Thứ Tư, 09/09/2020, 08:53 (GMT+7)
.

Để du học tự túc là cơ hội đưa em bước vào đời

Hiện nay, không ít gia đình có điều kiện kinh tế đã cho con em du học tự túc (DHTT), với mọi thủ tục, chi phí, học phí đều do người học hay gia đình tự lo. Xoay quanh vấn đề DHTT, Tiến sĩ Võ Phúc Châu, Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang cho biết:

Hiện nay, phổ biến có hình thức du học toàn phần và du học bán phần. Du học toàn phần là học sinh (HS) sẽ học toàn bộ chương trình đào tạo ở nước ngoài tại ngôi trường mà HS xin du học. Thông thường HS phải bắt đầu chương trình học bằng việc học lại ngoại ngữ do chính trường này giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. Còn du học bán phần là HS chỉ sang nước ngoài học một phần chương trình đã được trường nước ngoài kết nối, thỏa thuận với một cơ sở giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) của Việt Nam hoặc đặt tại Việt Nam.

* Phóng viên (PV): Tiến sĩ đánh giá thế nào về chất lượng của những du học sinh DHTT?

* Tiến sĩ Võ Phúc Châu: Những du học sinh mà tôi được biết thì hầu hết các em đều có trình độ ngoại ngữ khá, có thể giao tiếp và học tập ở nước ngoài. Phần lớn các em có niềm vui thích khi được sinh sống, học tập ở đất nước mà các em quan tâm, yêu mến. Các em sẵn sàng cho cuộc sống tự lập nơi xứ người cũng như hội nhập với một nền văn hóa mới, đây là những ưu điểm vượt trội ở các em.

Do du học sinh DHTT, gia đình tự chịu mọi chi phí và học phí nên phía trường tiếp nhận các em cũng không đặt yêu cầu quá cao về trình độ kiến thức, ngoại ngữ và thành tích học tập, rèn luyện, năng khiếu khi các em học ở Việt Nam... Chính vì vậy, có một số em học chưa tốt các môn văn hóa ở Việt Nam vẫn được gia đình cho DHTT.

* PV: Theo tiến sĩ, việc cho con em DHTT của các gia đình hiện nay có chạy theo “mốt” không?

* Tiến sĩ Võ Phúc Châu: Tôi không nghĩ các bậc cha mẹ cho con du học tự túc là để chạy theo “mốt” thành tích. Bởi nếu muốn con em mình du học để có thành tích “ảo” hay chỉ để lấy danh tiếng thì với số tiền khá lớn đầu tư cho con du học, một số phụ huynh có thể dùng nó để tạo “nền” cho con phát triển sự nghiệp.

Tôi nghĩ, với hầu hết HS được du học là niềm mơ ước. Bởi khi đó, các em được sống và học tập ở một đất nước có nền kinh tế, văn hóa, giáo dục tiên tiến. Các em được mở rộng tầm nhìn, tiếp xúc, kết giao với nhiều giáo viên giỏi, nhiều bạn bè trên thế giới.

Còn với phụ huynh, khi con em được du học sẽ là niềm hạnh phúc, tự hào của cả gia đình, dòng họ. Bởi vậy, không ít gia đình đã không ngần ngại bỏ ra những khoản chi phí lớn để đầu tư cho con DHTT.

* PV: Làm thế nào để phụ huynh đầu tư cho con em mình DHTT hiệu quả, thưa tiến sĩ?

* Tiến sĩ Võ Phúc Châu: Hiện nay, các trung tâm tư vấn du học hoạt động dưới  dạng dịch vụ, hình thức kinh doanh đặc biệt. Tôi mong rằng, các trung tâm tư vấn du học cần lấy “tâm đức” làm đầu; lên án những trung tâm có dấu hiệu lừa gạt tiền phụ huynh để đưa các em du học tại các ngôi trường không được sự công nhận của nước sở tại, của Việt Nam và của các tổ chức giáo dục có uy tín trên thế giới. Cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng nếu phát hiện trung tâm nào đưa HS du học theo kiểu “đem con bỏ chợ”, khiến các em gặp khó khăn trong quá trình du học.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như trong nước đã ảnh hưởng đến kế hoạch du học của nhiều HS, sinh viên trong năm 2020. Trước tình hình này, Tiến sĩ Võ Phúc Châu cho rằng, nếu phụ huynh và các HS, sinh viên vẫn muốn thực hiện kế hoạch du học thì có thể học tập tại các trường ở Việt Nam hay đăng ký học trực tuyến với các trường ở nước ngoài, với điều kiện các trường đồng ý, đợi tình hình dịch bệnh ổn định thì thực hiện kế hoạch ra nước ngoài du học.

