Thứ Sáu, 27/11/2020, 19:44 (GMT+7)
.

Tự chủ đại học: 4 vấn đề cần làm rõ

Tiếp nối thành công của chuỗi hội thảo thường niên về giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì, sáng 27-11 tại Nhà Quốc hội, ủy ban phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong GDĐH, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2019. Trên cơ sở đó, đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, tạo điều kiện cho GDĐH phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”.
Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”.

Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu chính thức, bao gồm đại diện các cơ quan của Quốc hội; các bộ, ngành Trung ương; các đại biểu Quốc hội đang công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý cơ sở giáo dục đại học; các chuyên gia, nhà khoa học...

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, sự kiện này là hoạt động thường niên gắn Quốc hội với cử tri, gắn việc hoạch định chính sách của Nhà nước với tiếng nói của các chủ thể liên quan một cách trực tiếp.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại, đều được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước đã khẳng định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu nên việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội, được mọi người dân, mọi gia đình cùng quan tâm.

GDĐH với chức năng là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo ra tri thức, sản phẩm mới để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trên 30 năm đổi mới, GDĐH Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Đặc biệt có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở GDĐH, tuy nhiên trong thực thi còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách, là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của GDĐH Việt Nam.

Các đại biểu dự hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý 4 vấn đề mà hội thảo cần thảo luận làm rõ.

Thứ nhất, các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự chủ phải có trách nhiệm giải trình theo quy định, vậy các cơ quan có trách nhiệm đã tôn trọng quyền đó của các cơ sở đại học hay chưa? Điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, trách nhiệm của hội đồng trường; hội đồng Đại học đã phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng thế nào? Quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế về quản lý nội bộ, các chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn Nhà nước quy định ra sao?

Thứ hai, về quyền tự chủ học thuật, trong hoạt động chuyên môn. Các quy định về thực hiện tiêu chuẩn, chất lượng, việc mở ngành, việc tuyển sinh, việc đào tạo gắn hoạt động khoa học công nghệ, việc hợp tác trong nước và quốc tế sao cho phù hợp với quy định của nhà nước và hệ thống pháp luật chuyên ngành quy định những nội dung quan trọng này.

Thứ ba, về quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, về tiêu chuẩn, danh mục việc làm liên quan đến tuyển dụng, sử dụng hoặc cho thôi việc với giảng viên, các viên chức và người lao động trong các cơ sở GDĐH. Đây là một trong những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, có bước đi, cách làm phù hợp, vừa trân trọng và có tính kế thừa đội ngũ cán bộ, chuyên gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.

Thứ tư, cần hoàn thiện và mẫu mực về quyền tự chủ trong tài chính và tài sản (kể cả các nguồn thu) quản lý sử dụng tài chính, tài sản, chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển, chính sách học phí, học bổng đối với người học.

Bên cạnh đó là trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH, nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào khi liên quan đến tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, đến mức lương, thưởng, đến các báo cáo tài chính hằng năm và phải nghiêm túc thực hiện kiểm toán đầu tư mua sắm, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH trước chủ sở hữu, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong đó, làm rõ vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những nội dung trong quản lý nhà nước của mình.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đáng chú ý, tại đây, ông Chorítophe lemiere, Quản lý chương trình phát triển con người - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng giáo dục phổ thông Việt Nam khá tốt, nhưng GDĐH lại không được như vậy, chất lượng GDĐH Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN. “Dù chất lượng GDĐH Việt Nam đã tăng khá ấn tượng trong thời gian qua nhưng so với các nước khác thì chưa như kỳ vọng”, ông Chorítophe lemiere nhận xét.

