.

Giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho học sinh khối tiểu học tại huyện Cái Bè

Cập nhật: 09:53, 27/03/2023 (GMT+7)

Tóm tắt: Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Việc triển khai chương trình giúp giáo viên cả nước nói chung và huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) 1 nói riêng tích cực hơn trong đổi mới mục tiêu giáo dục phổ thông, đảm bảo việc dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tạo chuyển biến tương đối rõ nét về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục.

1. Đặt vấn đề

2020 - 2021 là năm đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 1 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhờ nỗ lực của toàn ngành và sự quan tâm của các địa phương, sau 2 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc tổ chức dạy và học đã đạt được những kết quả tích cực, học sinh nắm chắc kiến thức, đảm bảo yêu cầu đề ra.

2. Kết quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1 của huyện Cái Bè

Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh/huyện đã rà soát, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình và bố trí đủ số lượng giáo viên tham gia dạy lớp 1. Thời gian đầu triển khai không tránh khỏi những vướng mắc, song được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, các trường học đã tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh.

Với chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện. Theo đánh giá của giáo viên, bộ sách “Chân trời sáng tạo” có tính mở cao, tạo “nhiều đất” cho giáo viên thể hiện:

- Có sự tham gia biên soạn của các giáo viên tiểu học đang đứng lớp nên tính thực tế tốt.

- Các bài giảng được thiết kế gắn với khám phá, hoạt động, trò chơi và vận dụng trong thực tiễn; đồng thời, tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm, bồi dưỡng năng lực tự chủ, tự học cho học sinh. Nội dung chương trình có tính mở, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh cập nhật tri thức mới.

- Học sinh được phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện, được khám phá nhiều hơn, giờ học các em năng động, hứng thú hơn; học sinh được trải nghiệm, làm việc trong giờ học; mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp học tập và bày tỏ ý kiến cá nhân.

- Cấu trúc sách mỗi môn đều có đủ các thành phần cơ bản sau: Phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục. Cấu trúc bài học bao gồm các thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng.

- Bộ sách giáo khoa có các nội dung, chủ đề kiến thức liên môn, giúp giáo viên dạy tích hợp các môn học. Ngoài ra, cập nhật một số vấn đề mà xã hội quan tâm như: Ở phân môn Tự nhiên và Xã hội bài “Em biết tự bảo vệ”, giúp học sinh biết cách bảo vệ mình, chống bị xâm hại, hoặc môn Đạo đức bài “Phòng tránh đuối nước”… hoặc giáo dục các em tình yêu quê hương, biển, đảo trong môn Tiếng Việt, những nội dung này ở chương trình cũ thường dạy lồng ghép chứ không có nội dung riêng, việc đưa nội dung này vào học rất sát với thực tế.

- Mỗi bài học ưu tiên để học sinh dễ tiếp cận, tìm tòi, khám phá, không áp đặt; học sinh có thể lựa chọn giải pháp phù hợp với sở thích, năng lực để thực hiện nhiệm vụ học tập.

- Có đầy đủ sách điện tử từng môn học

- Các bài học trong sách giáo khoa tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.

- Các tình huống và bài tập phù hợp với học sinh tiểu học. Nội dung sách bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn.

- Sau mỗi chủ điểm giáo viên, học sinh và phụ huynh nắm được yêu cầu cần đạt, phát huy được tính tự học ở học sinh. Giáo viên dễ vận dụng.

- Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác.

- Các bài học trong bộ sách tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.

- Học sinh được trải nghiệm từ vốn sống, từ đó hình thành kiến thức, phù hợp với xu thế giáo dục phát triển hiện nay.

- Hình thức trình bày sách giáo khoa cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, tranh ảnh có tính thẩm mỹ cao, gây hứng thú và phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh tiểu học. Từ ngữ, hình ảnh, nội dung gần gũi với học sinh miền Nam, cấu trúc của sách đi từ dễ đến khó, tạo điều kiện cho giáo viên dạy học theo hướng cá thể hóa.

