Thứ Bảy, 04/06/2022, 21:23 (GMT+7)
.

Khuyến khích tự chủ tuyển sinh

Thí sinh không bị bó hẹp cơ hội khi các trường đa dạng phương thức tuyển sinh. Ảnh: TTXVN
Thí sinh không bị bó hẹp cơ hội khi các trường đa dạng phương thức tuyển sinh. Ảnh: TTXVN

Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng, công tác tuyển sinh năm 2022 có tính chất giao thời trong giai đoạn 2022 - 2025. Về cơ bản, việc tuyển sinh vẫn ổn định như năm 2021, nhưng sẽ đẩy mạnh trách nhiệm tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Mùa tuyển sinh năm nay, đã có khoảng 20 phương thức được các trường đưa ra để xét tuyển.

Đa dạng phương thức tuyển sinh

Thực hiện Luật Giáo dục đại học và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ nay đến năm 2025, các trường được tự chủ cao trong tuyển sinh với nhiều phương thức gồm: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển và xét tuyển. 

PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích trường đại học chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo.

Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xây dựng và tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập. 

Về phía các cơ sở giáo dục đại học, năm 2022, lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trải rộng trên khắp cả nước với 16 lần thi. Hiện nay đã có hơn 50 trường đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được tổ chức tại 17 địa phương, tăng hơn năm 2021.

Đến nay đã có hơn 80 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Cả hai kỳ thi của hai đại học lớn đều tổ chức trước kỳ thi THPT, việc xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực được hoàn thành trước khi thí sinh thi THPT.

Nhiều trường đại học như Bách khoa Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức thêm kỳ thi riêng để xét tuyển. Nhiều trường đại học khác cũng đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Mặt khác, có những trường mạnh dạn bổ sung thêm phương thức tuyển sinh mới với các tiêu chí lần đầu tiên được áp dụng như hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu.

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thực hiện tự chủ tuyển sinh là giải pháp căn bản, lâu dài về thi tuyển và xét tuyển đại học không chỉ của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, mà còn của những trường tham gia sử dụng kết quả kỳ thi này. Nhóm xét tuyển miền bắc mà Trường đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì hiện có 54 trường.

Theo PGS Điền, đây là tiền đề thuận lợi để mở rộng số trường tham gia sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Trường sẽ kiên trì theo đuổi việc tổ chức tốt kỳ thi này với kỳ vọng giúp thí sinh có một kênh đánh giá thực chất, công bằng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc dự thi, giảm chi phí cho các em. Mặt khác, kỳ thi sẽ có tác động tích cực trở lại đối với việc dạy học ở trường phổ thông, hạn chế việc học sinh học tủ, học lệch.

“Kỳ thi trước hết là phục vụ nhu cầu tuyển sinh của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, bảo đảm chọn được những sinh viên có khả năng học tập tốt nhất cho chương trình đại học và sau đại học của trường. Vì thế, đề thi phải được thiết kế tốt để hạn chế thấp nhất việc học sinh trúng tuyển nhờ ôn luyện nhồi nhét”, PGS Điền chia sẻ.

PGS, TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Thủy lợi cũng cho biết, năm 2022 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.200 sinh viên, với 39 ngành ở 7 khối. Nhà trường dự kiến dành 10% chỉ tiêu với phương thức tuyển thẳng. Đối với phương thức xét học bạ, nhà trường dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển.

Đáng chú ý, năm nay Trường đại học Thủy lợi dành 50% tổng chỉ tiêu để xét tuyển đối với phương thức xét kết quả từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT, giảm hơn so với năm ngoái (năm 2021, phương thức này nhà trường dành 70% tổng chỉ tiêu). Tuy nhiên, năm 2022, Trường đại học Thủy lợi bổ sung phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì - với 20% tổng chỉ tiêu.

