.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: "Chìa khóa" nâng chất lượng giáo dục

Cập nhật: 08:15, 06/01/2022 (GMT+7)

Cùng với việc triển khai các hoạt động dạy và học cũng như phòng, chống dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia (TCQG) ở các bậc học từ mầm non đến THPT. Xây dựng TCQG không chỉ góp phần làm khang trang diện mạo trường lớp, mà còn là “chìa khóa” nâng chất lượng giáo dục.

NHỮNG TÍN HIỆU KHẢ QUAN 

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, công tác xây dựng TCQG  của tỉnh đã đi vào nền nếp. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng TCQG.

Theo đó, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 315 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 60,81%), trong đó bậc mầm non 98 trường (52,41%); tiểu học 133 trường (78,24%); THCS 64 trường (52,03%); THPT 20 trường (52,63%).

Là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng xác định xây dựng TCQG là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Tân Phước đã tham mưu UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng TCQG cấp huyện và cơ sở. Theo đó, huyện đã tổ chức tuyên truyền triển khai 5 tiêu chuẩn của TCQG theo quy định của Bộ GD-ĐT đến từng trường học và chính quyền cơ sở.

Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong quy hoạch đầu tư quỹ đất đáp ứng yêu cầu xây dựng TCQG, quy hoạch lại hệ thống mạng lưới trường lớp theo hướng đầu tư xây dựng mới ở nơi thuận lợi nhất trên địa bàn dân cư để nâng chất dạy và học.

Đến nay, toàn huyện có 21 TCQG, trong đó có 5/9 trường mầm non, 11/12 trường tiểu học, 5/6 trường THCS. Việc xây dựng TCQG của huyện Tân Phước, còn góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 5 về xây dựng nông thôn mới. 

Ngành GD-ĐT Tiền Giang  đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất,  xây dựng TCQG ở các bậc học.
Ngành GD-ĐT Tiền Giang đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng TCQG ở các bậc học.

Công tác xây dựng TCQG trên địa bàn huyện Cai Lậy cũng có nhiều khởi sắc. Đến nay, huyện có 27 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, gồm 7 trường mầm non, 13 trường tiểu học và 7 trường THCS.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy Huỳnh Văn Chẳng cho biết, trong năm 2021, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng huyện Cai Lậy phấn đấu hoàn thiện hồ sơ để công nhận Trường Mầm non Tân Phong đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng chất giáo dục trên địa bàn huyện.

Trong năm 2021, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng ngành GD-ĐT tỉnh đã tập trung rà soát, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhiều trường học vùng nông thôn khang trang, sạch đẹp với đầy đủ các phòng thư viện, thực hành thí nghiệm, chức năng…

Theo đó, toàn tỉnh có 9.420 phòng học ở bậc giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó có 7.345 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 78,4% so tổng số phòng).

TIẾP TỤC PHẤN ĐẤU

Đánh giá về công tác xây dựng TCQG trong thời gian qua, Tiến sĩ Lê Quang Trí cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng công tác xây dựng TCQG của tỉnh cũng đã bộc lộ không ít khó khăn nhất định, tỷ lệ TCQG ở bậc THCS và THPT của tỉnh còn khá thấp, chỉ đạt khoảng 50%.

Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu của các địa phương, đơn vị. Nguồn kinh phí phục vụ cho việc đầu tư xây dựng thay thế số phòng học bán kiên cố ngày càng xuống cấp và bổ sung phòng học mới để tiếp nhận học sinh gia tăng chưa được đáp ứng thỏa đáng.

Để việc xây dựng TCQG ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa những giá trị tích cực, thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và có lộ trình cụ thể từng năm để triển khai thực hiện. Cùng với việc xây dựng nông thôn mới, ngành GD-ĐT sẽ tham mưu với UBND tỉnh và phối hợp với các huyện, thị, thành trong triển khai đầu tư xây dựng TCQG. Trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành GD-ĐT đặt ra chỉ tiêu sẽ xây dựng 70 trường mầm non; 26 trường tiểu học; 39 trường THCS và 14 trường THPT đạt TCQG.

Tiến sĩ Lê Quang Trí cho rằng, công tác xây dựng TCQG của Tiền Giang trong thời gian qua đã đi đúng hướng, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tập trung, chuẩn hóa và không dàn trải; đầu tư trang thiết bị có trọng điểm để tạo tính đồng bộ. Với mục tiêu phấn đấu tới năm 2025, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ đạt 70% số trường cấp mầm non, THCS, THPT và 80% số trường ở cấp tiểu học xây dựng đạt TCQG.

Để thực hiện đạt mục tiêu này, ngành GD-ĐT sẽ tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công tác nâng chất giáo dục, thường xuyên tự đánh giá trường học theo các tiêu chuẩn kiểm định do Bộ GD-ĐT ban hành, xem đó là thước đo và làm căn cứ cho việc phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Bên cạnh đó, ngành sẽ có kế hoạch cụ thể, phối hợp với các  địa phương trong việc chọn các trường học để quy hoạch xây dựng TCQG ở từng năm học.

T. PHƯƠNG

.
.
.