Bên cạnh đó, phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc các em phải được du học trong năm nay mà hãy cùng con em tận dụng thời gian học các kỹ năng, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đi du học khi có điều kiện.

Với phụ huynh, đừng vì nôn nóng con mình sớm được du học mà chấp nhận mọi giá, nghe lời quảng cáo, hứa hẹn của những người làm dịch vụ. Phụ huynh cần tìm hiểu đầy đủ thông tin chính thống, thông tin thực tế từ nhiều nguồn.

Thậm chí, phụ huynh có thể trực tiếp sang nơi con em mình du học để cùng trải nghiệm, song hành cùng con trong những tháng đầu khi đặt chân đến xứ người sinh sống và học tập.

* PV: Theo tiến sĩ, việc DHTT sẽ có những được - mất gì?

* Tiến sĩ Võ Phúc Châu: Theo tôi, thật khó để đánh giá ngay những được - mất từ việc DHTT. Bởi kết quả học tập trong suốt quá trình du học không thể xem xét trong một vài tháng cũng như một vài năm. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần xác định rõ mục đích cho con du học; kết quả du học của con có tương xứng với số tiền khá lớn mà gia đình bỏ ra; hay con mình có đủ sức khỏe, tâm thế và kỹ năng sẵn sàng cho việc sống xa gia đình, tự lập và chủ động hội nhập với nền văn hóa - giáo dục mới hay không?

Về phía HS, phải xác định được động cơ và mục tiêu du học của bản thân. Ngành GD-ĐT và các tổ chức xã hội cần có chính sách mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho những du học sinh trở về phục vụ đất nước theo đúng sở trường của các em. Đây là một cách khai thác tiềm năng “chất xám” rất đáng được quan tâm.

* PV: Với một người có nhiều năm công tác ở lĩnh vực giáo dục, theo tiến sĩ, ngành GD-ĐT cần có những giải pháp gì để thu hút HS, sinh viên lựa chọn học trong nước thay vì DHTT?

* Tiến sĩ Võ Phúc Châu: Theo tôi, DHTT là một nhu cầu chính đáng. Nhìn ở góc độ tích cực, xã hội cần phải cảm ơn những phụ huynh đã dùng kinh phí gia đình để cho con DHTT. Đó cũng là một cách chung tay cùng đất nước đào tạo những trí thức trẻ có trình độ cao, năng lực hội nhập tốt.

Tuy nhiên, để thu hút HS, sinh viên lựa chọn học trong nước thay vì DHTT, ngành GD-ĐT cần xem xét, nâng chất giáo dục ở các bậc học, chất lượng đào tạo của các trường đại học trong nước. Riêng các trường đại học ở Việt Nam cần sớm học tập kinh nghiệm mô hình đào tạo, chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; liên kết về mặt học thuật với các trường đại học nước ngoài; từng bước tạo không gian học tập hấp dẫn giúp các em và phụ huynh có niềm tin về tương lai sau khi tốt nghiệp ra trường.

Ở tầm lớn hơn, Bộ GD-ĐT cần ban hành những chính sách khuyến khích HS, sinh viên giỏi chọn học ở những trường có uy tín trong nước thay vì DHTT.

Tôi hy vọng, trong vài năm tới, tại Việt Nam cũng như các địa phương trong nước sẽ có nhiều trường đại học với học phí thấp nhưng chất lượng đào tạo cao. Và ở đó, sinh viên có được không gian học tập, trải nghiệm giống như đang được học tập ở các trường đại  học ở nước ngoài.

NHƯ NGỌC (thực hiện)

.
.
.