Thứ Tư, 23/09/2020, 16:56 (GMT+7)
.

Cần có cơ chế kiểm soát việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học

(ABO) Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có điểm mới là học sinh sẽ được phép sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
 
Đã có rất nhiều luồng thông tin khác nhau về việc có nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Phóng viên Báo Ấp Bắc đã có những cuộc trao đổi và lược ghi ý kiến của các chuyên gia giáo dục, giáo viên, học sinh về vấn đề này. 
 
Tiến sĩ Võ Phúc Châu.
Tiến sĩ Võ Phúc Châu.
 
* Tiến sĩ Võ Phúc Châu,  Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang:  Cần thận trọng.
 
Có thể nói những ngày qua, dư luận lại quan tâm đến chuyện có nên hay không việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Đó thật sự là vấn đề đáng bàn, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới về giáo dục như hiện nay.
 
Theo ý kiến cá nhân của tôi, việc cho phép sử dụng điện thoại trong giờ học phải hết sức cẩn trọng, cần có sự quản lý chặt chẽ từ nhà trường, đặc biệt là thầy cô bộ môn, môn nào là cần thiết sử dụng điện thoại, môn nào là không cần thiết, để tránh tình trạng các em xao nhãng, mất tập trung vào kiến thức thầy cô đang giảng dạy.
 
Vấn đề học sinh có được sử dụng điện thoại trong giờ học hay không có lẽ không quan trọng bằng cách các em có phương pháp học tập tốt, để mục đích cuối cùng là kiến thức các em tích lũy được gì và  kết quả học tập có tốt hay không. 
 
Thạc sĩ Võ Văn Sơn.
Thạc sĩ Võ Văn Sơn.
 
* Thạc sĩ Võ Văn Sơn, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang: Cần có quy định, nguyên tắc rõ ràng. 
 
Theo tôi, để quản lý tốt việc sử dụng điện thoại trong hoạt động dạy học, trước hết Bộ GD-ĐT cần có những quy định và nguyên tắc sử dụng rõ ràng, được báo trước cho tất cả các bên, kể cả phụ huynh học sinh.
 
Điều này có thể hơi bỡ ngỡ trong thời gian đầu vì chưa có tiền lệ. Song song đó, nhà trường cần ứng dụng những phần mềm chuyên dụng hay hệ thống hỗ trợ quản lý, cảnh báo và ngăn chặn truy cập sai mục đích. Quan trọng là các đơn vị có thẩm quyền chức năng của Bộ GD&ĐT gợi ý danh mục các ứng dụng di động sử dụng thiết bị cầm tay trong lớp học, để nhà trường, giáo viên lựa chọn, sử dụng phù hợp với yêu cầu tổ chức hoạt động dạy học và năng lực sử dụng công nghệ.
 
Đồng thời, hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh về các yêu cầu sử dụng điện thoại và các ứng dụng trong quá trình học tập. Ở mỗi nội dung dạy học, giáo viên cần có thêm tư duy và hành động ứng dụng công nghệ trên tinh thần tạo cơ hội tiếp cận nội dung và hoạt động tương tác cho học sinh.
 
Thầy Phan Ngọc Thanh.
Thầy Phan Ngọc Thanh.
 
* Thầy Phan Ngọc Thanh, giáo viên Trường THCS - THPT Ngô Văn Nhạc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang): Còn nhiều băn khoăn, trăn trở. 
 
Sử dụng điện thoại thông minh (cũng như máy tính nối mạng Internet) để học tập, nghiên cứu là một điều rất tốt. Tuy nhiên, trên lớp học, nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại để phục vụ học tập thì có thể xảy ra các vấn đề sau: Thứ nhất  giáo viên khó kiểm soát được việc học sinh sử dụng điện thoại không nhằm mục đích học tập, bởi ý thức, trách nhiệm trong học tập, sinh hoạt của nhiều học sinh hiện nay chưa cao.
 
Thứ hai, việc sử dụng điện thoại để học tập trong giờ học không mấy cần thiết, vì trong mỗi phòng học của các trường hiện nay đều có máy tính nối mạng Internet, máy chiếu. Giáo viên và học sinh có thể cùng nhau giảng dạy, học tập hay truy cập tìm hiểu kiến thức từ máy tính, máy chiếu này.
 
Thứ ba, không phải gia đình học sinh nào cũng có điều kiện trang bị điện thoại di động cho con em mình. Việc học sinh đến trường mang theo điện thoại là cũng cần thiết, bởi các em cần giữ mối liên lạc với gia đình trong việc đưa đón đi học hay khi xảy ra đau, ốm đau… Nhưng nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học nhằm đạt hiệu quả học tập là không thuyết phục trong tình hình dạy và học hiện nay.  
 
Em Lâm Kiết Tường.
Em Lâm Kiết Tường.
 
* Em Lâm Kiết Tường, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang): Nhiều tiện ích khi được sử dụng điện thoại di động.
 
Em hoàn toàn đồng ý với chủ trương mới này của Bộ GD-ĐT. Theo đó, việc sử dụng điện thoại tạo điều kiện cho học sinh rất nhiều trong việc tiếp thu những kiến thức mới một cách nhanh chóng. Việc sử dụng điện thoại di động trong giờ học sẽ giúp em có sự sáng tạo, tối ưu hóa ứng dụng công nghệ thông tin vào từng môn học. Đặc biệt là nó rất bổ ích trong việc học phát âm chuẩn Tiếng Anh. Học sinh sử dụng điện thoại thì sẽ thuận lợi hơn trong việc liên lạc với người thân đưa đón nếu không có tiết học đột xuất. 
 
Đ.PHI - N.NGỌC (lược ghi) 
 
 
 
 
 
.
.
.