Thứ Bảy, 06/11/2021, 07:02 (GMT+7)
.
GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN CHÌ:

Giám đốc đầu tiên của Sở Giáo dục Nam bộ

Giáo sư (GS) Nguyễn Văn Chì (1903 - 1989) quê quán xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang); là một nhà giáo, nhà cách mạng. Ông được cử làm Giám đốc đầu tiên của Sở Giáo dục Nam bộ từ 1945, từng đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng TP. Sài Gòn - Gia Định, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hồ Chí Minh năm 1975.

Giáo sư (GS) Nguyễn Văn Chì (1903 - 1989)
Giáo sư (GS) Nguyễn Văn Chì (1903 - 1989)

THAM GIA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TẠI SÀI GÒN

Sau khi tốt nghiệp Bằng Thành chung tại Trường Collège de Mytho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu), ông lên Sài Gòn học tiếp ban Tú tài tại Trường Lycée Petrus Ký. Do gia cảnh khó khăn, ông buộc phải thôi học, xin đi dạy ở huyện Cai Lậy. Sau đó, ông vừa làm giáo viên, vừa tự học, thi đỗ Tú tài; rồi ra Hà Nội, thi đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1928, ông tốt nghiệp chuyên ngành Việt Văn, được bổ nhiệm làm GS, đi dạy ở các trường: Trung học Cần Thơ, Mỹ Tho và Pétrus Ký (Sài Gòn).

Tại Trường Pétrus Ký, GS Nguyễn Văn Chì dạy môn Luân lý; trong khi giảng bài, thường “nói bóng, nói gió” để khêu gợi lòng yêu nước của học sinh. Trong những ngày sôi sục Cách mạng Tháng Tám năm 1945, GS Nguyễn Văn Chì cùng nhiều trí thức tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong, giành chính quyền tại Sài Gòn. Đêm 24-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa ở TP. Sài Gòn - Chợ Lớn và tại khắp các tỉnh Nam bộ thành công, toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Sáng sớm ngày 25-8, GS Nguyễn Văn Chì có sáng kiến chủ động tiếp quản Nha Học chánh Nam kỳ của thực dân Pháp.

Trong hồi ký tựa đề “Một mùa thu nhớ mãi”, GS Nguyễn Văn Chì kể rằng: “Cách mạng Tháng Tám hùng vĩ nổ ra. Tại Sài Gòn, tôi cùng mấy chục anh em giáo chức, đa số là thầy giáo tiểu học tiến về Nha Học chánh (nay là Sở Giáo dục TP. Hồ Chí Minh). Nha Học chánh thường ngày có thằng Tây giám đốc ngồi làm việc. Sáng đó, nó trốn mất. Chúng tôi, gồm các anh Đặng Minh Trứ, Lê Văn Chí, Trần Văn Nguyên, Võ Văn Nhung và nhiều giáo chức trung học, tiểu học, tay không bước vô Nha Học chánh, chia nhau đi hết tầng trên, tầng dưới mời số công chức làm việc trong các phòng ra nói chuyện, cho họ biết: Kể từ hôm nay, họ sẽ làm việc cùng chúng tôi. Lá cờ đỏ sao vàng được giương cao. Cùng ngày đó, anh em họp “bầu tôi” làm Giám đốc Nha Học chánh…”.

Sau khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, GS Nguyễn Văn Chì không trở lại dạy học cho Pháp, mà đi bán kim, bán chỉ để sống qua ngày. Tuy cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, nhưng GS tích cực hoạt động trong Liên đoàn Viên chức Sài Gòn - Chợ Lớn và một số tổ chức yêu nước bán công khai, vững tin vào cách mạng. GS kể rằng: “Từ ngày chúng tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Ái Quốc, anh em trí thức yên tâm, hoàn toàn tin tưởng vào tiền đồ cách mạng…”.

GIÁM ĐỐC ĐẦU TIÊN CỦA SỞ GIÁO DỤC NAM BỘ  

 Trong Chỉ thị của Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam bộ, đã kêu gọi công chức bất hợp tác với Pháp, là cơ hội để GS Nguyễn Văn Chì thực hiện hoài bão của mình, ra bưng biền trực tiếp tham gia chống “giặc dốt”. Đầu năm 1947, tổ chức cử người đón GS Nguyễn Văn Chì và GS Đặng Minh Trứ bí mật ra Đồng Tháp Mười - “thủ phủ” của Nam bộ kháng chiến. GS Nguyễn Văn Chì được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Sở Giáo dục Nam bộ, thành lập tháng 8-1947.

