.

Tiền Giang: 4 kết quả nổi bật của ngành Giáo dục - Đào tạo năm 2021

Cập nhật: 07:48, 01/01/2022 (GMT+7)

Năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động của tình hình dịch Covid-19, nhưng bằng các giải pháp thích ứng, linh hoạt và sáng tạo ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, trong đó có 4 kết quả nổi bật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kiểm tra công tác dạy học trực tiếp tại huyện Tân Phú Đông vào ngày 19-11-2021.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kiểm tra công tác dạy học trực tiếp tại huyện Tân Phú Đông vào ngày 19-11-2021.

1. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo ngày càng nâng cao chất lượng và đảm bảo số lượng

Năm 2021, toàn ngành GD-ĐT đã tổ chức rà soát đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Toàn ngành có 16.865 giáo viên và 2.274 nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn trở lên theo Luật Giáo dục năm 2019 ở các cấp học: Giáo dục mầm non có 2.972/3.658 giáo viên (tỷ lệ 81,25%); Giáo dục tiểu học có 4.395/6.215 giáo viên (tỷ lệ 70,72%); THCS 3.075/4.818 giáo viên (tỷ lệ 63,82%); THPT 2.172/2.174 giáo viên (tỷ lệ 99,99%).

Trong năm, ngành GD-ĐT đã tổ chức tập huấn trực tuyến các Modul theo Chương trình GDPT mới 2018 cho khoảng 12.000 cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông để trang bị về kiến thức, kỹ năng dạy học trực tuyến. Rà soát danh sách quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý của các đơn vị để giới thiệu tham gia lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý năm 2021 cho 313 giáo viên, cán bộ quản lý các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và quản lý Phòng GD-ĐT.

2. Hệ thống cơ sở vật chất đầu tư, trang bị ngày càng hoàn chỉnh

Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị ngày càng hoàn chỉnh đáp ứng cho việc thực hiện Chương trình GDPT mới 2018. Năm 2021, ngành đã tổ chức triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 theo các Thông tư  43, 44 ngày 3-11-2020 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6. Tổ chức hướng dẫn các cơ sở giáo dục mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến.

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ trường đạt chuẩn đảm bảo theo Nghị quyết 27 ngày 10-12-2020 của HĐND tỉnh. Toàn tỉnh có 315 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 60,81%); trong đó mầm non 98 trường (52,41%); tiểu học 133 trường (78,24%); THCS 64 trường (52,03%); THPT 20 trường (52,63%).

3. Chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng lên

Trước ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã chuyển từ hình thức dạy học tập trung trực tiếp sang dạy học trực tuyến. Năm 2021, ngành đã chủ động kịp thời điều chỉnh và hoàn thành kế hoạch năm học. Theo đó, Sở GD-ĐT đã hoàn thành việc tổ chức dạy và học học kỳ II, tổng kết năm học 2020 - 2021 theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng giáo dục. Tổ chức thành công Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, có 23.146 học sinh tốt nghiệp THCS và 16.642 học sinh trúng tuyển vào lớp 10, đạt tỷ lệ 71,9% so với học sinh tốt nghiệp THCS và 88,15% so với học sinh dự thi (18.879 học sinh).

Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 1 và đợt 2), kết quả có 15.895/16.015 học sinh đậu tốt nghiệp THPT (đạt tỷ lệ 99,25%). Dù chuyển đổi sang hình thức dạy học trực tuyến nhưng chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo, điểm trung bình thi THPT năm 2021 là 6,631 điểm, xếp hạng thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 2 bậc so với năm 2020).

Hoàn thành Bộ tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Tiền Giang đối với lớp 1, lớp 6; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi phụ huynh, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong việc lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 và được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khóa X thông qua các Nghị quyết thu hút mầm non, chính sách hỗ trợ đối với giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; Nghị quyết có liên quan về hồ bơi, miễn giảm học phí… Các nghị quyết này góp phần hỗ trợ giải quyết những khó khăn của ngành GD-ĐT tỉnh nhà về chế độ chính sách, con người, kinh phí… góp phần từng bước nâng chất lượng giáo dục.

4. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động dạy và học.

Dù ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng, nhưng tập thể Ban Giám đốc Sở GD-ĐT kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp an toàn công tác phòng, chống dịch. Sau Tết Nguyên đán 2021, Tiền Giang là một trong rất ít địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cho học sinh học trực tiếp trở lại, nhưng ngành GD-ĐT của tỉnh đã có những giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K”, không để dịch bệnh lây lan.

Phối hợp Sở Y tế tổ chức rà soát, tiêm vắc xin cho giáo viên và học sinh trong toàn ngành. Kết quả, có 119.885/124.205 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đã tiêm vắc xin (tỷ lệ 96,5%); số cán bộ, giáo viên, người lao động được tiêm vắc xin là 20.733/20.393 người (tỷ lệ 98,4%).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành đã linh động có giải pháp để tổ chức học trực tuyến. Sau khi tình hình dịch bệnh của tỉnh được kiểm soát, từ ngày 8-11-2021, đã tổ chức cho học sinh khối 9 và 12 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đi học tập trung trực tiếp trở lại, với tỷ lệ học sinh đến trường luôn duy trì ở mức 90%. Công tác tổ chức dạy học trực tiếp bước đầu ổn định, bảo đảm an toàn, được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao trong chuyến công tác tại Tiền Giang vào ngày 19-11-2021.

Hiện ngành GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh trở lại trường học trực tiếp tuân thủ theo phương châm “An toàn mới đến trường, đến trường phải an toàn”, đảm bảo các điều kiện học sinh tiêm đủ liều vắc xin, thực hiện nguyên tắc “5K”, tổ chức học 1 buổi… Trước mắt, việc tổ chức dạy học trực tiếp sẽ tiếp tục ở khối 10 huyện Tân Phú Đông; khối 9 và 12 ở các huyện, thành, thị còn lại vào ngày 3-1-2022.

HOÀNG NGUYỄN

.
.
.