của Trung ương Đoàn đều có hoạt động cụ thể trong chương trình phối hợp với ngành giáo dục. Hiện nay theo quy định của ngành GD&DT, tại các trường đều có đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn thể. Các tổ chức này hỗ trợ rất đắc lực cho ngành giáo dục trong việc phối hợp toàn diện cũng như giáo dục lý tưởng cho đội viên, đoàn viên thanh niên rất hiệu quả thời gian vừa qua.
 
Về chức năng và nâng cao vai trò của các tổ chức này trong nhà trường, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị liên quan của mình phải rà soát, đổi mới nội dung, hình thức trong việc đưa ra nội dung giáo dục về lý tưởng cho đội viên, đoàn viên. Thông qua các hoạt động thanh niên, hoạt động thiếu nhi, các phong trào thi đua, tập hợp được một cách tự nguyện số đông các đội viên, đoàn viên tham gia. Từ đó các nội dung giáo dục mới được chia sẻ, được thấm đẫm vào từng nhận thức, việc làm của đội viên, đoàn viên.
 
Trong thời gian vừa qua, ngành GD&ĐT và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thực hiện được một số hoạt động rất tiêu biểu. Qua đó, giáo dục được các đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên rất tốt. Trong thời gian tới, một trong những nội dung ngành giáo dục sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn là nâng cao chức phận, trách nhiệm, hướng dẫn bồi dưỡng, tập huấn nâng cao cho đội ngũ tổng phụ trách và cán bộ đoàn tại các cơ sở giáo dục. Điều này giúp cho đội ngũ tham mưu tư vấn cho ban giám hiệu nhà trường, cấp ủy triển khai đầy đủ kế hoạch hoạt động của nhà trường cũng như các nội dung giáo dục toàn diện cho học sinh tốt hơn.
 
Sống trong môi trường gia đình có khuynh hướng bạo lực thì các em nhỏ sẽ dễ bị ảnh hưởng, có tư duy ưa bạo lực và sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào. Vậy làm sao để hỗ trợ các em nếu thực sự phải sống trong môi trường như vậy thưa ông Trần Thành Nam?
 
PGS.TS Trần Thành Nam: Nếu các em sống trong gia đình bạo lực thì người lớn phải có chính sách để bảo vệ các em. Ví dụ như ở nước ngoài, bố mẹ có hành vi bạo lực thì các con sẵn sàng gọi cảnh sát để báo cáo về các hành vi đấy, vì các em ý thức được quyền của mình và bố mẹ có thể phải chịu một số trách nhiệm. Còn khi con có hành vi bạo lực ở trường thì bố mẹ cũng chịu trách nhiệm liên đới để đảm bảo con mình không tái phạm trong tương lai, còn nếu tái phạm, thậm chí bố mẹ bị phạt tù.
 
Tôi có quan điểm giống như ông Linh đã chia sẻ, để chăm sóc và giúp các con phát triển một cách tốt nhất thì mình cần phải lôi kéo được sự quan tâm của người lớn các bên tham gia vào trong quá trình giáo dục này thì càng tốt. Ngoài cha mẹ ra thì cộng đồng địa phương cũng phải có trách nhiệm đăng ký phong trào như “Con đường an toàn từ nhà đến trường” hay phải chiếu sáng thêm những khu vực hay xảy ra những sự kiện phức tạp ở trong địa phương.
 
Có rất nhiều những chương trình nữa có thể giúp quản lý được vấn đề này, có thể chỉ cần tăng cường lòng tự tin hoặc kỹ năng của các em hoặc những chương trình giúp các em tập trung vào những hoạt động tích cực thì sẽ giảm thiểu được các nguy cơ không đáng có.
 
Với những em đã từng trải qua bạo lực thì sẽ có những chương trình riêng để giúp các em phát hiện và chấp nhận một số tổn thương tinh thần, giúp các em có dũng khí chia sẻ và sử dụng câu chuyện với nhóm để cùng hỗ trợ nhau để chữa lành. Ngoài ra, cần có những chương trình phòng ngừa khác của nhà trường hoặc của cộng đồng, giáo dục pháp luật cũng phải tăng lên. Các chương trình ngành giáo dục đang triển khai như “Trường học an toàn, thân thiện” hay từ phía bên ngoài về phòng ngừa tội phạm học đường rồi băng nhóm, thậm chí là vấn đề buôn bán chất cấm diễn ra khu vực xung quanh nhà trường… cũng cần có sự chung tay của các bên.
 