Với tổng chỉ tiêu khoảng 5.700 sinh viên, PGS, TS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và bảo đảm chất lượng Trường đại học Giao thông vận tải, thông tin: Nhà trường áp dụng một số phương thức tuyển sinh gồm: Tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp; kết quả học bạ THPT; kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhà trường dự kiến dành 40%-50% chỉ tiêu để tuyển sinh từ phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2021, Trường đại học Giao thông vận tải (cơ sở Hà Nội) dành hơn 80% chỉ tiêu cho phương thức trên. Tuy nhiên, năm nay, trường bổ sung từ 20%-30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ kết quả thi đánh giá tư duy.

Năm 2022, đa dạng các phương thức tuyển sinh. Ảnh: TTXVN
Năm 2022, đa dạng các phương thức tuyển sinh. Ảnh: TTXVN

“Mạnh tay” giảm sâu chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển truyền thống, song các trường đã bổ sung và triển khai thêm nhiều phương án khác, thể hiện tính tự chủ trong tuyển sinh và tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh.

Nếu như năm 2021, Trường đại học Kinh tế quốc dân dành từ 80%-85% để xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT thì mùa tuyển sinh năm nay nhà trường dự kiến dành từ 10%-15% cho phương thức này. Chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức tuyển thẳng và xét tuyển theo đề án riêng của trường.

PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Nhà trường đang đi theo khuyến nghị tự chủ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung.

“Chúng tôi đã nghiên cứu, nếu coi điểm thi tốt nghiệp THPT làm công cụ để sơ tuyển; sau đó nhà trường tổ chức thêm một kỳ thi nữa để chọn lọc thì sẽ rất vất vả cho trường và thí sinh, phụ huynh. Cách tốt nhất là lập nhóm các trường với nhau để tổ chức thi chung hoặc sử dụng kết quả từ các kỳ thi có uy tín, bảo đảm chất lượng. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn phương án, sử dụng phương thức xét tuyển từ kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia và Kỳ thi đánh giá tư duy do Trường đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì”, PGS, TS Bùi Đức Triệu chia sẻ.

Đặt vấn đề về chất lượng nguồn tuyển khi mà các trường áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh cho mỗi ngành đào tạo; PGS, TS Bùi Đức Triệu khẳng định, điều này không đáng quan ngại. Bởi mỗi một phương thức đều có quy định về chuẩn đầu vào, hoàn toàn không có chuyện tuyển sinh ào ạt để lấp đầy chỉ tiêu. Vì thế, dù thí sinh chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ, hay kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy thì đều phải đạt đủ điểm chuẩn và tiêu chí về xét tuyển của nhà trường mới được công nhận trúng tuyển.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh phân tích, Quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng ghi rõ, kết quả của kỳ thi chỉ là cơ sở để các trường đại học xem xét để tuyển sinh. Vì vậy, mục tiêu đã thay đổi, nên các trường cũng phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh thực tiễn, nhất là những trường tốp đầu. Bên cạnh đó, điểm thi của thí sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia bảo đảm độ tin cậy.

Đặc biệt, năm nay Đại học Quốc gia Hà Nội tăng cả về quy mô, số lượt thi đánh giá năng lực; qua đó tạo cơ hội cho thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm và lựa chọn thời điểm thi thích hợp. Đây là phương án khả thi, phù hợp xu hướng tự chủ đại học và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá năng lực, tư duy của thí sinh là tín hiệu tốt nhưng thực tế không phải trường nào cũng đủ khả năng để tổ chức kỳ thi. Hơn nữa, nếu mỗi trường có một kỳ thi đánh giá năng lực riêng, học sinh muốn thi ba trường sẽ phải tham gia ba đợt thi mất nhiều thời gian, công sức. Do đó, cũng cần đánh giá, nhìn nhận xem trường nào đủ và không đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi.

Đây là năm đầu tiên một số cơ sở giáo dục đại học mở rộng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng, trong đó có sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi đánh giá tư duy; nên ít nhiều có những ảnh hưởng nhất định đến thí sinh.

