.
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG NĂM 2018: Những "nút thắt" cần tháo gỡ

BÀI CUỐI: Cần giải pháp tổng thể, toàn diện

Cập nhật: 13:23, 20/03/2023 (GMT+7)

BÀI 3: Thách thức từ Chương trình giáo dục phổ thông mới
Bài 1: Doanh nghiệp trở lại guồng quay
Bài 2: Tận dụng "cơn lốc" chuyển đổi số

Cần giải pháp tổng thể, toàn diện giải quyết những khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, là ý kiến của nhiều cán bộ, quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để Chương trình GDPT mới thật sự mang lại hiệu quả trong thời gian tới.

* BỘ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN:

Cần có cái nhìn lạc quan, phát huy ưu điểm, lợi thế của khu vực

Nhìn lại quá trình phát triển GD-ĐT vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, có thể nói đã có bước tiến rõ rệt. Nhiều chỉ số giáo dục quan trọng của vùng được cải thiện, dần tiệm cận với mức bình quân của cả nước, khoảng cách về chất lượng giáo dục của vùng ĐBSCL so với những vùng miền khác đã được thu hẹp đáng kể. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục THPT, kết quả qua các Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cho thấy ĐBSCL đang xếp thứ 2 trong 6 vùng của cả nước.

Qua thời gian thực hiện Chương trình GDPT mới, đã đặt ra nhiều thách thức như phản ánh của ngành Giáo dục các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong đó, yêu cầu về cơ sở vật chất (CSVC), đội ngũ giáo viên (GV) ngày càng cấp thiết. Đối với CSVC, hạ tầng trường lớp, cần có giải pháp tổng thể, chứ không thể là giải pháp đơn lẻ. Nhiệm vụ trước mắt, là kiên cố hóa trường, lớp, trang thiết bị phòng học, bộ môn phục vụ Chương trình GDPT mới.

Cùng với đó, các địa phương vùng ĐBSCL cần có phương án sắp xếp điểm trường phù hợp, nhất là với địa hình chia cắt, sông nước. Về ngân sách, các địa phương cần quan tâm hơn nữa, nhất là thời điểm năm học 2023 - 2024 khi Chương trình GDPT năm 2018 bước vào trọng tâm của đổi mới, cần tập trung đầu tư để đạt hiệu quả cao nhất. Về tình trạng thiếu GV, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng GV từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, dựa trên những tính toán số liệu để đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học.

Giáo dục ĐBSCL đang đứng trước thách thức “kép”, khi vừa phải đổi mới, vươn cao cùng cả nước, vừa đảm bảo tối thiểu các chỉ số về CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy học, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp, xóa mù chữ... Tuy nhiên, CSVC hạn chế không có nghĩa là chất lượng giáo dục thấp. Điều này đã được chứng minh bằng chính nỗ lực của ngành Giáo dục ĐBSCL trong những năm qua. Để vượt qua những thách thức này, giáo dục ĐBSCL cần có cái nhìn lạc quan, phân tích và phát huy chính những ưu điểm, lợi thế của khu vực.

Đó là đội ngũ thầy, cô giáo tâm huyết, trách nhiệm, cống hiến hết lòng với nghề. Phẩm chất giáo dục ở ĐBSCL vẫn giữ được cái “chất” không màu mè, ít hình thức, nền nếp học đường. Đặc biệt, với những cơ chế, chính sách, đầu tư đang được triển khai cho ĐBSCL, trong vài năm tới, ĐBSCL sẽ là khu vực phát triển kinh tế năng động của cả nước, đây cũng là thuận lợi lớn để giáo dục ĐBSCL phát triển toàn diện hơn.

* TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, TỈNH ỦY VIÊN, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH TIỀN GIANG:

Tiếp tục quan tâm, đầu tư CSVC

Đảm bảo các điều kiện thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 là một trong những vấn đề cốt lõi mà ngành GD-ĐT luôn nỗ lực. Trong đó vấn đề CSVC, ngành GD-ĐT Tiền Giang sẽ tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư, lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn huy động khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án CSVC, tiếp tục xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng, cung cấp trang thiết bị dạy học và máy tính cho các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo tốt các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, nhất là giai đoạn đi vào trọng tâm đổi mới. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục sẽ không thực hiện việc sáp nhập trường lớp theo cách cơ học, ảnh hưởng chất lượng giáo dục.

Một trong những giải pháp căn cơ tiếp theo là toàn ngành Giáo dục sẽ thực hiện rà soát, sắp xếp bố trí GV thực hiện Chương trình GDPT mới đảm bảo đủ số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho GV thường xuyên. Tiếp tục triển khai tập huấn cho lực lượng GV cốt cán theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng sẽ có các cuộc giao ban, hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT mới.

* PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NỘI VỤ TỈNH TIỀN GIANG TRẦN THỊ THANH TUYẾT:

Cần linh hoạt trong cơ chế tự chủ

Hằng năm, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh giao số người làm việc. Tuy nhiên, số người làm việc giao tại các trường học thấp hơn so với định mức quy định của Bộ GD-ĐT. Trước thực trạng này, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung số người làm việc cho tỉnh để giao lại các trường học.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Tiền Giang được xét giao biên chế 2 lần, lần thứ nhất vào năm 2019 là 946 biên chế và lần thứ 2 năm 2022 được giao 257 biên chế, các năm còn lại không được giao bổ sung, lý do Tiền Giang không sử dụng hết số người làm việc được giao, đồng thời còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu GV bộ môn.