Để giải quyết được vấn đề của các em thì không phải chỉ có mỗi gia đình mà càng có nhiều sự quan tâm của người lớn mà nhất quán trong mục tiêu giáo dục thì mới góp phần giải quyết bền vững vấn đề này và đừng bỏ qua những sự vụ việc nhỏ. Những vụ việc được đưa lên truyền thông là những vụ nghiêm trọng, nhưng sự việc nhỏ hàng ngày, sự bắt nạt qua lại giữ các em nếu không ngăn chặn những mầm mống như vậy để tích tụ lâu ngày sẽ phát triển thành những vụ việc nghiêm trọng như thời gian vừa qua.
 
Những vấn đề về an toàn học đường không chỉ đến từ các em học sinh, hay ảnh hưởng của các em từ phía gia đình. Không ít những trường hợp giáo viên có hành vi bạo lực với học sinh, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần, ông lý giải thế nào về điều này? Phải chăng do bất lực với các em hay thể hiện năng lực giáo dục yếu kém?
 
Ông Bùi Văn Linh: Chúng ta biết quy mô ngành giáo dục hiện nay rất lớn, với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1,2 triệu cán bộ, giáo viên. Để làm tốt sứ mệnh giáo dục -đào tạo được Đảng và Chính phủ giao thì đây là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành của hệ thống chính trị, nếu có sự phối hợp, vào cuộc một cách đồng thuận và hiệu quả thì mới có thể làm tốt được sứ mệnh này.
 
 Vừa qua có một số tình trạng cá biệt gây ra lo ngại của dư luận và bức xúc trong xã hội thì chúng ta cần phải lên án, có thái độ dứt khoát và xử lý nghiêm để vừa răn đe, vừa tuyên truyền để các thấy cô giáo khi tiếp nhận những thông tin như thế sẽ điều chỉnh lại hành vi và suy nghĩ của mình nếu giả sử đang manh nha chuyện đó.
 
Tôi cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do hiểu biết về pháp luật nói chung cũng như các chính sách, các chế độ của ngành giáo dục liên quan đến các nhà giáo đến người học vẫn là một tồn tại. Các chính sách khi xuống đến địa phương đôi khi chưa được phổ biến, quán triệt và thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các thông tin trên các kênh truyền thông thì một số cán bộ giáo viên cũng không có điều kiện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nên dẫn đến hành vi tái diễn. Thêm nữa là kỹ năng xử lý tình huống của một số thầy cô giáo hoặc khả năng kiểm soát cảm xúc cá nhân xuất phát từ sức ép trong công việc, từ mối quan hệ hằng ngày với học sinh, với một số tình tiết khó chịu hoặc cá biệt nào đó thì không được xử lý tốt.
 
Về chế tài, lãnh đạo Bộ GD&ĐT trực tiếp là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất quyết liệt chỉ đạo trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng đã ký ban hành các chỉ thị để nâng cao đạo đức nhà giáo trong đó có điều khoản rất mạnh mẽ là đưa ra khỏi ngành những cán bộ quản lý, giáo viên có những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.
 
Về việc nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo, hiệu trưởng các trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã ký ban hành các quy chuẩn của giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Theo đó, vừa có yêu cầu nâng cao về phẩm chất năng lực, vừa có tiêu chí, yêu cầu cụ thể để đáp ứng được yêu cầu giáo dục hiện nay cũng như sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục- đào tạo.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chuẩn bị ký chỉ thị tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trường học và chống bạo lực học đường.
 
Cụ thể ngày 17/4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại 64 điểm cầu, mời chính quyền địa phương và các ngành liên quan quán triệt triển khai giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn trường học cũng như an toàn cho học sinh và sẽ có những biện pháp phòng chống bạo lực học đường hiệu quả hơn.
 
Trên thực tế, chúng ta biết rằng bạo lực hay bắt nạt học đường (học sinh bắt nạt lẫn nhau, thầy cô bạo lực với học sinh hoặc cũng xuất hiện tình trạng học sinh cự cãi, đánh lại thầy cô…) vẫn đang tồn tại, vậy làm sao để xóa bỏ điều này? Theo ông, vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo nên môi trường học đường an toàn, thân thiện?
 
Ông Bùi Văn Linh: Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp lâu dài, có sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường, gia đình và xã hội. Chỉ khi nào chúng ta làm tốt được chức năng và bổn phận của các yếu tố trong 3 trụ cột này thì chúng ta mới đảm bảo được sự nghiệp giáo dục thành công.
 
