Thứ Tư, 17/11/2021, 09:49 (GMT+7)
.
TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TIỀN GIANG:

Người thầy không ngừng sáng tạo, thích ứng tình hình mới

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, là điểm sáng về giáo dục của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2021), phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang.

* Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đâu được xem là những nhiệm vụ trọng yếu đặt ra cho toàn ngành để nâng chất GD-ĐT tỉnh nhà?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Trong giai đoạn 2020 - 2025, toàn ngành tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng GD-ĐT, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh theo tinh thần “Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực” với những định hướng sau:

Thứ nhất, tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở GD-ĐT, quy mô trường lớp từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến các trường trung cấp, cao đẳng, đại học một cách khoa học, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Từng bước xây dựng, kiện toàn và nâng chất hoạt động của Hội đồng trường theo Luật Giáo dục năm 2019. Thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở quy hoạch và đạt chuẩn các vị trí chức danh quản lý giáo dục; thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên.

Thứ ba, tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Thực hiện mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo các mục tiêu về giáo dục cần đạt được đối với từng cấp học theo Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, dạy và học trong nhà trường.

Thứ tư, thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc mầm non 70%, tiểu học 80%; THCS 70% và bậc THPT 70%. Thứ năm, tiếp tục phát huy tốt các nguồn lực; xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa. Thực hiện xã hội hóa sự nghiệp giáo dục hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân. Đẩy mạnh hợp tác giáo dục trong nước và quốc tế theo nguyên tắc các bên cùng có lợi. Đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích nghi một cách linh động, sáng tạo với môi trường và nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

* PV: Ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ra sao, thưa đồng chí?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhà giáo trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình đổi mới. Toàn ngành có trên 19.139 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, nhà giáo tỉnh nhà đã có ý thức chính trị sâu sắc, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Nhiều giáo viên đã nỗ lực sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều giáo viên đã không ngại vượt khó, bám trường, bám lớp để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Ngành GD-ĐT đang triển khai Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhằm mục tiêu xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo các quy định hiện hành; đồng thời, từng bước nâng cao và chuẩn hóa về trình độ đào tạo, nâng chất toàn diện, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về tư tưởng chính trị, mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống.

Thường xuyên cập nhật phương pháp giảng dạy, kiến thức, kỹ năng mới cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đủ trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

* PV: Theo Tiến sĩ, vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay có gì khác so với trước đây, đặc biệt là trong bối cảnh toàn ngành GD-ĐT đang thực hiện đổi mới?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Nếu như trước đây xã hội biết đến người thầy với vai trò là người truyền đạt tri thức, thì hiện nay người thầy được biết đến với vai trò, trọng trách vô cùng to lớn, không chỉ dừng lại ở truyền đạt tri thức cho học trò.

Theo đó, trong xã hội hiện nay mà nhiều người vẫn thường hay gọi là “thời đại 4.0”, đòi hỏi người thầy không chỉ dạy chữ, truyền đạt tri thức, mà phải biết quan tâm, chăm sóc, tìm hiểu học sinh bằng cả trái tim, lòng bao dung, biết khơi dậy và phát triển nội lực của học sinh.

Tiến sĩ Lê Quang Trí thăm, động viên  học sinh ở Trường THCS Phú Đông, huyện Tân Phú Đông.
Tiến sĩ Lê Quang Trí thăm, động viên học sinh ở Trường THCS Phú Đông, huyện Tân Phú Đông.

Đứng trước bối cảnh đổi mới giáo dục, mà trước mắt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc truyền thụ tri thức của người thầy trong xã hội hiện nay không còn là việc truyền dạy “một chiều” như trước, mà người thầy phải chủ động, hỗ trợ, dẫn dắt, truyền dạy kỹ năng cho học sinh, nghĩa là hướng đến yêu cầu thực hành chứ không phải lý thuyết suông như trước đây.

Bên cạnh đó, người thầy không ngừng tự học, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, vấn đề xuyên suốt đi theo mỗi cuộc đời của ai đã chọn nghề giáo là phải gương mẫu ngay trong cả lời nói và hành động.

* PV: Trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, người thầy cần làm gì để thích ứng tình hình mới?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Để đáp ứng những yêu cầu đổi mới của sự nghiệp GD-ĐT hiện nay, người thầy luôn phải tự thân phấn đấu rất cao; gương mẫu trong lời nói và hành động; không ngừng tự học, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đặc biệt là không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy thích ứng tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, theo tôi, tinh thần lao động của người thầy không chỉ dừng lại ở tinh thần trách nhiệm, mà đòi hỏi phải có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, trăn trở về nghề. Người thầy phải hiểu sâu sắc và sống có trách nhiệm với sự tôn vinh cao quý mà xã hội đã tin tưởng; phải là nhà giáo dục biết lắng nghe, biết thấu hiểu và chia sẻ với mọi người…

Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2021), tôi mong rằng, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà không ngừng nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình hơn nữa; xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải năng động, sáng tạo, vượt lên những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự kính trọng, tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.

Tôi thân ái gửi lời chúc đến quý thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, đặc biệt là sẽ có nhiều tâm huyết, phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”, cùng toàn ngành đưa sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ?

ĐỖ PHI (thực hiện)

.
.
.