Thứ Hai, 16/12/2019, 14:31 (GMT+7)
.

Cô Nguyễn Ngọc Hạnh: Đồng hành cùng trẻ hòa nhập

Để thực hiện tốt công tác giáo dục hòa nhập đòi hỏi người giáo viên phải có tấm lòng yêu thương trẻ kém may mắn. Và cô Nguyễn Ngọc Hạnh (Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP. Mỹ Tho) là một giáo viên như thế. Cô đã nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy, giúp nhiều trẻ khiếm khuyết hòa nhập tốt với cộng đồng.

Cô Hạnh trong giờ lên lớp.
Cô Hạnh trong giờ lên lớp.

Cô Hạnh sinh năm 1975, tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học vào năm 1995. Sau đó, cô về công tác tại Trường Tiểu học Thanh Bình (huyện Chợ Gạo). Khi biết được Dự án Dạy trẻ hòa nhập của tỉnh Tiền Giang triển khai, năm 2002, cô Hạnh tình nguyện theo học Lớp Cao đẳng Giáo dục hòa nhập; đồng thời là thành viên Nhóm mạng lưới giáo dục hòa nhập của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đến năm 2007, cô Hạnh bắt đầu đảm nhận việc dạy trẻ hòa nhập. Từ năm 2010, cô Hạnh chuyển về TP. Mỹ Tho công tác và tiếp tục đảm nhận công tác giáo dục hòa nhập tại Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh cho đến nay. 

Trong quá trình công tác, cô Hạnh được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh phân công giảng dạy và chủ nhiệm khối lớp Một. Theo cô Hạnh, việc làm đầu tiên của mỗi giáo viên chủ nhiệm là tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý và hoàn cảnh gia đình của từng học sinh (HS) ở lớp mình chủ nhiệm.

Nếu năm học nào tất cả HS của lớp cô hay các giáo viên chủ nhiệm khác đều ngoan hiền, chăm chỉ thì năm học đó được xem là có nhiều thuận lợi trong thực hiện hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu như trong lớp có HS khiếm khuyết thì bản thân cô cũng như những giáo viên chủ nhiệm cần phải có những hoạch định riêng cho trẻ kém may mắn mà mình trực tiếp giảng dạy.

Cô Hạnh cho biết, qua thời gian đứng lớp, dạng trẻ bị khiếm khuyết mà cô thường gặp nhất là trẻ chậm phát triển trí tuệ do dị tật não bẩm sinh. Khó khăn nhất của cô Hạnh khi dạy trẻ bị khiếm khuyết là không hợp tác, không trả lời, đôi khi trẻ có những hành động như la hét, cào cấu bạn, không tham gia các hoạt động vui chơi, không biết đang học lớp mấy và cũng không biết tên giáo viên dạy mình. Đặc biệt là các em không có khả năng phục vụ bản thân từ việc mặc quần áo cho đến vệ sinh cá nhân.

Do đó, giảng dạy trẻ hòa nhập là công việc rất khó mà bản thân cô Hạnh phải có nhiều cố gắng, nỗ lực mới có thể giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng, góp phần làm giảm đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. “Để giảng dạy trẻ hòa nhập tốt, việc làm đầu tiên của giáo viên là trực tiếp gặp phụ huynh để có thêm thông tin về trẻ.

Trong giảng dạy, giáo viên phải tạo nhiều tình huống để trẻ cùng tham gia cũng như phân công các bạn cùng học với trẻ. Đặc biệt, giáo viên phải quan sát trẻ trong từng hoạt động, cùng trò chuyện, cùng tham gia các trò chơi với trẻ trong giờ sinh hoạt tập thể, giải lao… để phát hiện đánh thức kịp thời những nhu cầu, năng lực cũng như những hạn chế của trẻ đúng lúc” - cô Hạnh chia sẻ. 

Theo cô Hạnh, để thành công trong giảng dạy và giáo dục trẻ hòa nhập cũng là nhờ cô đã áp dụng nhiều phương pháp, sáng kiến như xác định nhu cầu năng lực của trẻ; lựa chọn phương pháp và điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp cho trẻ; xây dựng mục tiêu giáo dục cho trẻ cùng với mục tiêu chung cho cả lớp học…

Cô Hạnh cho rằng: “Để giảng dạy hiệu quả cho các trẻ chậm phát triển về trí tuệ cần đặt cái tâm của người giáo viên trong giảng dạy, đặt bản thân vào hoàn cảnh là những người thân của trẻ để có những đồng cảm, chia sẻ sâu sắc”.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác giáo dục hòa nhập, cô Hạnh luôn giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân để giúp các thầy, cô giáo khác trong việc giảng dạy trẻ hòa nhập. Lòng yêu nghề đã thôi thúc cô Hạnh luôn làm những việc thật ý nghĩa, thiết thực giúp nhiều trẻ bị khiếm khuyết hòa nhập tốt với cộng đồng, góp phần bù đắp những khiếm khuyết của trẻ. 

Ngoài làm công tác giảng dạy, cô Hạnh còn là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh. Cô luôn gương mẫu trong công việc, thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như hỗ trợ đồng nghiệp, công đoàn viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hằng năm, cô luôn có những sáng kiến kinh nghiệm về những phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng học tập của HS, nhất là HS khuyết tật.

Với tình yêu nghề và nỗ lực của bản thân, cô Hạnh đạt được danh hiệu Giáo viên dạy trẻ khuyết tật giỏi cấp tỉnh; đồng thời, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen…

LÝ OANH

.
.
.