Thứ Bảy, 16/04/2022, 08:56 (GMT+7)
.

Cần ứng xử văn hóa, trách nhiệm trên mạng xã hội

Dư luận những ngày qua hết sức bàng hoàng với liên tiếp các câu chuyện tự tử thương tâm của các em học sinh, trong đó xôn xao dư luận là trường hợp của một nam học sinh tại một trường THPT chuyên ở Hà Nội. Trong chúng ta ai cũng bàng hoàng xúc động và không khỏi thương xót trước phản ứng tiêu cực của em. Từ câu chuyện này những ngày qua báo chí, mạng xã hội đã phân tích nhiều về nguyên nhân cũng như bài học rút ra cho các bậc phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

Tuy nhiên bên cạnh việc một số tờ báo tuyên truyền định hướng thông tin theo chiều hướng tích cực thì một bộ phận không nhỏ các trang web, báo điện tử, nhất là các chủ tài khoản Facebook, KOLs (người dẫn dắt tư tưởng) đã lan truyền hình ảnh, đoạn clip ghi lại cảnh nam sinh trèo qua ban công tự tử và bức thư tuyệt mệnh trên khắp các trang mạng xã hội khiến nhiều người bàng hoàng, phẫn nộ. Hành động này càng xoáy sâu vào nỗi đau của gia đình nạn nhân và là hành vi vi phạm quyền riêng tư, quyền trẻ em và thiếu tính nhân văn, tác động tiêu cực đến gia đình nạn nhân và gây bức xúc trong dư luận.

Theo chia sẻ của nhiều học sinh học chung lớp với nam sinh tự tử trong một phóng sự phát trên kênh VTV1, các em vô cùng thương xót trước sự ra đi đột ngột của bạn và điều các em cảm thấy ghê sợ hơn đó là sự ứng xử của cộng đồng mạng trước sự việc thương tâm của bạn mình. Những chia sẻ thiếu kiểm chứng, những thông tin về gia đình của nạn nhân bị cộng đồng mạng “truy cùng đuổi tận”; cùng những lời bình luận cay nghiệt dành cho cha mẹ nạn nhân trên mạng xã hội khiến cho các em học sinh cảm thấy sợ hãi đến nỗi nhiều em phải khóa tài khoản Facebook.

Tại Việt Nam, những năm trở lại đây đã ghi nhận không ít trường hợp tự tử vì bị nói xấu, công kích trên mạng xã hội. Nhiều tài khoản cá nhân tại Việt Nam lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng và cộng đồng mạng xã hội “kết tội” khiến nhiều người uất ức có những hành động thiếu kiểm soát hoặc nặng hơn là tự tìm đến cái chết.

Chắc hẳn trong chúng ta còn nhớ vụ tiêu hủy đàn chó 15 con làm cho Trưởng trạm Y tế xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) phải viết đơn xin nghỉ việc ngay trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lực lượng y tế thiếu người mà nguyên nhân chủ yếu cũng từ sự tấn công của mạng xã hội. Theo đó, nhiều mạng xã hội “quy chụp” cho rằng, người quyết định tiêu hủy đàn chó 15 con là Trưởng trạm Y tế xã Khánh Hưng nên nhiều cư dân mạng chửi bới, xúc phạm không chỉ đối với bản thân nữ cán bộ y tế này, mà ngay cả gia đình chị cũng bị tấn công, hăm dọa, khủng hoảng tinh thần khiến chị không chịu được áp lực nên phải làm đơn xin thôi việc.

Xét ở khía cạnh tâm lý, với những người trưởng thành, tư duy mạch lạc, sự chia sẻ hay tham dự vào mạng xã hội thường không để lại hậu quả. Nhưng với những người có sự hạn chế về mặt nhận thức, đặc biệt là vị thành niên và những người đang gặp bế tắc trong cuộc sống, sự chia sẻ có thể tạo ra những hiệu ứng khó lường. Những comment, share mang tính nói xấu, bôi nhọ sẽ làm đối tượng cảm thấy méo mó hình ảnh của bản thân và khiến người khác bị tổn thương về tinh thần. Không ít sự việc tự tử vì không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội là minh chứng rõ ràng. Chính vì vậy, mọi người cần cẩn trọng trong cách hành xử khi tham gia mạng xã hội, nhất là tham gia bình luận.

Có thể thấy, những sự việc hình ảnh, clip bị đưa lên mạng xã hội và bị bạn bè, cộng đồng mạng bình phẩm, chia sẻ đang là hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy mà mạng xã hội hay những trang báo “lá cải” mang lại. Những tác động của các vụ việc đã và đang diễn ra ở Việt Nam là không nhỏ. Mạng xã hội ảo nhưng những tổn thương và những cái chết là thật. Vì vậy, dù đã có không ít bài báo, diễn đàn, hội thảo nói về việc tác hại của mạng xã hội, để mỗi người nâng cao ý thức, có trách nhiệm hơn trong mỗi cái “nhấp chuột”, nhưng vẫn thấy cần thiết phải tiếp tục tuyên truyền để làm sao sử dụng mạng xã hội mang lại những tác động tích cực. Còn đối với mỗi người khi tham gia mạng xã hội hoặc đọc tin tức cần tỉnh táo trước mọi thông tin và sử dụng mạng xã hội một cách có trí tuệ. Có như vậy mới góp phần làm cho xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn và nhân văn hơn!

GIA TUỆ - PHƯƠNG NAM

 

.
.
.