Thứ Bảy, 18/03/2023, 07:06 (GMT+7)
.
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG NĂM 2018: Những "nút thắt" cần tháo gỡ

BÀI 3: Thách thức từ Chương trình giáo dục phổ thông mới

Bài 1: Doanh nghiệp trở lại guồng quay

Bài 2: Tận dụng "cơn lốc" chuyển đổi số

Những thách thức mới cho các cơ sở giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên (GV) khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 là tổ chức dạy tích hợp; chọn tổ hợp môn còn lúng túng; công tác bồi dưỡng, tập huấn chưa kịp thời làm cho nhiều GV băn khoăn về chất lượng giáo dục.

ÁP LỰC DẠY TÍCH HỢP

Bên cạnh khó khăn về thiếu GV, cơ sở vật chất thì quá trình thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 đã nảy sinh một số thách thức làm cho nhiều cán bộ quản lý cũng như thầy cô giáo băn khoăn về chất lượng giáo dục. Khảo sát thực tế tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho thấy, đối với bậc tiểu học Chương trình GDPT mới cơ bản thuận lợi, tuy nhiên đối với bậc THCS và THPT thì gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Dạy tích hợp ở bậc THCS trong triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đang gây không ít  khó khăn cho các trường học. (Ảnh chụp tại Trường THCS Vĩnh Kim, huyện Châu Thành)
Dạy tích hợp ở bậc THCS trong triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đang gây không ít khó khăn cho các trường học. (Ảnh chụp tại Trường THCS Vĩnh Kim, huyện Châu Thành)

Theo lãnh đạo của nhiều trường học phản ánh, cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên (KHTN) được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử - Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành Lịch sử, Địa lý. Đội ngũ GV chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, GV được phân công giảng dạy các môn tích hợp như: KHTN, Lịch sử - Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương, công nghệ đối mặt với nhiều thách thức do chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm môn mới chưa được đào tạo chính quy.

Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) Thái Anh Tuấn cho biết, hiện nay theo Chương trình GDPT mới, nhà trường rất đau đầu trong việc bố trí sắp xếp GV, bởi thời khóa biểu xáo trộn liên tục. Nếu trước đây một năm học chỉ sắp thời khóa biểu khoảng 2 lần thì hiện nay 1 - 2 tuần là phải thay thời khóa biểu. Nhà trường phải phân một Phó hiệu trưởng làm việc sắp thời khóa biểu nên không còn thời gian giải quyết được việc khác. Ngoài ra, nhiều thầy cô giáo tâm tư kỳ thi GV dạy giỏi thời gian tới đối với môn tích hợp thì đề thi sẽ như thế nào. Bởi người dạy môn tích hợp phải đảm bảo giỏi cả 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, trong khi khả năng là có hạn. Mặt khác, ban giám khảo chấm những người thi môn tổ hợp là những thành phần nào?

Liên quan đến chất lượng giảng dạy môn tích hợp, Hiệu trưởng Trường THCS Phường 3, TX. Gò Công Phan Hoài Linh Phương cho biết, năm học 2021 - 2022 dù nhà trường triển khai dạy môn tích hợp nhưng thầy cô môn nào dạy môn đó như Chương trình GDPT cũ. Đến năm học 2022 - 2023, Tổ KHTN đề xuất nghiên cứu mỗi người dạy 1 lớp và dạy luôn 3 môn, nhưng dạy đến hết học kỳ 1 lớp 7, nhà trường tổ chức họp Hội đồng sư phạm, các thầy cô có ý kiến dạy môn tổ hợp quá khó, nhiều bài trong sách giáo khoa thậm chí GV còn chưa hiểu nên không tự tin để dạy các em học sinh. “Chỉ mới lớp 7 mà GV thấy khó, thì lên lớp 8, lớp 9 kiến thức càng nâng cao sẽ khó hơn. Như vậy liệu môn học này có đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh?” - thầy Phương băn khoăn.

Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT khi đưa ra một môn mới thì không chuẩn bị con người để đáp ứng việc giảng dạy môn mới đó. Điển hình như trước đây là bộ môn Giáo dục quốc phòng, Tin học yêu cầu đưa vào nhà trường giảng dạy nhưng không chuẩn bị về GV giảng dạy. Nếu đổi mới dạy tích hợp theo Chương trình GDPT năm 2018 thì phải đào tạo GV từ 3 - 5 năm trước, như vậy mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp theo Chương trình GDPT mới. Hiện nay, dạy tích hợp theo chủ đề nhà trường phải đổi thời khóa biểu liên tục, đây là vấn đề đau đầu cho các trường, không khéo sẽ dẫn đến tình trạng “GV môn nào dạy môn đó” như Chương trình GDPT cũ, đây cũng là khó khăn mà hiện các nhà trường không thể tháo gỡ”.

