Thứ Hai, 09/05/2022, 14:12 (GMT+7)
.

Để việc dạy và học môn Lịch sử hấp dẫn và hiệu quả

Lịch sử không chỉ đơn thuần là môn học, mà qua đó còn giáo dục cho học sinh lòng yêu nước và truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Việc hiểu, tự hào về các giá trị truyền thống lịch sử dân tộc giúp học sinh có hành động và thái độ ứng xử đúng đắn, góp phần khẳng định giá trị con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

 Tiết học môn Lịch sử của học sinh Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho.
Tiết học môn Lịch sử của học sinh Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là học sinh ở các trường phổ thông không mặn mà với môn Lịch sử. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó phương pháp dạy và học chưa phù hợp là nguyên nhân chính làm cho môn Lịch sử chưa thật sự hấp dẫn với học sinh.

CHƯA HẤP DẪN HỌC SINH

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, nền giáo dục của nước ta không ngừng hội nhập, phát triển. Hòa vào dòng chảy đổi mới, bên cạnh những yếu tố tích cực, sự nghiệp giáo dục cũng nảy sinh, bộc lộ nhiều mặt hạn chế nhất định. Mỗi môn học, mỗi đặc thù riêng, được kết hợp nhuần nhuyễn trong quá trình giáo dục ở các bậc học, tất cả với mục tiêu góp phần hình thành nền tảng kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn đối với môn Lịch sử là tỷ lệ học sinh chọn môn này để học, để thi quá ít, học sinh giỏi môn sử không nhiều, tình trạng học để đối phó đã và đang diễn ra ở nhiều bậc học.

 
Hiện nay, tâm lý của nhiều phụ huynh trong việc chọn ngành nghề luôn muốn con em mình vào những trường thuộc các ngành khoa học kỹ thuật, dịch vụ, ngân hàng, kinh tế… làm cho học sinh thường rất “nhạt” với các môn Khoa học xã hội. Thực tế qua việc chọn bài thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn Trường THPT Vĩnh Kim chỉ có 3 lớp Khoa học xã hội, trong khi Khoa học tự nhiên có đến 8 lớp. Mặc dù chúng ta đã làm tốt công tác định hướng, tư vấn hướng nghiệp ngay từ ban đầu, nhưng cũng khó trách học sinh vì đây là xu hướng chung hiện nay. Câu chuyện về các môn Khoa học xã hội nói chung, môn Lịch sử nói riêng từ bấy lâu nay luôn là nỗi trăn trở của ngành Giáo dục.
 
THẦY TRẦN TRỌNG HƯNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT VĨNH KIM, HUYỆN CHÂU THÀNH, TỈNH TIỀN GIANG.

Minh chứng cho việc này là trong suốt nhiều Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, dư luận không khỏi lo lắng trước điểm thi môn Lịch sử rất thấp, năm nào cũng xếp vị trí cuối bảng so với các môn khác. Mặc dù, thực trạng đáng buồn này đã được báo động từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có những chuyển biến rõ nét.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua, tại Tiền Giang, môn Lịch sử có 52,73%  học sinh trên trung bình, “đội sổ” về kết quả thi của các môn ở kỳ thi này và nhìn lại các Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, điểm môn Lịch sử cũng không khả quan hơn, luôn ở tình trạng “báo động đỏ” về điểm số thấp. Cụ thể, năm 2018, chỉ có 18,45% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên; năm 2019 là 32,8%, năm 2020 là 55,46%.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, giáo viên dạy môn Lịch sử của một trường học tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, giáo dục môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập.  Số lượng học sinh giỏi ở môn học này ngày càng ít, trong khi các bộ môn khác, học sinh tự nguyện đăng ký bồi dưỡng học sinh giỏi thì với môn Lịch sử, giáo viên phải “đãi cát tìm vàng” vì không có nguồn. Mỗi năm học để kiếm học sinh vào đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử là cả vấn đề, chỉ được khoảng 3 học sinh, năm nào cao lắm cũng được khoảng 5 học sinh.

Đó mới chỉ là công tác tuyển chọn học sinh giỏi, còn ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia thì số học sinh tỉnh Tiền Giang đoạt giải ở môn Lịch sử chỉ đếm trên đầu ngón tay, có năm không có học sinh nào đoạt giải. Thi học sinh giỏi là vậy, còn thi tốt nghiệp THPT cũng rất ít học sinh chọn môn Lịch sử, mỗi lớp tối đa từ 8 đến 10 học sinh, cả trường tầm khoảng 100 em. Lựa chọn môn Lịch sử chủ yếu vì nằm trong tổ hợp Khoa học xã hội chứ các em không mấy mặn mà.

