Thứ Hai, 20/09/2021, 08:52 (GMT+7)
.

Làm gì để dạy và học trực tuyến hiệu quả?

Làm gì để dạy và học trực tuyến thật sự hiệu quả, đang là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, khi mà học sinh các bậc học (trừ mầm non) ở Tiền Giang đang phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh. Dạy và học trực tuyến ở các bậc học đều khác nhau ở phương pháp truyền đạt và tiếp cận. Theo đó, các cán bộ, giáo viên, học sinh đã có những chia sẻ về phương pháp dạy và học trực tuyến.

* TIẾN SĨ LÊ THỊ LOAN, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TRUNG HỌC - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN (SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TIỀN GIANG):

Giáo viên gợi mở, học sinh giải quyết vấn đề

Với học sinh phổ thông, đặc biệt là bậc THCS, THPT, giáo viên cần phải đổi mới phương pháp dạy học linh hoạt, đảm bảo nội dung bài học. Việc áp dụng phương pháp dạy học cũ theo kiểu đọc - chép sẽ không đạt hiệu quả trong việc dạy học trực tuyến. Chính vì vậy, giáo viên chỉ đóng vai trò người hướng dẫn, gợi mở vấn đề để học sinh có thể tìm cách giải quyết.

Trong một tiết học, giáo viên nên dành nhiều thời gian để tương tác, thảo luận với học sinh; đồng thời, chuyển đổi các hoạt động từ 2 đến 3 lần để tiết học thêm sinh động, tránh nhàm chán. Trong quá trình soạn giảng, giáo viên cũng nên sử dụng màu sắc, âm thanh sinh động, đôi khi thiết kế các câu trắc nghiệm nhanh thành các trò chơi để các em hào hứng học tập.

* TRẦN THỦY TIÊN, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, TP. MỸ THO:

Học sinh nên hỏi lại giáo viên khi chưa hiểu bài

Thật ra học trực tuyến không quá khó, nếu thật sự biết phương pháp thì sẽ rất dễ dàng. Với học trực tuyến thì yếu tố tương tác với thầy cô là điều vô cùng quan trọng mà học sinh cần thực hiện. Chính vì vậy, nếu trong bài học không hiểu kiến thức nào, bên cạnh hỏi ngay trong giờ học thì học sinh có thể điện thoại hoặc gửi tin nhắn qua Zalo, Facebook để giáo viên có thể giải đáp.

Tránh tình trạng học sinh không hiểu bài mà không hỏi ngay, để kéo dài sẽ khiến các em có thể bị hỏng kiến thức, ảnh hưởng đến kiểm tra, thi cử. Học trực tuyến, học sinh phải có tư duy, sắp xếp tập ghi bài học cẩn thận, có như vậy mới khắc sâu bài học một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, học sinh thường xuyên thực hành bài tập, bởi có thực hành mới có thể hiểu bài và tích lũy sâu kiến thức.

* TÔ THỊ BẢY, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TIỂU HỌC THIÊN HỘ DƯƠNG, TP. MỸ THO:

Bài học phải sinh động, hấp dẫn

Đối với học sinh tiểu học, việc dạy và học trực tuyến sẽ khó hơn nhiều so với các bậc học còn lại. Để chuẩn bị cho việc dạy và học trực tuyến, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện tiết dạy thao giảng tổ trực tuyến để giáo viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn.

Với học sinh khối lớp 1, 2 còn quá nhỏ, do đó đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm. Với học sinh khối lớp 3, 4, 5, giáo viên sẽ đầu tư trong khâu soạn giảng với các bài giảng phải thật sự cô động, hấp dẫn và tinh gọn. Nhà trường luôn khuyến khích giáo viên thiết kế các bài tập, tạo ra các trò chơi thật sự sinh động, để các em có thể vừa học, vừa chơi, từ đó ghi nhớ bài lâu hơn.

* EM LÊ THỊ NGỌC YẾN, HỌC SINH TRƯỜNG THPT CHỢ GẠO, HUYỆN CHỢ GẠO:

Nên ghi chép các vấn đề thầy cô nhấn mạnh 

Để học trực tuyến hiệu quả, bản thân em cũng như các bạn cần hoạch định cho mình kế hoạch, mục tiêu học tập nghiêm túc. Trong các giờ học trên lớp, em thường ghi chép đầy đủ bài học. Đặc biệt, em luôn chú ý ghi chép cẩn thận vào vở hay sổ tay của mình những vấn đề mà giáo viên nhấn mạnh.

Sau những giờ học trực tuyến, em ôn tập lại bài cũ, thực hành làm các bài tập. Bên cạnh kiến thức các thầy cô truyền đạt, em còn thường xuyên tìm hiểu thêm những kiến thức trên Internet để bổ sung cho từng môn học.




 

VIỆT PHƯƠNG (lược ghi)

 



 

.
.
.