Thứ Tư, 28/04/2021, 10:32 (GMT+7)
.

Giáo dục mầm non - nhiều gam màu sáng

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong những năm qua, chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc. So với 10 năm trước, thì quy mô, mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp của bậc học mầm non đã được đầu tư khang trang, đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, hiện Tiền Giang đang tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên cho bậc học này.

CHĂM LO BẬC HỌC ĐẦU ĐỜI

Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang, nếu như năm 2010 toàn tỉnh còn 33 “xã trắng” chưa có trường mầm non thì đến năm học 2020 - 2021 có đến 170/172 xã, phường, thị trấn có trường mầm non. Toàn tỉnh hiện có 186 trường mầm non, mẫu giáo, tăng 28 trường so với năm học 2010 - 2011; trong đó, có 170 trường công lập, 16 trường ngoài công lập và 117 nhóm trẻ tư thục. Tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 71,2%, tăng 25,7% so với năm học 2010 - 2011.

Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 84/186 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, đạt 45,1%, so với năm học 2010 - 2011 tăng 73 trường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường mầm non được quan tâm đầu tư góp phần tạo điều kiện nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Giờ học của cô trò Trường Mầm non Bông Sen (TP. Mỹ Tho).
Giờ học của cô trò Trường Mầm non Bông Sen (TP. Mỹ Tho).

Đội ngũ giáo viên mầm non cũng có nhiều chuyển biến tích cực về trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ. Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 3.489 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, trong đó giáo viên mầm non đạt chuẩn chiếm tỷ lệ khoảng 98,4% và trên chuẩn là 75,4%.
Một trong những điểm nổi bật bậc học mầm non của tỉnh là đã triển khai thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.

Chuyên đề này được triển khai từ năm 2016 đến 2020 với mục tiêu đảm bảo cho tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập, vui chơi dựa trên nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ. Bên cạnh đó, chuyên đề còn hướng đến việc tạo không gian “mở” tại các cơ sở giáo dục mầm non nhằm kích thích sự tập trung, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong những năm qua, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng dần theo từng năm. Hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp luôn đạt 100%; tổ chức cho trẻ 5 tuổi ăn bán trú tại trường đạt trên 78%; 100% trẻ 5 tuổi được hỗ trợ chế độ ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định; 100% trẻ hoàn thành chương trình; tỷ lệ chuyên cần của trẻ 5 tuổi đạt 98%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi dưới 1%...

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI

Có thể nói, giáo dục mầm non là bậc học quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, do đó chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục cho bậc học này được xem là việc làm quan trọng trong phát triển giáo dục tỉnh nhà. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng cho biết, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục có các giải pháp duy trì và nâng chất giáo dục mầm non, trong đó triển khai một số giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính cho giáo dục mầm non. Phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường/lớp mầm non, đảm bảo trường lớp có công trình vệ sinh và nước sạch đạt chuẩn.

Tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong quản lý, chỉ đạo, điều hành ở các cơ sở giáo dục mầm non, trong quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ; quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Nâng chất đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo dục mầm non đủ về số lượng, đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi để thực hiện chương trình giáo dục mầm non bảo đảm chất lượng và đạt hiệu quả theo xu thế phát triển. Đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ; tiếp tục thực hiện những giải pháp để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt là tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học này...

VIỆT PHƯƠNG

.
.
.