Thứ Hai, 31/05/2021, 09:44 (GMT+7)
.
TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TIỀN GIANG:

Chấn chỉnh nghiêm việc dạy thêm, học thêm

Dạy thêm, học thêm (DTHT) từ nhiều năm nay được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, với nhiều ý kiến trái chiều ở các góc độ khác nhau. Vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 2317 về việc chấn chỉnh hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh. Xung quanh hoạt động này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang.

* PV: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn những quy định về các trường hợp nào được và không được DTHT?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Thông tư 17/2012 ngày 16-5-2012 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về DTHT (gọi tắt là Thông tư 17) đã quy định rất cụ thể về vấn đề này. Với trường hợp không dạy thêm đối với học sinh (HS) đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật; không được dạy thêm ngoài nhà trường với HS mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

HS có nguyện vọng học thêm trong nhà trường phải viết đơn gửi nhà trường để được học thêm trong trường. Cha mẹ HS có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về DTHT vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết. Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của HS, tổ chức phân nhóm HS theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của HS.

Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm, trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về DTHT trong nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khóa biểu dạy thêm phù hợp với học lực của HS.

* PV: Đồng chí đánh giá thế nào về thực trạng DTHT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Trước hết, phải khẳng định học thêm là nhu cầu tự thân. Nhìn nhận một cách khách quan, việc DTHT nếu đi đúng hướng sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian qua, ngành GD-ĐT cũng đã thường xuyên chấn chỉnh, thanh tra, giám sát hoạt động DTHT để đảm bảo minh bạch và đúng quy định.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động DTHT tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý DTHT gây bức xúc trong dư luận ảnh hưởng đến công tác quản lý GD-ĐT như: Giáo viên vẫn còn ép HS đi học thêm vì điểm số; dạy thêm ở tiểu học vẫn còn... Chính vì vậy, việc chấn chỉnh DTHT đi vào nền nếp, tránh gây dư luận xấu trong xã hội là việc làm cần thiết đối với ngành GD-ĐT. 

* PV: Như vậy ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ làm gì để DTHT đi vào nền nếp?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, trường học, cơ sở giáo dục có biện pháp quản lý chặt chẽ về nền nếp chuyên môn, tích cực đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá; đổi mới phương pháp dạy và học; kiên quyết ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực trong DTHT. Chủ trì tổ chức hoặc phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phổ biến các quy định thanh tra, kiểm tra về hoạt động và nội dung DTHT.

Phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định; thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan, số điện thoại, đường dây nóng và địa chỉ e-mail để tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về những tiêu cực, vi phạm trong hoạt động DTHT, kịp thời xử lý theo quy định.

Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động DTHT ngoài nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định về DTHT của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở GD-ĐT và các quy định khác có liên quan, đảm bảo quyền lợi của người học thêm, người dạy thêm trong tổ chức và quản lý hoạt động DTHT; chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục các cấp trong việc thực hiện các quy định về DTHT.

Cụ thể, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động và nội dung DTHT tại các cơ sở để kịp thời có những chấn chỉnh, không tạo dư luận xấu trong xã hội.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Đ.PHI (thực hiện)

.
.
.