Thứ Hai, 19/09/2022, 10:30 (GMT+7)
.

"Mở lối" sáng tạo cho việc dạy và học môn Ngữ văn

Đổi mới phương pháp dạy và học ở môn Ngữ văn được xem là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, việc đổi mới này cần có chiến lược, giải pháp, tránh nửa vời, hình thức. Để nắm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Ấp Bắc đã lược ghi những giải pháp nâng chất lượng dạy và học môn Ngữ văn trong trường phổ thông.

* TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TIỀN GIANG:

Tránh dạy theo lối mòn

Trước khi bước vào năm học mới 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Trong đó, có một yêu cầu nổi bật mà Bộ GD-ĐT lưu ý nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và học thuộc lòng theo văn mẫu là tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết. Ngay sau đó, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang chỉ đạo bộ phận chuyên môn triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đến các trường THPT và các đơn vị Phòng GD-ĐT.

Những năm qua, đội ngũ giáo viên Ngữ văn tỉnh nhà không ngừng phấn đấu trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, đứng trước những yêu cầu đổi mới, giáo viên môn Ngữ văn cần tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, thuyết trình cho học sinh. Tuyệt đối không dạy theo lối mòn, lý thuyết như trước đây, bởi Ngữ văn là môn học đòi hỏi nhiều tư duy và sáng tạo.

* THẦY NGUYỄN PHÚC VIỄN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT CHỢ GẠO, HUYỆN CHỢ GẠO, TỈNH TIỀN GIANG: 

Đổi mới kiểm tra, đánh giá

Mặc dù là cán bộ quản lý, nhưng dưới góc độ chuyên môn, tôi cũng như nhiều giáo viên dạy Ngữ văn rất đồng tình và ủng hộ chủ trương đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, thi cử môn Ngữ văn từ Bộ GD-ĐT. Thực tế cho thấy, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở môn Ngữ văn của các trường phổ thông tại tỉnh Tiền Giang được thực hiện từ rất nhiều năm qua.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc dạy và học môn Ngữ văn vẫn còn nhiều hạn chế. Với chủ trương đổi mới như hiện nay, việc đưa các tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa vào các bài thi, bài kiểm tra là tinh thần đúng đắn, vừa phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, vừa triệt tiêu vấn đề dạy và học theo văn mẫu, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Bên cạnh đó, khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Với chủ trương trên, thiết nghĩ, vai trò của giáo viên là rất quan trọng, là trung tâm của đổi mới. Hơn bao giờ hết, giáo viên cần giúp học sinh nắm vững các kiến thức, chủ động, tìm tòi, khám phá khi học Ngữ văn thì việc dạy và học môn học này mới thành công. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn chi tiết hơn nữa các tiêu chí trong việc ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh. Khi  kiểm tra đánh giá đảm bảo công bằng cho học sinh, tôn trọng những sáng tạo, những tư duy phản biện của học sinh…

* CÔ TRƯƠNG THỊ CHÂU MINH, GIÁO VIÊN NGỮ VĂN TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO, TP. MỸ THO, TỈNH TIỀN GIANG:

Tôn trọng sự sáng tạo của học sinh

Có thể thấy, chất lượng dạy và học môn Ngữ văn do nhiều yếu tố quyết định như chương trình, sách giáo khoa, giáo án, phương pháp giảng dạy của giáo viên. Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình sách giáo khoa mới ở khối lớp 10. Riêng với sách giáo khoa lớp 10 đã cho thấy tinh thần đổi mới của việc dạy và học môn Ngữ văn, trong đó điểm nổi bật của sách mới là cung cấp và phân tích cho học sinh rất nhiều ví dụ để các em có thể hiểu bài, tự mình khám phá kiến thức.