NHỮNG TỒN TẠI Ở MÔN HỌC LỊCH SỬ

Khảo sát ý kiến của nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến môn Lịch sử mất sức hút với học sinh, trong đó nguyên nhân chính được cho là phương pháp dạy chưa phù hợp với bộ môn đặc thù này. Theo những giáo viên có thâm niên trong nghề, bất kỳ môn học nào muốn cuốn hút được học sinh thì đòi hỏi người dạy phải có phương pháp và chương trình sách giáo khoa cân đối, hoàn chỉnh.

Tuy nhiên từ thực tế giảng dạy, nhiều giáo viên cho rằng, có một tồn tại cố hữu trong suốt nhiều năm qua trong các sách giáo khoa Lịch sử là chương trình quá dài, ôm đồm rất nhiều nội dung, kết cấu nhiều bài học còn lan man, nặng về số liệu, sự kiện là chính, chưa định hướng nội dung trọng tâm cho học sinh.

Bên cạnh những giờ học Lịch sử trên lớp, các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại các di tích lịch sử. (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè trong hành trình về “địa chỉ đỏ” truyền thống cách mạng trên địa bàn xã Hậu Mỹ Bắc A).                                                                                                                                                                                                         Ảnh:  PHI CÔNG
Bên cạnh những giờ học Lịch sử trên lớp, các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại các di tích lịch sử. (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè trong hành trình về “địa chỉ đỏ” truyền thống cách mạng trên địa bàn xã Hậu Mỹ Bắc A). Ảnh: PHI CÔNG

Thêm vào đó, cho đến nay, việc dạy học môn Lịch sử vẫn chưa phát huy năng lực, kỹ năng cho học sinh, chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều, phương pháp đơn giản. Theo thầy Lê Duy Khanh, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, thời đại công nghệ 4.0, máy móc thiết bị công nghệ hiện đại nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn chính là giáo viên phải truyền cảm hứng, gợi mở cho học sinh bày tỏ quan điểm, sự sáng tạo, hiểu biết của bản thân về một vấn đề nào đó thay vì chỉ đọc viết những sự kiện khô khan.

Những ngày qua khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT và môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong tổ hợp các môn Khoa học xã hội đã khiến dư luận băn khoăn lo lắng. Mới đây, trong đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri đặt vấn đề vì sao học sinh chán học môn Lịch sử và khi môn học này kén người học thì việc đưa môn Lịch sử trở thành môn tự chọn có phù hợp không.

Trong các môn học ở bậc phổ thông, Lịch sử luôn là môn học được coi trọng trong tâm thức cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về vấn đề này rất dễ hiểu và thiết thực: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Theo ý kiến của Hiệu trưởng một trường THPT tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, việc đổi mới hình thức thi cử là cần thiết nhưng phải xem xét tính đặc thù của từng môn học. Với các môn Khoa học xã hội, đặc biệt là môn Lịch sử chuyển từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm thì học trò rất lười học bài, các em lựa chọn đáp án theo sự may rủi.

Điều này vô tình làm cho các em có tâm lý đây là môn học không quan trọng, thi đánh liều miễn sao đủ điểm đậu. Trong khi nếu đề tự luận với những câu hỏi mở, tạo “đất” cho học sinh bày tỏ quan điểm, sự sáng tạo, hiểu biết của bản thân về một vấn đề nào đó chứ không phải “học vẹt” để đối phó. Chính lối tư duy này cũng làm cho các em học sinh không mặn mà học và tìm hiểu về lịch sử.

Đã từ lâu, trong tư duy của phụ huynh cũng như học sinh, những môn học như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh được mặc định là “môn chính” và các môn học còn lại, trong đó có môn Lịch sử được cho là “môn phụ”, chỉ học sinh chuyên khoa học xã hội mới cần học, và lẽ tất nhiên, số đông còn lại chỉ học để đối phó, lấy điểm qua môn.

Có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân học sinh không còn mặn mà với môn Lịch sử. Đứng trước bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì một lần nữa không riêng gì ngành Giáo dục cần có giải pháp thiết thực mà toàn xã hội phải có cách nhìn mới về môn Lịch sử để nâng chất dạy và học môn học này ở trường phổ thông trong thời gian tới.

GIA TUỆ - ĐỖ PHI

.
.
.