Thứ Hai, 18/01/2021, 09:40 (GMT+7)
.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021:

Tuyệt vời ý tưởng của những "Quán quân"

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh (Tiền Giang) dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021 (viết tắt là Cuộc thi) đã khép lại, với những “Quán quân” có các sản phẩm đoạt giải Nhất và được chọn dự thi cấp quốc gia năm 2021 gồm: Em Phan Văn Hoàng Anh (lớp 12, Trường THPT Phạm Thành Trung, huyện Cái Bè); 2 em Nguyễn Thế Bằng và Lê Phạm Hoàng Trung (Trường THPT Chuyên Tiền Giang).

1. Với sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị”, em Phan Văn Hoàng Anh không chỉ xuất sắc đoạt giải Nhất của Cuộc thi, mà sản phẩm này của Hoàng Anh còn được chọn dự thi cấp quốc gia năm 2021.

Hoàng Anh chia sẻ, bản thân rất vinh dự và tự hào bởi những cố gắng của mình trong suốt thời gian dài vừa qua đã được ghi nhận. Ngay từ những năm học trung học cơ sở,  Hoàng Anh đã đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học bằng các thí nghiệm đơn giản, gần gũi với cuộc sống. “Nếu học lý thuyết mà không có thực hành thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa, bởi thực hành giúp người học nắm rõ, mềm hóa lý thuyết và có thể ứng dụng được những kiến thức đã học vào cuộc sống thực tiễn, mang lại giá trị hữu ích” - Hoàng Anh chia sẻ. 

Em Phan Văn Hoàng Anh được khen thưởng  của Cuộc thi.
Em Phan Văn Hoàng Anh được khen thưởng của Cuộc thi.

Nói về sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị”, Hoàng Anh cho biết,  trong cuộc sống, người khiếm thị gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, học tập, làm việc, vui chơi và sinh hoạt hằng ngày. Khi người khiếm thị di chuyển, họ chủ yếu dùng tay hoặc gậy để phát hiện các vật cản; trong đó, dùng gậy thông minh sẽ làm cho người khiếm thị gặp nhiều bất tiện khi vừa làm việc bằng tay, vừa di chuyển. Để khắc phục những hạn chế này, với sự hướng dẫn của thầy cô và được sự hỗ trợ của bạn bè, em đã nghiên cứu chế tạo sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị”.

Theo Hoàng Anh, đôi giày thông minh cho người khiếm thị có các tính năng vượt trội như: Ở mũi giày và bên hông giày có gắn cảm biến siêu âm. Các cảm biến này sẽ giúp phát hiện các vật cản theo hướng di chuyển của người khiếm thị. Từ đó, cảm biến truyền tín hiệu đến bộ xử lý trung tâm xử lý và gửi tín hiệu đến mô-tơ rung. Bàn chân của người mang giày nhận tín hiệu rung ở phía nào thì vật cản ở phía đó, giúp họ tránh được vật cản khi di chuyển. Đặc biệt, bên trong giày còn được gắn thêm modul GPS để giúp người thân xác định vị trí của người khiếm thị đang ở đâu để hỗ trợ khi cần thiết.

"Người khiếm thị mang giày thông minh sẽ hỗ trợ tích cực khi di chuyển và giải phóng được đôi tay để có thể làm việc khác. Chi phí cho toàn bộ đôi giày 550.000 đồng, khá phù hợp với nhu cầu và các chức năng tiện lợi mà đôi giày mang lại” - Hoàng Anh cho biết.

2. Sản phẩm “Ứng dụng công nghệ Deep Learning trong thiết bị giám sát an toàn trên xe ô tô” mang về cho 2 em Nguyễn Thế Bằng và Lê Phạm Hoàng Trung giải Nhất của Cuộc thi, bởi tính năng và khả năng ứng dụng thực tế của sản phẩm.

Nói về ý tưởng và việc ra đời của sản phẩm, em Nguyễn Thế Bằng cho biết: “Có rất nhiều tài xế taxi, xe khách, xe tải… thường xuyên bị buồn ngủ khi lái xe. Việc buồn ngủ khi lái xe là điều rất nguy hiểm; do đó, để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra, chúng em đã xây dựng một hệ thống sử dụng Python, OpenCV và Keras để cảnh báo người lái xe khi họ cảm thấy buồn ngủ”.

Khen thưởng 2 em Nguyễn Thế Bằng và Lê Phạm Hoàng Trung có sản phẩm đoạt giải Nhất của Cuộc thi.
Khen thưởng 2 em Nguyễn Thế Bằng và Lê Phạm Hoàng Trung có sản phẩm đoạt giải Nhất của Cuộc thi.

Theo 2 em Nguyễn Thế Bằng và Lê Phạm Hoàng Trung, để thực hiện sản phẩm “Ứng dụng công nghệ Deep Learning trong thiết bị giám sát an toàn trên xe ô tô” quả là điều kỳ công, bởi nó đòi hỏi ở người nghiên cứu rất nhiều kiến thức từ vật lý, toán học, hóa học cho đến tin học. Sản phẩm đã sử dụng hệ thống Opencv để thu thập ảnh từ webcam và đưa nó vào mô hình deep learning.

Mô hình này sẽ nhận ra mắt của người lái xe đang đóng hay mở. Các bước thực hiện sản phẩm bao gồm lấy ảnh từ camera; phát hiện khuôn mặt trong ảnh và tạo vùng quan tâm; phát hiện mắt từ ROI và đưa nó vào vùng phân loại để nhận biết mắt người đó đang đóng hay mở; cuối cùng là tính thời gian mắt người đó đóng để xem người đó có đang ngủ hay không.

Sản phẩm có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực, không chỉ lái xe an toàn, mà có thể phát triển thêm nhiều chức năng khác nhau dựa trên công nghệ CNN.

Đ.P.C

.
.
.