Thứ Bảy, 22/02/2020, 10:06 (GMT+7)
.

Giải bài toán thiếu giáo viên mầm non

Câu chuyện về tuyển dụng, giữ chân, chế độ ưu đãi giáo viên mầm non (GVMN)… đã nhiều lần nhắc đến nhưng vẫn là bài toán khó cần giải quyết để khắc phục tình trạng thiếu GVMN hiện nay cũng như các năm tiếp theo; đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ GVMN an tâm công tác.

GVMN luôn được quan tâm, tạo điều kiện an tâm công tác.
GVMN luôn được quan tâm, tạo điều kiện an tâm công tác.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 170 trường mầm non công lập, 1.507 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo. Theo quy định tại Thông tư 06, với tổng số trường, nhóm, lớp mầm non hiện có của tỉnh thì sẽ cần đến 3.384 GVMN nhưng thực tế hiện tỉnh mới có 2.389 GVMN, thiếu 935 giáo viên. Trong mỗi năm học, mặc dù ngành GD-ĐT có nhiều đợt tuyển dụng GVMN nhưng có một số huyện, thị, thành của tỉnh vẫn không tuyển được GVMN. Cụ thể năm 2019, số GVMN của tỉnh chưa được tuyển đủ so với con số được giao là 316 giáo viên.

Phát biểu tại Hội nghị về chính sách hỗ trợ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chiều 18-2, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng yêu cầu ngành GD-ĐT tỉnh cần tham mưu sâu sát trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút GVMN; tiến hành điều tra, nắm bắt nhu cầu lượng GVMN trước đây đã chuyển việc hoặc nghỉ việc xem họ có mong muốn trở lại với nghề hay không; tiến hành đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ tốt cho công tác dạy và học ở bậc học mầm non.

NGUYÊN NHÂN THIẾU GVMN

Theo ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, có 5 nguyên nhân chính mà ngành không tuyển được GVMN. Thứ nhất, địa phương không có nguồn tuyển dụng do một số sinh viên tốt nghiệp nhưng không về địa phương công tác, bởi một số tỉnh, thành khác có chế độ thu hút, ưu đãi GVMN như TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

Thứ hai, do vị trí địa lý của nhiều trường mầm non cách xa trung tâm huyện, thị nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc đòi hỏi hằng ngày GVMN phải có mặt tại trường từ rất sớm (khoảng 5, 6 giờ sáng) để nấu ăn, đón trẻ…

Thứ ba, hiện nay nhiều cơ sở vật chất giáo dục mầm non cũ, xuống cấp, thiếu phòng học, có trường phải mượn cơ sở của các trường tiểu học, trung học, không có nhà công vụ.

Thứ tư, hiện các khu công nghiệp tuyển dụng công nhân rất nhiều, với mức lương bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng nên có không ít sinh viên theo học sư phạm mầm non khi ra trường đi làm công nhân.

Thứ năm, chính vì thiếu GVMN nên 1 giáo viên phải làm việc gấp 2, 3 lần và không thể bổ nhiệm cán bộ quản lý, bởi nếu bổ nhiệm thì sẽ thiếu giáo viên đứng lớp. Trong khi đó, số lượng GVMN nghỉ việc, bỏ việc khá cao. Theo thống kê từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 266 GVMN nghỉ việc, bỏ việc.

Theo phân tích của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng, trung bình mỗi GVMN phải dành 10 giờ/ngày để thực hiện các yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ và làm nhiệm vụ quản lý nhóm, lớp. Ngoài ra, giáo viên phải thường xuyên tham gia các hoạt động khác, trung bình mỗi GVMN cần thêm khoảng 2 giờ/ngày để làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ, chuẩn bị kế hoạch giáo dục. Thực tế 1 tuần GVMN dạy vượt quy định 10 giờ (10 tiết), 1 tháng vượt 40 giờ (40 tiết) nhưng không được chi trả tăng giờ, tăng buổi. Áp lực công việc  của GVMN là rất lớn so với giáo viên các bậc học khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người, nhất là các em học sinh cuối cấp THPT không thiết tha với nghề làm GVMN.

Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang thông tin thêm, nhiều năm qua đều có GVMN nghỉ hưu nhưng nguồn giáo viên tuyển dụng đầu vào thì lại không có. Trước tình trạng thiếu GVMN, nhiều địa phương, trong đó có huyện Gò Công Đông đã đề xuất, trình đến Sở GD-ĐT phương án không bán trú, thực hiện 2 buổi  học/ngày.

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang Nguyễn Hồng Oanh cho rằng, trẻ mầm non có độ tuổi rất nhỏ (từ 24 tháng tuổi đến 5 tuổi) nên rất cần được bố trí đủ 2 giáo viên/lớp để đảm bảo an toàn cho trẻ suốt từ sáng tới chiều; đồng thời, để giáo viên có đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ tốt nhất, đáp ứng quy chế nuôi dạy trẻ ở trường mầm non. Việc giảm khối lượng và áp lực công việc cho giáo viên, nhân viên và bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập theo quy định của pháp luật là rất cần thiết.

“Dự kiến Sở GD-ĐT sẽ xem xét, thảo luận với các sở, ngành liên quan để gửi Tờ trình đến UBND tỉnh; từ đó UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập về tiền ăn, xăng xe, với tổng kinh phí trên 33,7 tỷ đồng/năm học” - đồng chí Nguyễn Hồng Oanh  cho  biết.

Hiện nay, toàn tỉnh có 543 GVMN hưởng lương chức danh với hệ số 1.86, thậm chí các GVMN mới ra trường chỉ nhận 85% của hệ số 1.86, do đó không hấp dẫn nhiều người đến với nghề GVMN có phần vất vả này. Nếu được tuyển dụng thì cũng có không ít giáo viên sớm bỏ việc do lương thấp không đủ sống. Do đó, để thu hút học sinh dự thi vào ngành Sư phạm mầm non cũng như giúp sinh viên ra trường gắn bó với nghề lâu dài và yên tâm công tác, tỉnh cần có chế độ, chính sách ưu đãi đối với GVMN, đặc biệt là ở các trường cách xa trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn nhiều năm liên tục không tuyển được GVMN.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Gò Công Đông, trong thời gian tới, huyện sẽ sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên trong huyện đúng với vị trí việc làm, trong đó đặc biệt ưu tiên GVMN theo biên chế tỉnh giao. Bên cạnh đó, huyện sẽ thực hiện và mời gọi xã hội hóa bậc học mầm non. Theo đó, các trường mầm non sẽ thực hiện xã hội hóa, hợp đồng giáo viên trong khi chờ tuyển dụng để triển khai công tác bán trú theo đúng quy định của Điều lệ trường mầm non.

Bậc học mầm non là vô cùng quan trọng. Mong rằng các cấp lãnh đạo cũng như ngành GD-ĐT tỉnh nhà sẽ đầu tư nguồn lực, công sức hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ, đặc biệt là giải quyết được bài toán thiếu GVMN như hiện nay.

Đ.PHI

.
.
.