Dù chiến tranh ác liệt nhưng hoạt động giáo dục ở các vùng giải phóng vẫn được duy trì  thường xuyên, liên tục. 			                                                                                Ảnh: tư liệu
Dù chiến tranh ác liệt nhưng hoạt động giáo dục ở các vùng giải phóng vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục. Ảnh: tư liệu

Cùng lúc ấy, Viện Văn hóa kháng chiến Nam bộ cũng được thành lập, Giám đốc là GS Hoàng Xuân Nhị, từ Pháp về thẳng bưng biền Đồng Tháp Mười, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 2 cơ quan này được giao chức năng, nhiệm vụ chung là hoàn thành xóa mù chữ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho kháng chiến. Thời gian ở Đồng Tháp Mười tuy không lâu, nhưng Sở Giáo dục Nam bộ đã mở Trường Trung học Thái Văn Lung và các trường trung học nội trú trong chiến khu để thực hiện tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền Nam bộ về việc nâng cao trình độ học vấn, “biến con em nông dân thành trí thức cách mạng”, phục vụ trường kỳ kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, có tính đến kiến quốc sau này.

GS Nguyễn Văn Chì rất tâm huyết với việc xóa mù chữ cho hàng triệu đồng bào, phát triển hệ thống giáo dục tiểu học ngoại trú và nội trú khắp các vùng do chính quyền cách mạng quản lý ở toàn Nam bộ và ở cực Nam Trung bộ. Sau khi xóa mù chữ, biết đọc biết viết, người lớn tiếp tục học các lớp “dự bị bình dân” để khỏi mù chữ trở lại. Các lớp này còn dạy cho học sinh lớn tuổi một số kiến thức phổ thông về khoa học và “đời sống mới”, như bốn phép toán, vệ sinh ăn ở, chống mê tín dị đoan…

Trẻ em được học các trường tiểu học theo chương trình và sách giáo khoa do Sở Giáo dục Nam bộ cung cấp. Đâu đâu cũng có trường tiểu học ngoại trú, gồm 4 lớp. Nơi nào điều kiện an ninh cho phép, nhất là ở miền Trung và miền Tây Nam bộ, thì mở các trường tiểu học nội trú cho con em cán bộ, gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 70 trường tiểu học nội trú.

Với đà thắng lợi của cuộc kháng chiến, các vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, các trường tiểu học ngày càng nhiều, nhu cầu giáo viên ngày càng lớn. Vì lẽ đó, Sở Giáo dục Nam bộ quyết định thành lập Trường Sư phạm Nam bộ, do GS Nguyễn Văn Chì trực tiếp làm Hiệu trưởng, đào tạo thường xuyên giáo viên tiểu học. Trường đóng tại Rạch Tắc, vùng Cái Tàu của huyện U Minh, tỉnh Bạc Liêu (cũ), với quy mô tương đối lớn và khá hoàn chỉnh, có lớp bổ túc văn hóa cho các giáo sinh chưa đủ trình độ học vấn và các lớp thực hành. Trường mở hai khóa liên tục, đào tạo được 250 giáo viên tiểu học.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, GS Nguyễn Văn Chì được phân công ở lại miền Nam tham gia đấu tranh chính trị, hoạt động trong Nghiệp đoàn Giáo dục tư thục. Năm 1960, GS Nguyễn Văn Chì bị giặc bắt giam trong 7 năm tại các nhà tù khét tiếng tàn ác: Biên Hòa, đề lao Gia Định, các khám Chí Hòa, Phú Lợi… Mặc dù bị địch tra tấn dã man, nhưng GS vẫn luôn giữ vững khí tiết của một nhà giáo cách mạng. Năm 1967, trước sự đấu tranh quyết liệt của giáo giới và công luận, địch buộc phải trả tự do cho GS. Năm 1968 ra tù, GS bí mật vào chiến khu Đông Nam bộ để tiếp tục sự nghiệp giáo dục.

Lúc đầu, GS công tác tại Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam, chung với các GS Lê Văn Chí và Nguyễn Văn Kiết; sau đó, được cử giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Gia Định. Với danh nghĩa đó, GS Nguyễn Văn Chì được mời tham dự Đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tháng 6-1969) và được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội. Từ tháng 7-1975, GS Nguyễn Văn Chì được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho đến khi về hưu năm 1983. Năm 1989, GS mất tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 86 tuổi, mộ tọa lạc tại xã nhà.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.