.

Phân luồng học sinh sau THCS: Cần có giải pháp đồng bộ

Cập nhật: 09:48, 08/11/2022 (GMT+7)

Phân luồng học sinh (HS) sau THCS là giải pháp tích cực của ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nhằm mục tiêu hướng nghiệp cho HS, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giảm tải đào tạo cho bậc THPT.

Nhiều năm qua, công tác phân luồng HS sau THCS của Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần có những giải pháp tháo gỡ.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện việc phân luồng HS sau THCS. Qua thực tế, công tác hướng nghiệp, phân luồng HS sau THCS ở Tiền Giang chủ yếu tập trung vào 4 hướng chính: Thứ nhất, HS vào học tại các trường THPT; thứ hai, phân luồng vào các trường trung cấp nghề; thứ ba, phân luồng vào các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) kết hợp với học nghề; thư tư, tham gia vào thị trường lao động. Công tác phân luồng HS sau THCS bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan, song tỷ lệ HS vào các trường trung cấp nghề trong mỗi năm học còn khá khiêm tốn.

Công tác thực hiện phân luồng HS sau THCS vào các trường nghề tại Tiền Giang đang có những tín hiệu tích cực.  (Ảnh chụp tại Trường Cao đẳng Tiền Giang).
Công tác thực hiện phân luồng HS sau THCS vào các trường nghề tại Tiền Giang đang có những tín hiệu tích cực. (Ảnh chụp tại Trường Cao đẳng Tiền Giang).

Theo đánh giá từ Sở GD-ĐT, việc thực hiện phân luồng HS sau THCS vẫn chưa đạt hiệu quả đề ra. Sau mỗi năm học, phần lớn HS vẫn tập trung vào học tại các trường THPT chính quy, sau đó chọn con đường học tập tiếp tục là đại học, cao đẳng. Một số HS không học lên THPT chính quy thì có xu hướng bỏ học, đi làm.

Qua thống kê hằng năm, số HS tốt nghiệp THCS vào học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp tuy có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phân luồng. Bình quân hằng năm dao động khoảng 13% - 20% số HS sau khi tốt nghiệp THCS không vào lớp 10 THPT và Trung tâm GDTX, không vào học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề mà vào thẳng thị trường lao động hay trở về địa phương lao động khi chưa được đào tạo nghề.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để có được những kết quả đáng khích lệ trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề là nhờ sự quan tâm của các sở, ngành, địa phương, các trường và phụ huynh, HS. Trong thời gian tới, cần phải đưa nhiệm vụ GDNN và định hướng phân luồng HS phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh nội dung và tài liệu giảng dạy chương trình hướng nghiệp để HS có thể tiếp cận, tìm hiểu các ngành nghề và thị trường lao động. Đặc biệt, ngành GD-ĐT chú ý cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin đối với HS không trúng tuyển lớp 10 và HS THPT có nguy cơ bỏ học để các cơ sở GDNN tiếp cận, tư vấn, tạo điều kiện cho các em có thể vào học tại các cơ sở, trung tâm GDNN.

Phân tích nguyên nhân làm cho việc phân luồng HS sau THCS chưa đạt kết quả như mong muốn, theo ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, kết quả thực hiện phân luồng HS có sự chuyển biến, tuy nhiên nhận thức về tầm quan trọng của việc chọn nghề, chọn ngành học của một số HS và phụ huynh vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp, chưa quan tâm đúng mức, thiếu tìm hiểu thấu đáo; chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, hay chọn các nghề “hot”, nghề dễ kiếm tiền… mà chưa cân nhắc có phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình; yêu cầu tuyển dụng ngày càng gắt gao, đòi hỏi phải có bằng tốt nghiệp THPT…

Bên cạnh đó, hiện nay công tác tư vấn hướng nghiệp trong các trường học vẫn bộc lộ không ít hạn chế. Đa phần các trường ở bậc trung học trên địa bàn tỉnh thiếu đội ngũ giáo viên am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động và thực tế ngành, nghề của xã hội.

Công tác tư vấn cho phụ huynh, HS cuối cấp các bậc học không thường xuyên nên rất khó triển khai các thông tin tuyển sinh GDNN. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường nghề tuy được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ với sự đòi hỏi bổ sung, thay đổi thường xuyên, trong khi nguồn lực tài chính hết sức hạn hẹp...

GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Có thể thấy, công tác phân luồng HS sau THCS trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Giải pháp nào cho công tác phân luồng HS sau THCS đang là vấn đề cấp bách hiện nay không chỉ ở các trường học, mà còn là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm trong công tác tuyển sinh của các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh.

Công tác thực hiện phân luồng HS sau THCS vào các trường nghề tại Tiền Giang đang có những tín hiệu tích cực. (Ảnh chụp tại Trường Trung cấp Gò Công).
Công tác thực hiện phân luồng HS sau THCS vào các trường nghề tại Tiền Giang đang có những tín hiệu tích cực. (Ảnh chụp tại Trường Trung cấp Gò Công).

Tỉnh Tiền Giang hiện 1 Trung tâm GDNN - GDTX cấp tỉnh, 6 Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, 3 trường trung cấp nghề, 3 trường cao đẳng và 1 trường đại học có đào tạo nghề. Trong năm học 2021 - 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng các trường đã tuyển trên 2.800 chỉ tiêu HS trung cấp, cao đẳng, đạt 99% kế hoạch năm học.

Năm học 2022 - 2023, Trường Cao đẳng Tiền Giang tuyển sinh 1.454 chỉ tiêu vào 16 ngành, nghề đào tạo và hiện có 1.200 thí sinh làm thủ tục nhập học, đạt 88,9% so với chỉ tiêu kế hoạch. Bên cạnh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và liên thông đại học, nhà trường còn đào tạo ngắn hạn trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho hơn 1.400 học viên các nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ và giao thông vận tải.

Theo thống kê khoảng 3 năm học gần đây từ năm học 2019 - 2020 đến năm học 2022 - 2023, Tiền Giang có khoảng trên 60 ngàn HS tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có khoảng 5.000 HS được phân luồng vào các trường nghề và Trung tâm GDTX. Tỷ lệ HS sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các Trung tâm GDNN - GDTX và cơ sở dạy nghề chỉ chiếm khoảng 5% - 6% số HS tốt nghiệp THCS mỗi năm.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang Nguyễn Quang Khải cho biết, hằng năm, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán nhà trường tổ chức bộ phận tư vấn tuyển sinh đến từng trường THCS, ở các địa phương trên địa bàn tình để làm công tác tư vấn tuyển sinh với các hình thức như tư vấn trực tiếp ở các trường, tư vấn trực tuyến, phát tờ rơi, treo băng rôn, gửi thông báo chiêu sinh…

HS khi học trung cấp nghề tại trường được miễn học phí hoàn toàn, được học liên thông lên cao đẳng, đại học. Sau khi tốt nghiệp, HS, sinh viên được nhà trường giới thiệu việc làm. Chính vì vậy, có trên 90% HS, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm. Nhà trường tiếp tục nhận được sự đồng hành của hơn 32 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập và nhận HS, sinh viên tốt nghiệp vào làm việc.

Bên cạnh đó, để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS, đặc biệt từ khi triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh, với nhiều hoạt động được tổ chức như: Ngày hội Việc làm và tuyển sinh GDNN ở TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công và huyện Cái Bè; hỗ trợ chính sách cho HS khi theo học ở các trường nghề… đã tạo nhiều chuyển biến trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề.

Với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có ít nhất 45% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN, đào tạo trình độ cao đẳng; ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp…

ĐỖ PHI - NHƯ NGỌC

.
.
.