Bài 1: Nỗi niềm giáo viên mầm non
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 - 2020, bậc mầm non cả nước thiếu 45.242 giáo viên, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu trên 11 ngàn giáo viên. Trong đó, một số tỉnh thiếu giáo viên mầm non đáng báo động có thể kể đến như: Trà Vinh, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre… Dù những năm qua các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực giải quyết thực trạng này nhưng việc thiếu giáo viên mầm non vẫn là bài toán nan giải…
Cô giáo Trường Mẫu giáo An Bình Tây (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) trong giờ dạy trẻ. |
Một ngày làm việc của giáo viên mầm non (GVMN) bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến chiều tối với hàng trăm công việc từ giảng dạy, chăm sóc trẻ đến làm hồ sơ sổ sách, đồ dùng dạy học… Công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng thu nhập lại ở mức thấp nhất so với các bậc học khác là nỗi niềm mà nhiều GVMN không biết bày tỏ cùng ai…
VẤT VẢ, NHỌC NHẰN
Ở tỉnh Bến Tre, các huyện Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm, Thạnh Phú là những huyện đáng báo động về tình trạng thiếu GVMN. Để hiểu hơn về việc điều hành cũng như công việc của GVMN trong điều kiện thiếu giáo viên (GV), chúng tôi được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tri giới thiệu, tìm đến Trường Mẫu giáo An Bình Tây (xã An Bình Tây, huyện Ba Tri) ngay vào lúc GV trong giờ trả trẻ.
Sau khi các trẻ được ba mẹ đón xong, các cô giáo của Trường Mẫu giáo An Bình Tây vẫn chưa thể nghỉ trưa mà phải quét dọn, lau phòng để chuẩn bị cho buổi chiều đón trẻ vào học. Các cô giáo của trường cho biết, ngày nào cũng vậy những công việc không tên đã gần như chiếm hết thời gian nghỉ trưa của các cô.
“Trường Mẫu giáo An Bình Tây có 6 điểm dạy với 8 lớp. Do hiện trường còn thiếu 10 GVMN nên mỗi lớp từ 32 đến 37 trẻ mà chỉ có một GV. Chính vì vậy, công việc của một cô giáo phải làm gấp 2 - 3 lần bình thường, từ làm giáo án, lên tiết, sổ sách, thao giảng, ôn học chữ và mỗi tuần phải trang trí cho lớp… nên rất vất vả. Do không đủ GV nên trường cũng chưa thể mở bán trú” - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo An Bình Tây Dương Thị Cẩm Nhiên cho biết.
Cô giáo Trường Mẫu giáo An Bình Tây (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) quét dọn, lau phòng trong giờ nghỉ trưa để chuẩn bị đón trẻ vào học buổi chiều. |
Cô Phan Kim Pha, GV đã có 36 năm gắn bó với Trường Mẫu giáo An Bình Tây chia sẻ: “Do một mình đứng lớp nên hễ có bé nào kêu cô ơi con muốn đi vệ sinh thì phải tức tốc chạy đi xử lý rồi nhanh chóng lên quản lớp, bởi trẻ rất hiếu động, nếu lơ là để xảy ra sự cố thì sẽ ảnh hưởng đến trẻ và phiền lòng phụ huynh. Mặc dù công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng lương thấp không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều lần bản thân tôi cũng như các GVMN khác đã có kiến nghị về trên vấn đề thu nhập nhưng mọi chuyện vẫn không có sự thay đổi”.
Còn ở tỉnh Tiền Giang, không ít GVMN cũng rất tâm tư, trăn trở với nghề chăm dạy trẻ. Cô Nguyễn Thị Hồng Thảo, GV đã có 32 năm công tác tại Trường Mầm non Kiểng Phước, đơn vị thiếu nhiều GVMN nhất của huyện Gò Công Đông chia sẻ: “Nếu nghề GV đã khó thì GVMN lại vất vả gấp nhiều lần hơn các bậc học khác, đi sớm về trễ là chuyện bình thường của GV dạy trẻ. Như bản thân tôi tuổi đã cao, sức khỏe kém nhưng mỗi ngày vẫn phải một mình đứng lớp 2 buổi. Dù vất vả nhưng phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Vừa tiếp chuyện với chúng tôi, cô Thảo vẫn không rời mắt trông bọn trẻ.
