Thứ Hai, 15/11/2021, 09:30 (GMT+7)
.

Xử lý F0 thế nào nếu xảy ra trong trường học?

Tân Phú Đông là huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang cho học sinh đến trường hơn 1 tuần qua. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện đã được kiểm soát nhưng những ngày qua, huyện Tân Phú Đông đã ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Điều này làm cho nhiều phụ huynh lo lắng khi cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Do đó, vấn đề đặt ra là ngành chức năng sẽ xử lý thế nào khi có ca F0 xảy ra trong trường học mà không ảnh hưởng đến tâm lý, tiến độ học tập của học sinh.

Hơn 1 tuần cho học sinh khối lớp 9 và 12 trở lại trường theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, đến thời điểm hiện tại, tình hình trở lại trường học của học sinh cơ bản diễn ra thuận lợi. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các trường kích hoạt ở mức cao nhất. Tuy nhiên, những ngày qua, do xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng nên tại các trường học, một số phụ huynh đã cho học sinh nghỉ tại nhà học trực tuyến.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười cùng lãnh đạo ngành Giáo dục trao đổi với giáo viên  Trường THCS Phú Đông.
Đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cùng lãnh đạo ngành Giáo dục trao đổi với giáo viên Trường THCS Phú Đông trong chuyến kiểm tra thực tế tình hình dạy và học của học sinh khối lớp 9 và 12 ở huyện Tân Phú Đông vào ngày 12-11.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phú Đông Phạm Minh Tâm cho biết, có ba kinh nghiệm mà huyện rút ra qua 1 tuần cho học sinh trở lại trường. Thứ nhất, việc đeo khẩu trang, sát khuẩn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Thứ hai, giữ khoảng cách trong giao tiếp, hạn chế tối đa việc đi ra ngoài lớp học cùng lúc khi không cần thiết, đặc biệt là giờ ra chơi. Thứ ba, quán triệt với học sinh thực hiện nghiêm việc di chuyển từ nhà đến lớp học và ngược lại, tuyệt đối không ghé bất cứ nơi nào. Bên cạnh đó, các trường cũng đã tính toán, lên phương án ứng phó, đặc biệt là nếu xảy ra trường hợp F0 trong trường học. Chính vì vậy, các trường đều có bố trí phòng cách ly tạm thời.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, ngành Y tế đã có hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý khi có trường hợp F0 xảy ra trong trường học. Thứ nhất, nhà trường kích hoạt ngay phương án phòng, chống dịch tại trường học. Ban Giám hiệu trường báo ngay qua đường dây nóng đến trung tâm y tế hay trạm y tế gần nhất trên địa bàn để được hỗ trợ; hoặc báo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được hướng dẫn xử lý liên quan đến chuyên môn y tế.

Thứ hai, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của trường ban hành quyết định phong tỏa tạm thời trong phạm vi hẹp nhất có thể (lớp học, tầng học, khu vực ký túc xá,…) nơi có F0 đang học, lưu trú theo tình hình thực tế. Thứ ba, thông báo cho toàn thể học sinh (sinh viên), giáo viên, người lao động… nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K; trấn an, không để học sinh, giáo viên, người lao động hoang mang, lo lắng.

Thứ tư, yêu cầu Tổ Covid trong trường học phân luồng, tạo lối đi riêng và hướng dẫn F0 di chuyển theo lối đi đã được phân luồng từ khu vực có F0 đến phòng cách ly tạm thời. Hạn chế di chuyển bằng thang máy, hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn thang máy đúng quy định ngay sau khi sử dụng.

Thứ năm, tạm ngưng hoạt động tại lớp học, phòng học, tầng học hoặc khu vực có F0 để vệ sinh khử khuẩn; điều tra xác định quy mô, tính chất ổ dịch: Nếu F0 ở 1 lớp học thì xử lý trên quy mô lớp học; nếu F0 ở từ 2 lớp học trở lên trong cùng 1 tầng thì xử lý trên quy mô 1 tầng; nếu F0 ở từ 2 tầng trở lên nhưng ở các tầng khác nhau và không có mối liên quan dịch tễ với nhau thì chỉ xử lý trên quy mô từng tầng; nếu F0 ở từ 2 tầng trở lên ở các tầng khác nhau và có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý trên quy mô toàn trường.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Diệp, tùy vào mức độ của dịch, sau 24 giờ khử khuẩn có thể tiếp tục mở lại lớp học, đưa giáo viên, học sinh lớp khác sang học bình thường. Đề nghị báo cáo về trung tâm y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được hỗ trợ trước khi cho học sinh đi học lại. Sau khi thực hiện các quy trình xử lý, đưa F0 đến cơ sở cách ly, điều trị sẽ tiến hành rà soát, thần tốc truy vết những người tiếp xúc gần để có biện pháp xử lý, xét nghiệm, cách ly y tế một cách nhanh nhất không để dịch lây lan”.

Đ.PHI

.
.
Liên kết hữu ích
.