Thí sinh được tư vấn lựa chọn nguyện vọng trước mỗi mùa tuyển sinh. Ảnh: TTXVN
Thí sinh được tư vấn lựa chọn nguyện vọng trước mỗi mùa tuyển sinh. Ảnh: TTXVN

Cơ hội với thí sinh không bị thu hẹp

Việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT khiến thí sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lo lắng sẽ bị giảm cơ hội. Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, em Nguyễn Hoàng Hải (Quảng Ninh) bày tỏ: “Là thí sinh ở vùng nông thôn nên phương thức xét tuyển tối ưu nhất với chúng em là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, năm nay các trường có nhiều phương thức tuyển sinh và dành ít chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Em khá lo lắng “cánh cửa” vào đại học sẽ “hẹp lại” vì chúng em vẫn quen ôn tập theo hướng các tổ hợp truyền thống”.

Dự kiến đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội hoặc Trường đại học Kinh tế quốc dân, nhưng em Nguyễn Thanh Thủy (Nam Định) băn khoăn vì năm nay hai trường này giảm “sâu” chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Em khá hoang mang vì chủ yếu học theo khối thi truyền thống để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Khi chỉ tiêu cho các phương thức khác tăng lên thì chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm xuống, điều này sẽ khiến tỷ lệ cạnh tranh cao hơn và cơ hội trúng tuyển của những thí sinh như em sẽ “hẹp” dần”, Tấn Lực chia sẻ.

Thực tế, đây là băn khoăn của không ít thí sinh khu vực nông thôn vốn quen ôn tập để thi theo phương thức truyền thống - xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội lý giải: Tâm lý “thu gọn” chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là không chính xác.

Thực tế, hầu hết cơ sở giáo dục đại học đã thông báo phương án tuyển sinh, trong đó phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn giữ vai trò chủ đạo. Đối với thí sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, do điều kiện học tập khó khăn hơn so với học sinh vùng đô thị nên các em sẽ được cộng điểm ưu tiên khu vực. “Tất nhiên, nếu các em muốn đăng ký vào những ngành, trường được quan tâm nhiều phải chấp nhận sự cạnh tranh lớn hơn”, PGS, TS Nguyễn Phong Điền lưu ý.

Theo PGS, TS Bùi Đức Triệu, Phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân, thí sinh không nên lo lắng vì các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nên cơ hội vẫn rộng mở. Các em có thể đăng ký xét tuyển bằng học bạ THPT hoặc xét tuyển kết hợp…

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các cơ sở đào tạo, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung. Do đó, việc nhóm trường tốp trên xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng và giảm dần chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là điều dễ hiểu. 

Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), mùa tuyển sinh năm nay, có khoảng 20 phương thức được các trường đưa ra để xét tuyển. Tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học cho hay: Chưa đến 10% chỉ tiêu được các trường dành cho các phương thức khác; có tới 90% vẫn xét tuyển theo hai phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì thế cơ hội của thí sinh rất lớn.

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: Ngoại trừ những trường thi tuyển bằng các môn năng khiếu, còn lại hầu hết đều sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. “Không trúng tuyển vào trường này, các em vẫn có cơ hội ở nhiều trường khác. Tất nhiên, khi mong muốn trúng tuyển vào những trường tốp đầu thì mức độ cạnh tranh lúc nào cũng cao hơn, dù bằng phương thức xét tuyển nào đi chăng nữa.

Chính vì thế, thí sinh cần giữ tâm thế vươn lên để vào được các trường tốp đầu”, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi, đồng thời chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của thí sinh về số lượng chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm đi. Tuy nhiên, nếu có sự tăng giảm thì chỉ là dịch chuyển giữa hai phương thức chính (xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ).