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang thiếu 1.591 người làm việc ở ngành GD-ĐT, khi thiếu như thế thì việc thuyết phục để xin biên chế rất khó khăn. Thực tế vừa qua, đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành đã kiến nghị Bộ GD-ĐT không giảm biên chế GV. Vấn đề này được Bộ GD-ĐT trả lời, đề nghị UBND tỉnh, thành tuyển đủ GV theo số người được phân bổ, trong trường hợp chưa đủ số người làm việc theo định mức thì được cấp kinh phí hợp đồng GV để sắp xếp GV dạy thêm giờ. Đây là một trong những giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu GV. Về hợp đồng GV dạy thêm giờ theo Nghị định 111 đối với đơn vị sự nghiệp được Nhà nước đảm bảo chi hoạt động thường xuyên (nhóm 4), Sở Nội vụ tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu phối hợp Sở Tài chính, Sở GD-ĐT để tính toán lại cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị địa phương đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, GDPT. Việc một số địa phương đã kiến nghị Bộ Nội vụ không giảm 10% người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và y tế bởi đây là 2 lĩnh vực sự nghiệp cơ bản thiết yếu. Bộ Nội vụ cũng đã trả lời việc tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, tất cả cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị đều phải giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách.

Như vậy, để không giảm và đủ số người làm việc trong ngành Giáo dục thì cần linh hoạt trong cách làm, không phải cắt 10% biên chế mà định hướng là chuyển sang tự chủ. Những đơn vị có khả năng tự chủ được thì chuyển sang tự chủ bớt và không giao số người hưởng lương từ ngân sách, để tuyển cho đủ số định mức, nếu chưa tuyển đủ thì hợp đồng theo Nghị định 111.

* PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CAI LẬY, TỈNH TIỀN GIANG VÕ VĂN NHANH:

Chủ động từ nguồn lực của địa phương

Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững, Huyện ủy, UBND huyện Cai Lậy đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, huyện tập trung thực hiện quyết liệt các chính sách chuyển đổi các loại hình trường lớp, đầu tư CSVC, xóa phòng học tạm, phát triển giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn.

Dù ngân sách còn khó khăn, nhiều lĩnh vực cần sự đầu tư, nhưng hằng năm huyện đã dành cho GD-ĐT khoản kinh phí nhất định để đầu tư CSVC, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học ở các trường. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, thì điều kiện về trang thiết bị, CSVC là một trong những yếu tố quyết định thành công của chương trình đổi mới.

Tuy nhiên, thực tế hơn 3 năm qua thiết bị máy móc phục vụ cho thầy cô giáo giảng dạy chưa được phân bổ kịp thời từ cấp trên. Để giải quyết khó khăn này, hằng năm, UBND huyện đã đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, trong đó tổ chức Hội thi Làm thiết bị đồ dùng dạy học, các sáng kiến kinh nghiệm của GV, chỉ đạo hệ thống giáo dục trên địa bàn tích cực khuyến khích thầy cô giáo tham gia… từ các thiết bị này đã phục vụ đáng kể cho việc giảng dạy.

Mặc dù không đảm bảo 100% nhưng cơ bản đã tháo gỡ phần nào khó khăn đối với vấn đề thiếu trang thiết bị đồ dùng dạy học. Thời gian tới, để đảm bảo thực hiện theo Chương trình GDPT mới, bên cạnh việc chờ cấp phát thiết bị dạy học mới, huyện chỉ đạo các trường học tận dụng những thiết bị sẵn có và tăng cường công tác tự làm đồ dùng dạy học phục vụ giảng dạy.

 

* CÔ CAO CHÂU THANH THỦY, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS-THPT ĐOÀN TRẦN NGHIỆP, HUYỆN GÒ CÔNG TÂY, TỈNH TIỀN GIANG:

Sáng tạo thích ứng phương pháp dạy mới

Trường THCS THPT Đoàn Trần Nghiệp triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 ở khối 6 và 7. Để chủ động cho việc triển khai Chương trình GDPT mới, nhà trường đã sắp xếp lại các tổ chuyên môn theo hướng tích hợp các môn học từ định hướng của chương trình đề ra. Có thể thấy, từ trước đến nay, hầu hết các giáo viên đa phần được đào tạo đơn môn, nay triển khai Chương trình GDPT mới phải dạy tích hợp liên môn nên gặp một số khó khăn nhất định.

Chính vì vậy, giải pháp của trường là trong từng tổ chuyên môn có dạy tích hợp như Khoa học tự nhiên, thì các thành viên trong tổ thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy ở các bộ môn với nhau để kịp thời giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới ở bậc THCS. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động cho giáo viên đi tập huấn để kịp thời nắm bắt, bổ sung kiến thức, đáp ứng tốt cho quá trình giảng dạy.

 

GIA TUỆ - ĐĂNG NGUYÊN (lược ghi)

.
.
.