Chủ Nhật, 09/10/2022, 15:56 (GMT+7)
.

Học nghề, nên nghiệp

Mỗi năm có hàng trăm nghìn thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng không phải ai cũng trúng tuyển. Mặt khác, nhiều thí sinh dù mức điểm có khả năng đỗ đại học đã chủ động ưu tiên chọn học nghề.
 

Lựa chọn học cao đẳng, trung cấp hoặc học nghề để tiếp tục phát triển bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm trong tương lai là con đường được nhiều thí sinh lựa chọn hiện nay.

Không nhất thiết phải học đại học

Với 29 điểm 3 môn tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, em Đặng Văn Duy, quê ở Lào Cai, có thể đỗ một số ngành của các trường đại học “tốp đầu”. Tuy nhiên, Duy vẫn chọn học ngành công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Duy bộc bạch: “Thời gian đào tạo nghề ngắn sẽ giúp em tiết kiệm khá nhiều thời gian và tiền bạc. Vả lại, học tại trường, em được nâng cao kỹ năng nghề, sau khi ra trường được nhà trường giới thiệu việc làm đúng ngành nghề đã học và có mức thu nhập ổn định”. Giống như Duy, mùa tuyển sinh năm nay, em Nguyễn Quang Trường chọn học Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội vì ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam đang phát triển, trường lại liên kết với nhiều công ty lớn, cộng với các kỹ năng thực hành nghề tốt và phù hợp nên khi ra trường, người học có việc làm luôn.

Học viên thực hành nghề tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Học viên thực hành nghề tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm đợt 1 (tính đến ngày 30-9), có 81,7% số thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học. Như vậy, có đến hơn 103.000 thí sinh đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống. Nguyên nhân có thể kể đến là thí sinh đăng ký nhưng không để ý đến học phí. Khi biết mình trúng tuyển và mức học phí quá cao so với kinh tế của gia đình nên chuyển hướng học. Quy trình đăng ký, xét tuyển, xác nhận nhập học kéo dài và rườm rà cũng khiến các em chọn hướng đi khác chắc chắn hơn. Thực tế, nhiều trường hợp không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ chọn nơi khác học. Ngoài tham gia xét tuyển đợt 2, các em chọn bậc cao đẳng, học nghề.

Với chính sách doanh nghiệp tham gia từ khâu tuyển sinh đến khâu tuyển dụng trong các trường nghề đã thu hút số lượng thí sinh đăng ký học nghề tăng đều trong 3 năm trở lại đây. Nhiều người nhận ra việc học được nghề và có tay nghề quan trọng hơn bằng cấp. Điều này phù hợp với xu thế phát triển ở nhiều nước trên thế giới.

“Của rề rề không bằng một nghề trong tay”

Những năm trở lại đây, trước thực trạng cử nhân thất nghiệp gia tăng mỗi năm, học sinh không còn cố vào đại học bằng mọi giá và cũng dần ý thức việc lựa chọn học tại các hệ đào tạo khác. Các em dần thực tế hơn khi chọn hệ đào tạo vừa sức mình, quan tâm đến việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)-đơn vị quản lý các trường cao đẳng, trung cấp-hiện có tới 85% sinh viên học nghề ra trường có việc làm. Thậm chí, nhiều trường còn cam kết trả lại tiền học phí nếu sinh viên ra trường không xin được việc. Điều này đã tạo thêm sức hút với học nghề, trong bối cảnh tỷ lệ cử nhân thất nghiệp không nhỏ và Việt Nam vẫn trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Với 50 năm kinh nghiệm đào tạo trong các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, công nghệ thông tin và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, địa phương và xã hội, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội có 20 ngành nghề đào tạo, trong đó có 9 ngành chất lượng cao. Chương trình đào tạo với 70% thời gian thực hành, 30% thời gian lý thuyết, nhiều sinh viên đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi kỹ năng nghề trong nước và quốc tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng: “Học gì thì học, dù ngắn hạn, trung cấp hay cao đẳng, đại học thì chúng ta đều phải làm bằng nghề. Không có nghề nào là "hot" vĩnh viễn, vì vậy, tôi khuyên các em lựa chọn nghề mà mình có năng lực và yêu thích”.

Không phủ nhận thực tế học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông phần lớn mong muốn vào đại học, ông Nguyễn Văn Huy, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Học sinh có rất nhiều lựa chọn, nhưng "của rề rề không bằng một nghề trong tay". Các em nên xác định một nghề phù hợp để phát triển tốt bản thân. Hiện nay, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều triển vọng phát triển. Với đà phục hồi của nền kinh tế-xã hội, sự tăng tốc phát triển của doanh nghiệp sau đại dịch thì nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề trong thời gian tới rất lớn. Nắm bắt cơ hội này, nhiều trường nghề tạo dựng mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sinh viên. Do vậy, học sinh, sinh viên trường nghề có việc làm ngay khi vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường”.

Cũng cam kết việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp, ông Nguyễn Văn Huy cho biết: “Quá trình học và thi tốt nghiệp có sự kết nối với doanh nghiệp. Ngay tại buổi thi tốt nghiệp, nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp tham gia đánh giá và nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng”.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, thu nhập của sinh viên tốt nghiệp từ trường nghề không thua kém học đại học, đặc biệt những em có tay nghề trong những ngành “khát” nhân lực như: Công nghệ thông tin, tự động hóa, điện công nghiệp, cơ điện tử... Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng thấp, thậm chí còn ít hơn cử nhân đại học.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay: “Nhận thức của xã hội về học nghề đã thay đổi. Các em học sinh đã có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Bên cạnh đó, việc nhiều người chọn học nghề thể hiện chất lượng của khối các trường nghề đã có bước tiến đáng kể, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, được sự chấp nhận của thị trường lao động”.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Ngày nay, kỹ năng được coi là đơn vị tiền tệ mới của thị trường lao động toàn cầu, bởi vậy đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức xã hội về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động. Điều đó cho thấy, đại học không phải là con đường duy nhất để người học phát triển bản thân. Nâng cao kỹ năng của người lao động cũng là chìa khóa để đưa Việt Nam vươn tới hoàn thiện hơn về chất lượng của lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng.

(Theo qdnd.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.