Trường học giống như một xã hội thu nhỏ, ở đó có các chủ thể thu nhỏ, có người quản lý, có khách thể, có chủ thể đối tượng quản lý, có các hoạt động dạy và học, các hoạt động giáo dục khác ngoài giờ lên lớp. Về mặt tâm lý học, giữa các học sinh với nhau có sự biến đổi tâm sinh lý rõ rệt từ lứa tuổi thấp lên lứa tuổi cao, sự va chạm giữa các học sinh với nhau là rất thường tình, vì thế trách nhiệm của các nhà trường là tổ chức các kỹ năng để các em kiểm soát được hành vi của mình và hướng dẫn các phương thức xử lý mâu thuẫn, vướng mắc đó trước khi có can thiệp của cha mẹ hoặc của các thầy cô giáo, các chuyên gia. Đây là những biện pháp phòng ngừa rất quan trọng để chúng ta tạo ra nền tảng gồm những kỹ năng giúp các em tự xử lý được vấn đề.
 
Sau một số vụ bạo lực học đường vừa qua, chúng ta đều nhận thấy mẫu số chung là xuất phát từ mâu thuẫn và những mâu thuẫn này không được cha mẹ, người thân, các thầy cô giáo, cán bộ lớp, bạn cùng lớp kịp thời nắm bắt, báo cáo lại những người có thẩm quyền để xử lý và khi mẫu thuẫn ngày càng lớn lên sẽ bùng phát thành bạo lực. Nếu tìm được căn nguyên của bạo lực thì chúng ta sẽ xử lý được tốt việc này.
 
Ngành giáo dục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa trong đó chú trọng vấn đề giáo dục pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật trong học sinh, sinh viên. Hoạt động về tư vấn tâm lý và hoạt động công tác xã hội sẽ được chú trọng triển khai trong thời gian tới.
 
Bên cạnh đó, vai trò của gia đình cũng hết sức quan trọng. Từng hành vi, từng ánh mắt và sự hướng dẫn cụ thể có ý nghĩa rất lớn, trực tiếp, trực diện đến hình thành hành vi, nhận thức, lối sống của con em mình. Vai trò của cha mẹ cần được hiến định cụ thể hơn trong việc đồng thuận cách giáo dục với nhà trường và chịu trách nhiệm khi con em mình xảy ra các hành vi trong cơ sở giáo dục và ngoài xã hội.
 
Ngành giáo dục cũng sẽ nghiên cứu để tăng cường vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh cũng như của phụ huynh học sinh trong việc ký cam kết toàn diện với nhà trường để thực hiện công tác giáo dục, quản lý, hỗ trợ nhà trường trong xử lý các tình huống.
 
Chính quyền địa phương có chức năng toàn diện trong việc quản lý nhà nước trên địa bàn đối với các lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo nên cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và triển khai chỉ đạo của cấp trên để đảm bảo được tất cả các chỉ đạo được thực hiện một cách đầy đủ, thường xuyên, kịp thời, thiết thực, hiệu quả. Khi 3 trụ cột gia đình, nhà trường và địa phương có tiếng nói chung, làm tốt trách nhiệm của mình thì lúc đó việc giáo dục của chúng ta sẽ thành công.
 
PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng các giải pháp ông Linh vừa nêu khá toàn diện. Trên phương diện phụ huynh, tôi cho rằng, để giảm một cách bền vững bạo lực học đường thì tất cả các môi trường của các em học sinh cũng phải có được bầu không khí có giá trị yêu thương, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.
 
Đầu tiên là gia đình, cần phải có môi trường an toàn trong gia đình bằng hành vi ứng xử của cha mẹ với con cái phải tích cực. Tiếp nữa là tạo môi trường an toàn cho các em từ nhà đến trường, gồm trách nhiệm của địa phương, cơ quan an ninh, các đoàn thể xã hội.
 
Trong không gian nhà trường cần phải có các quy trình để kiểm tra, bảo đảm an toàn trong khuôn viên nhà trường. Bên cạnh đó, các em có đời sống lành mạnh, có quy tắc an toàn trên mạng xã hội.
 
Cuối cùng, có một hệ thống để rà soát thường xuyên những em có vấn đề nguy cơ liên quan đến bạo lực thì có các biện pháp phòng ngừa. Với những em vi phạm thì có hình thức giáo dục lại hoặc có những hình phạt đủ nghiêm theo hướng giáo dục và phát triển nhân cách các em. Tôi kỳ vọng với những giải pháp cụ thể của Bộ GD&ĐT mà ông Linh vừa chia sẻ sẽ có những bước nhảy so với trước đây trong vấn nạn bạo lực học đường.
 
(Theo chinhphu.vn)
 
 
.
.
Liên kết hữu ích
.