Năm 2022, các trường chủ động tuyển sinh. Ảnh: TTXVN
Năm 2022, các trường chủ động tuyển sinh. Ảnh: TTXVN

Lưu ý thí sinh khi đăng ký xét tuyển

Theo các chuyên gia, năm nay nhiều cơ sở giáo dục đại học áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý khi tham gia phương thức xét tuyển này để tránh bị trượt oan. TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trường đại học Mỏ - Địa chất, lưu ý: Thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông báo của nhà trường (nơi mình dự định đăng ký xét tuyển), trong đó đặc biệt lưu ý đến bảng quy đổi điểm các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Vì rất có thể, nhiều thí sinh nhầm lẫn việc quy đổi điểm từ chứng chỉ này với quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung quy định các trường hợp thí sinh được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, thí sinh được miễn thi khi thuộc một trong những đối tượng sau: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 6/7/2022 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định. Trong đó, môn tiếng Anh là IELTS đạt 4.0 điểm, TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 54 điểm.

Bên cạnh đó, thí sinh cần đặc biệt lưu ý, một số trường đại học công nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và có bảng hướng dẫn quy ra điểm tương ứng để tính tổng điểm cùng các môn tổ hợp mà thí sinh chọn để xét tuyển. Vì thế, các em cần xem kỹ thông tin và hỏi nhà trường về việc điểm mình được quy đổi như thế nào trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.

Còn theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ, sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường và đủ điều kiện trúng tuyển, các em vẫn phải đăng ký lại các nguyện vọng này trên hệ thống xét tuyển của Bộ cùng với đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT.

“Giả sử thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết hợp, các em vẫn phải đăng ký lại trên hệ thống của Bộ và để ở nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Trường hợp thí sinh muốn có thêm cơ hội sử dụng điểm tốt nghiệp THPT có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng. Lúc này, nguyện vọng 1, 2, 3 có thể là nguyện vọng mới, được xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nguyện vọng đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết hợp có thể đẩy thấp xuống”, TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, đồng thời khuyến nghị: Nếu thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển kết hợp hoặc phương thức khác nên bảo lưu lựa chọn của mình (đặt ở nguyện vọng ưu tiên cao nhất) khi đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm 2022 là 1.001.011; trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 93,32%; số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 6,68%. Tổng số thí sinh tự do là 58.797 (chiếm 5,87%). Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là 103.374 (chiếm 10,33%). Tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 38.108 (chiếm 3,81%).  Tổng số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 859.531 (chiếm 85,87%).

LỌC ẢO CHUNG KHÔNG ẢNH HƯỞNG TỚI CÁC TRƯỜNG CHỦ ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC XÉT TUYỂN

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: Sau khi công bố quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được nhiều ý kiến của các trường và Bộ đã tổ chức một buổi giao ban với các trường, với những người trực tiếp làm công tác tuyển sinh. Hầu hết đều nhất trí cao, tất nhiên còn một số ý kiến băn khoăn về việc không chủ động như các năm trước. Thật ra đây là cách hiểu chưa hoàn toàn đầy đủ. Các trường hoàn toàn có thể làm như các năm trước.

Chúng ta biết là điều kiện để thí sinh trúng tuyển là thí sinh phải có kết quả tốt nghiệp THPT. Các trường trước đó hoàn toàn có thể công bố kết quả xét tuyển của mình. Bộ chỉ làm việc lọc ảo, tức là sắp xếp nguyện vọng của các em đó và dựa trên nguyện vọng đó để lựa chọn nguyện vọng nào các em trúng tuyển cao nhất. Cho nên về mặt kỹ thuật hầu như không có gì phức tạp hơn các năm trước. Chỉ có điều hệ thống năm nay phải lưu ý các em nguyện vọng nào các em đăng ký vào đó nhưng đã được các trường xét tuyển rồi, nguyện vọng nào được các trường xét tuyển trong thời gian năm ngày thực hiện xét tuyển chung đó.

(Theo nhandan.vn)
 

 

 

 

 

 

.
.
.