NGUYÊN GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN HỒNG OANH

Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều trường, nội dung Chương trình GDPT năm 2018 yêu cầu học sinh phát huy tính tự chủ, tự học và sự hỗ trợ của gia đình để các em quen với cách tự học. Tuy nhiên, trình độ học sinh đầu vào chưa đồng đều. Một số học sinh chưa quen với phương pháp học mới, còn bị động, chưa chuẩn bị bài theo hướng dẫn của GV; học sinh vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khó khăn chưa có điều kiện về thiết bị học tập, thiết bị tìm kiếm thông tin (điện thoại thông minh, laptop...) phục vụ cho việc tự học nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Còn đối với bậc THPT, cũng đối mặt với không ít thách thức khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (TX. Gò Công) Nguyễn Thanh Hải đánh giá, nội dung chương trình mới phù hợp với đối tượng học sinh khá, giỏi nhưng đối với học sinh trung bình, yếu gặp khó khăn vì bài tập đa dạng và nhiều. Một số bộ môn đánh giá khả năng tiếp thu của học sinh thấp do học sinh chưa quen với phương pháp học tập ở môi trường mới. Một số học sinh chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo và tự học khi thay đổi từ bậc học THCS sang THPT và từ Chương trình GDPT (cũ) năm 2006 sang Chương trình GDPT (mới) năm 2018. Mặt khác, GV phải dạy song hành cả hai chương trình nên rất vất vả, không còn thời gian để đầu tư chuyên môn vào Chương trình GDPT mới. Ngoài ra, một số học sinh còn mơ hồ trong việc lựa chọn tổ hợp ở đầu năm học dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi phải thay đổi môn lựa chọn sau đó.

BẤT CẬP TRONG BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN

Theo phản ánh của nhiều thầy cô giáo, thời gian qua, việc bồi dưỡng GV chủ yếu bằng hình thức trực tuyến nên chưa đi vào thực chất, dẫn đến độ chênh giữa việc bồi dưỡng so với GV khi đứng lớp là rất lớn. Việc bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến không mang lại hiệu quả cao do thiếu tương tác, thực hành nên GV khó lĩnh hội các phương pháp mới về áp dụng trong giảng dạy. Bên cạnh đó, nhiều GV chưa được đào tạo, bồi dưỡng trước khi triển khai dạy Chương trình GDPT mới, nhất là đối với các môn tích hợp chưa được bồi dưỡng chuyên sâu, trong khi GV được đào tạo dạy Chương trình GDPT cũ nay dạy theo Chương trình GDPT mới nên còn nhiều lúng túng.

Ghi nhận tại nhiều trường học, các thầy cô giáo cho biết, đội ngũ GV dù đã được tập huấn, chuẩn bị về tâm thế, kỹ năng phục vụ cho Chương trình GDPT mới, nhưng khi bước vào trực tiếp giảng dạy các môn tích hợp thì có những cái khó không lường trước được. Đặc biệt, GV dạy môn Tin học và công nghệ cấp tiểu học và giáo viên dạy các môn KHTN, Lịch sử - Địa lý, Nghệ thuật cấp trung học chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu trước khi triển khai dạy Chương trình GDPT mới nên GV”, luôn trong tâm trạng lo lắng không biết trả lời học sinh thế nào nếu các em thắc mắc những vấn đề không nằm trong kiến thức chuyên môn của GV.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, tính đến nay có 52 cán bộ quản lý, 363 GV phổ thông cốt cán và 682 cán bộ quản lý, 11.631 giáo viên phổ thông đại trà hoàn thành công tác bồi dưỡng 6/9 mô đun (mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9) theo Chương trình GDPT năm 2018 cho 11.396 cán bộ quản lý, GV; trong đó, tiểu học là 5.707 người, THCS là 3.889 người và THPT là 1.800 người. Hiện còn 3 mô đun (6, 7, 8) đang tổ chức triển khai. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho biết, toàn tỉnh Tiền Giang còn trên 1.279 GV cần được tiếp tục tổ chức bồi dưỡng để giảng dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT năm 2018, vì trước đây các GV này chỉ được đào tạo dạy 1 đến 2 môn nhưng theo Chương trình GDPT mới thì GV phải đảm nhận dạy cả 4 phân môn. Riêng đối với lực lượng tham gia dạy môn KHTN thì cần bồi dưỡng 744 GV, Lịch sử - Địa lý là 356 GV, Tin học - Công nghệ là 179 GV. Ngoài ra, cần phải tổ chức nâng chuẩn trên 2.470 cán bộ quản lý và GV chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Thật vậy, chuyện bỡ ngỡ, khó khăn, thậm chí là bối rối của đội ngũ GV khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 không chỉ là trăn trở của ngành Giáo dục, mà đây cũng là trăn trở chung của toàn xã hội. Vì vậy, cần giải pháp tổng thể, toàn diện nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

GIA TUỆ - ĐĂNG NGUYÊN

(còn tiếp)

.
.
.