Theo ông, một thách thức dễ nhìn thấy trong GDĐH Việt Nam là kỹ năng quản lý và các kỹ năng cần thiết cho phát triển kinh tế, nhất là kỹ năng về quản lý và công nghệ. Sinh viên ra trường thiếu hụt về mặt kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động. Tỷ lệ nghiên cứu khoa học trong GDĐH rất thấp so với Hàn Quốc, Trung Quốc. Về mặt hệ thống, GDĐH còn manh mún. Về quản trị, có tới 3 bộ có trách nhiệm quản lý khối đào tạo, dạy nghề, nghiên cứu khoa học là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội,  Khoa học-Công nghệ, nhưng không có sự liên kết tốt giữa 3 bộ này. Ông Chorítophe lemiere đánh giá, quá trình thí điểm tự chủ đại học ở Việt Nam chưa thấy rõ sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học trong quá trình đào tạo.  Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị, trao quyền tự chủ thì tính giải trình phải rất cao, trong đó có cơ chế bảo đảm chất lượng đào tạo, phải được giải trình rõ.

Về quản trị tài chính trong GDĐH ở Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, GDP chi cho GDĐH rất thấp, chỉ khoảng 0,23% GDP, dù tỷ lệ chi cho giáo dục chung là khá cao, tới 20%. Ngân sách cho GDĐH chủ yếu vẫn từ học phí, tức là nguồn thu của GDĐH vẫn từ người học, đó là tính bất cập lớn của GDĐH Việt Nam. Việt  Nam là quốc gia mà GDĐH có tính phụ thuộc vào học phí là cao nhất, đầu tư công cho GDĐH còn thấp, khiến cơ hội cho sinh viên bị ít đi. Mặt khác, đầu tư công cho GDĐH vẫn theo cơ chế từ trước đến nay, do đó không thúc đẩy được sự phát triển, nghiên cứu khoa học.

Đưa ra các khuyến nghị, ông Chorítophe lemiere cho rằng, tự chủ và giải trình là 2 vấn đề phải liên hệ mật thiết với nhau. Các trường cần được trao quyền nhiều hơn, nhất là về vấn đề nhân sự, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, theo ông, chỉ nên có một bộ duy nhất quản lý về GDĐH thay vì 3 bộ như hiện nay. Cùng với đó, nên tăng đầu tư công cho GDĐH, không phải mức 0,23% GDP như hiện nay, cần tăng lên 0,80% trước năm 2030.

Song song đó, nên đa dạng hóa thể chế GDĐH, ngoài đại học công nên mở rộng đại học ngoài công lập, đại học tuyến, đào tạo nghề... để tăng cơ hội tiếp cận của người học. Dành nhiều học bổng hơn cho người học khó khăn; tăng cường cho sinh viên vay tiền để học đại học; huy động nhiều hơn các nguồn lực đầu tư cho GDĐH.

Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, cần mở rộng các mô hình liên kết, hợp tác quốc tế giữa trường đại học với các tổ chức quốc tế. “Nên có một cơ quan cấp ngân sách duy nhất để phân bổ các nguồn lực đầu tư công cho GDĐH”, ông Chorítophe lemiere khuyến nghị.

Trình bày báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề tự chủ đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, từ năm 2014, 23 cơ sở GDĐH bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo nghị quyết 77 của Chính phủ. Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam. Ở các trường tự chủ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%;  tăng thu hút thí sinh đại học (tỷ  lệ tuyển được/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%); số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% toàn quốc; số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần, nay đóng góp 45% toàn quốc; tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù ngân sách nhà nước cấp giảm 2,1 lần); 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021..

Tuy nhiên, còn nhiều bất cập như tài chính thiếu bền vững, học phí chiếm tỷ trọng lớn (phần lớn trên 80%); thu từ nghiên cứu và các nguồn khác thấp; nguồn thu từ ngân sách giảm mạnh...

Từ thực tế hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ đại học. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ  về quy định cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài; tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách cho GDĐH. Đáng chú ý, bộ kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học với sự tham gia cả các bộ ngành liên quan với Bộ Giáo dục và Đào tạo là thường trực. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn thực hiện tự chủ đại học.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.