“Trẻ con hay nghịch và hiếu động nên lúc nào GV giữ trẻ cũng không thể rời mắt khỏi các bé. Vì vậy, chăm trẻ không chỉ đòi hỏi ở GVMN kỹ năng sư phạm, mà phải có sự kiên nhẫn và lòng yêu trẻ” - cô Thảo nói.
Cơn mưa của một ngày cuối tháng 12 cứ lất phất ngoài hiên cũng là lúc 4 giờ chiều, thời điểm phụ huynh bắt đầu rước trẻ. Nhìn bọn trẻ chuyện trò hồn nhiên với ba mẹ về những bài học ở lớp, cô Thảo lại bộc bạch: “Do vất vả mà đồng lương không đủ sống nên nhiều lần thấy đồng nghiệp chuyển sang công việc khác, cô cũng định viết đơn xin chuyển công tác nhưng khi nhìn thấy những đôi mắt trong trẻo ngây thơ của trẻ con thì tôi không thể làm được”.
LÀM THÊM ĐỂ CẢI THIỆN THU NHẬP
Qua khảo sát của chúng tôi tại nhiều trường mầm non ở tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre cho thấy, vì mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều GVMN đã phải làm thêm công việc khác để cải thiện thu nhập, trong đó bán hàng online (hay còn gọi là bán hàng trên mạng) là công việc được nhiều GVMN lựa chọn.
Cô Võ Hồng Thắm, GVMN ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết: “Ngoài thời gian lên lớp, về nhà tôi còn làm thêm công việc kinh doanh online các mặt hàng gia dụng cũng như một số loại mỹ phẩm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.
Giống như cô Thắm, để có thêm thu nhập, cô Nguyễn Thị Minh Huệ, GV Trường Mầm non Ánh Dương (thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) làm thêm công việc bán hàng online hơn 3 năm qua.
Cô Huệ chia sẻ: “Vật giá ngày một tăng cao, trong khi lương GVMN mỗi tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng thì không thể đủ trang trải cuộc sống gia đình, buộc tôi cũng như nhiều GVMN khác phải kiếm việc để làm thêm và tôi chọn bán hàng online. Buổi tối thay vì nghỉ ngơi thì tôi đăng hình, soạn hàng cho khách. Vừa giảng dạy vừa bán hàng online, tuy vất vả nhưng phải cố gắng để có thêm thu nhập lo cho gia đình”.
Theo chia sẻ của nhiều GVMN mà chúng tôi gặp, thì cô Thắm hay cô Huệ chỉ là những ví dụ điển hình cho những nỗi niềm của GV làm nghề dạy trẻ, bởi vẫn còn nhiều hoàn cảnh GVMN khó khăn phải tranh thủ thứ bảy, chủ nhật làm thêm ngoài giờ với những công việc phụ quán ăn, nhận hàng may gia công… Đặc biệt có không ít GVMN không thể bám trụ với nghề mà rẽ sang một hướng khác với công việc văn phòng hay thậm chí đi làm công nhân…
Khi chọn nghề GVMN hầu hết GV đều có niềm đam mê và tình yêu trẻ. Tuy nhiên, GVMN nào cũng có gia đình và cần có nguồn thu nhập đảm bảo đời sống mới yên tâm công tác. Do đó, công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng đồng lương chưa đảm bảo cuộc sống nên nhiều GVMN không mặn mà với nghề, dẫn đến câu chuyện thiếu GVMN diễn ra triền miên nhiều năm qua mà vẫn chưa có lời giải.
THU HOÀI - ĐỖ PHI
(còn tiếp)