Với môn Ngữ văn, điều quan trọng là học sinh cần đọc phải hiểu, viết rõ ràng, diễn đạt ý tưởng của mình để người khác có thể nghe và hiểu được. Chính vì vậy, vai trò của giáo viên khá quan trọng, cần trang bị cho học sinh các kiến thức, kỹ năng, ví dụ như khi đọc văn bản phải hiểu được đại ý nội dung, viết câu có đủ thành phần câu, viết đoạn văn phải rõ ràng, sắp xếp ý tứ hợp lý…

Với đặc thù của môn học, có thể thấy, học sinh có hứng thú với môn Ngữ văn hay không, có sáng tạo trong bài viết, câu văn có giàu cảm xúc hay không phần lớn phụ thuộc vào phương pháp của giáo viên. Giáo viên cần tôn trọng sự sáng tạo của học sinh, bởi mỗi học sinh sẽ có cách diễn đạt khác nhau, miễn là các em cảm thụ môn học với ngôn từ phù hợp, chuẩn mực chứ không nên áp đặt theo khuôn khổ.
Một trong những phần khá quan trọng của môn Ngữ văn là phân môn làm văn.

Thay vì những lý thuyết khô khan, cứng nhắc, giáo viên hãy hướng dẫn cho học sinh liên hệ thực tế, diễn đạt bằng lời văn của mình, trình bày ý tưởng mạch lạc, sáng tạo; từ đó các em sẽ nêu lên cảm nhận, suy nghĩ của bản thân. Bên cạnh kỹ năng viết, giáo viên cần hướng dẫn, tổ chức các chuyên đề về kỹ năng nói, thuyết trình cho học sinh. Giáo viên cần dành thời gian cho các em cùng tranh luận và biết bảo vệ quan điểm cá nhân của mình về vấn đề quan tâm, từ đó rèn luyện cho học sinh kỹ năng sử dụng ngôn từ…

Vấn đề đổi mới trong dạy và học môn Ngữ văn không đâu xa vời mà hãy suy nghĩ đơn giản là bám sát với cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh vấn đề truyền đạt hướng dẫn kiến thức, giáo viên cần chú trọng và đổi mới cách đánh giá học sinh. Với môn Ngữ văn, bên cạnh việc kiểm tra, đánh giá bằng hình thức viết, giáo viên cần linh hoạt tạo các sản phẩm học tập, các buổi thuyết trình, thảo luận nhóm để học sinh có thể đánh giá học sinh. Trong quá trình đánh giá cần tôn trọng ý kiến riêng của học sinh, tránh tình trạng đếm ý cho điểm, khi chấm bài cần linh hoạt, tránh rập khuôn vào đáp án.

* EM NGUYỄN THÀNH TIẾN, HỌC SINH TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, TP. MỸ THO, TỈNH TIỀN GIANG:

Không lệ thuộc nhiều vào văn mẫu

Qua hơn 12 năm học từ bậc tiểu học đến THPT, em thấy môn Ngữ văn rất quan trọng. Môn học này không chỉ để thi cử trong các kỳ thi, mà còn là môn học giúp bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ cho học sinh. Nếu có phương pháp học tập phù hợp thì Ngữ văn sẽ không là môn học khô khan. Ngữ văn là môn học đòi hỏi nhiều sự tư duy, liên hệ và vốn sống thực tế.

Do đó, theo em thì văn mẫu rất nguy hại, bởi việc “rập khuôn” theo văn mẫu sẽ làm cho học sinh trở nên lười biếng, “bóp chết” tư duy, làm mất khả năng quan sát, khám phá thế giới, con người. Hãy xem văn mẫu chỉ là tham khảo, không nên lạm dụng văn mẫu, bởi sẽ vô cùng nguy hại, ảnh hưởng đến quá trình học tập cũng như tư duy.

Thay vì sử dụng văn mẫu, các bạn cố gắng tập diễn đạt câu từ sao cho đơn giản, nghe dễ hiểu, viết câu ngắn, đúng ngữ pháp câu; trong giao tiếp hằng ngày, tránh nói dài dòng, lan man, đi thẳng vào vấn đề. Có thể thấy, chỉ cần mỗi ngày chúng ta cố gắng rèn luyện từ thực tế cuộc sống cho đến việc học tập thì việc học văn sẽ không khó.

ĐỖ PHI

.
.
Liên kết hữu ích
.