Thứ Năm, 15/10/2020, 08:12 (GMT+7)
.
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TIỀN GIANG:

Tự hào những kết quả đạt được, tự tin tiến bước trong giai đoạn mới

(ABO) Nhìn lại bức tranh tổng thể của ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua có thể nhận định rằng dưới sự lãnh đạo, quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã gặt hái được rất nhiều thành tựu đáng tự hào. Diện mạo trường lớp, chất lượng giáo dục và đào tạo từ thành thị đến nông thôn đã có những bước chuyển biến rất mạnh mẽ, thay đổi rất rõ rệt so với khoảng 10 năm trước đây. Những kết quả của nhiệm kỳ vừa qua được xem là tiền đề vững chắc để ngành Giáo dục có thể bước sang một trang mới với những nhiệm vụ cũng như những thách thức mới. 
 
Sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh Tiền Giang luôn nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tr
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan Phòng Thực hành tin học Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho nhân dịp dự Lễ khai giảng năm học 2017 - 2018. 
Một trong những điểm đáng tự hào đầu tiên trong nhiệm kỳ vừa qua là ngành Giáo dục đã xác định nhiệm vụ cốt lỗi là đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp khang trang. Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương thì hệ thống trường chuẩn quốc gia đã tăng lên đáng kể.
 
Tại hầu hết các xã, phường, thị trấn đều đã có trường mầm non, tiểu học, trường trung học cơ sở (của từng xã hoặc liên xã). Mạng lưới các trường trung học phổ thông được mở rộng đến rất nhiều địa phương vùng sâu vùng xa. Toàn tỉnh hiện có 9.420 phòng học, phòng học bộ môn ở cấp học mầm non, phổ thông, trong đó có 7.345 phòng học kiên cố, chiếm 78,4%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cũng tăng 26,3% so với đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo đó hiện toàn tỉnh có 307/532 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 57,7%.
 
Đã qua rồi cái thời học sinh phải ngồi học trong những ngôi trường ọp ẹp, với những trang thiết bị cũ kỹ, thay vào đó là những ngôi trường khang trang, đầu tư theo kết cấu hiện đại với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Nhìn lại chặng đường 5 năm với biết bao vất vả khó khăn, có thể nói rằng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp của tỉnh nhà đã khang trang lên rất nhiều.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Danh tặng học bổng cho học sinh Trường Tiểu học Phú Phong nhân dịp khai giảng năm học mới 2020 - 2021.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tặng học bổng cho học sinh Trường Tiểu học Phú Phong (xã Phú Phong, huyện Châu Thành) nhân dịp khai giảng năm học mới 2020 - 2021.
Điểm tự hào thứ hai là toàn ngành đã đổi mới mạnh mẽ theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, chất lượng học sinh đại trà ở tất cả các trường học trong tỉnh được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh được xếp loại khá, giỏi về học lực, tốt về hạnh kiểm hằng năm đều tăng và tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm đáng kể.
 
Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh và phương pháp dạy học đã được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh.
 
Chất lượng học sinh giỏi cấp quốc gia tiếp tục được duy trì và đạt kết quả cao (năm 2017 đạt 5 giải, 2018 đạt 9 giải, 2019 đạt 8 giải và 2020 đạt 10 giải). Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông được duy trì và ổn định ở mức cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (năm 2016, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 95,19%, năm 2020 là 99,23%). 
 
Nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã mở ra rất nhiều thời cơ cũng như những thách thức, khó khăn nhất định. Trước bối cảnh đổi mới của toàn ngành Giáo dục, đặc biệt là trong nhiệm kỳ mới tới đây, ngành Giáo dục Tiền Giang cần xác định lại vị thế, tiếp tục phát huy những thành tích đã được, thực hiện mạnh mẽ đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, tất cả với mục tiêu là tạo ra nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. 
 
Có thể nói, những kết quả đáng mừng của nhiệm kỳ vừa qua của ngành Giáo dục được xem là tiền đề vững chắc để ngành Giáo dục Tiền Giang tiếp tục đột phá ở các giai đoạn tiếp theo. Một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới là toàn ngành phải thực hiện tốt chương trình đổi mới sách giáo khoa ở các bậc học, tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao trong toàn xã hội.
 
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng nên thường xuyên rà soát lại cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục, nhanh chóng đưa các trường học có nhu cầu cấp thiết vào chương trình đầu tư kiên cố hóa trường lớp. Một trong những vấn đề tiếp theo mà ngành cũng cần quan tâm đó là công tác chăm lo thật tốt cho học sinh nghèo có thể đến trường.
 
Nhân lực cho ngành Giáo dục cũng là vấn đề đáng quan tâm trong thời gian qua. Đứng trước những  yêu cầu cho quá trình đổi mới, ngành Giáo dục cũng cần xây dựng quy hoạch và có những chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các bậc học. Trong mỗi năm học, ngành cần có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp học.
 
Với giáo dục phổ thông là vậy, còn đối với giáo dục đại học thì với vai trò, sứ mạng của mình, Trường Đại học Tiền Giang nên tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn CDIO; đạt chuẩn kiểm định chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Nhà trường cũng cần kết hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng và thực hiện thí điểm Đề án “Chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin”. 
 
Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kế hoạch nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường lao động; điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng giảm dần các ngành nghề đào tạo đang dư thừa trên thị trường lao động; tăng cường đào tạo các ngành khoa học - kỹ thuật và công nghệ; kiểm soát quy mô đào tạo theo hướng giảm chỉ tiêu các ngành ít có nhu cầu tuyển dụng và chất lượng thấp; tăng dần quy mô đào tạo các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và chất lượng cao.
 
Đ. PHI
 
 
.
.
.