Qua thời gian triển khai Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, ngành Giáo dục huyện Cái Bè đã thu được một số kết quả bước đầu: 100% giáo viên đều nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi trong cách nghĩ, cách làm để tiếp cận và thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở bậc học. Mỗi giáo viên có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và áp dụng vào thực tiễn hoạt động dạy học, giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục.

Theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè, việc triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 1 đến thời điểm hiện tại đảm bảo và đạt hiệu quả; chất lượng giáo dục học sinh ổn định và tăng hơn so với năm học trước. Đặc biệt, kỹ năng đọc của học sinh so với cùng kỳ năm trước được cải thiện nhiều. Giáo viên được tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình, khai thác được nhiều nguồn tài liệu trên Internet, tham gia nhiều lớp tập huấn trực tiếp cấp huyện/tỉnh. Từ đó, đội ngũ giáo viên đã tích cực, chủ động đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Đặc biệt nhờ nắm chắc chương trình nên đã phối hợp hài hòa, hiệu quả giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp mới, phát huy được tính tích cực của học sinh.

3. Một vài khó khăn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1 của huyện Cái Bè

- Nguồn học liệu điện tử vẫn chưa đáp ứng đủ. Môn Âm nhạc không cấp bộ thanh phách dẹp như sách yêu cầu. Bộ đồ dùng học tập môn Toán có các hình tam giác không đúng với mẫu, không thể ghép hình được. Vở bài tập Toán có nhiều bài tập cho một bài học, bài tập nâng cao không phù hợp với trình độ học sinh.

- Môn Tiếng Việt: Nội dung của một số bài đọc chưa phù hợp với độ tuổi học sinh, địa phương. Ở phân môn Tập viết phần luyện âm, vần, chữ hoa rất ít.

- Lượng kiến thức nhiều, học sinh khó tiếp thu hết.

Với những thuận lợi nêu trên, nhằm tạo sự đồng bộ, kết nối và đảm bảo tính liên tục trong việc sử dụng các bộ sách giáo khoa giữa các khối lớp, chúng tôi đề xuất vẫn tiếp tục sử dụng các sách giáo khoa của bộ sách “Chân trời sáng tạo” trong những năm học tiếp theo với những khuyến nghị như sau: 

- Cần có ít nhất 2 tuần số 0 để giáo viên giới thiệu, hướng dẫn kỹ về các nét cơ bản cho học sinh trước khi vào chương trình chính thức.

- Giảm bớt số vần trong một tiết, bắt đầu từ chủ đề 10, có bài dạy đến 4 vần khó.

- Không nên đưa tên riêng nước ngoài vào bài dạy lớp 1, ví dụ: En-gôn-bát, Ê-đi-xơn, Mich-ki, Sác-lô…

- Chọn những bài tập đọc ngắn, nội dung rõ ràng hơn.

- Thêm phần cho học sinh làm quen với những vần ít dùng.

- Vở bài tập Tiếng Việt giảm bớt phần cho học sinh nhìn vào tranh và viết tên của bức tranh.

- Tổ chức chuyên đề riêng theo từng môn học để giáo viên chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm.

4. Đề xuất một số giải pháp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 1 của huyện Cái Bè

Từ việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 1 rút ra bài học kinh nghiệm, cũng là cơ sở để ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở các khối lớp còn lại, là:

- Công tác xây dựng kế hoạch và triển khai các văn bản chỉ đạo phải được thực hiện thống nhất từ trên xuống, vận dụng phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhà trường.

- Đẩy mạnh truyền thông tới lãnh đạo Đảng, đoàn thể, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và những đổi mới của ngành Giáo dục nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội.

- Thường xuyên trao đổi tình hình học tập, rèn luyện của học sinh để phụ huynh đồng hành cùng nhà trường, hỗ trợ, hướng dẫn con em trong quá trình học tập.

- Công tác tập huấn phải được thực hiện kỹ lưỡng, dành nhiều thời gian cho giáo viên nghiên cứu chương trình, đọc sách giáo khoa, trao đổi và làm rõ yêu cầu cần đạt, nội dung và kỹ thuật dạy học đối với từng môn học, từng dạng bài.

- Tạo điều kiện để giáo viên chủ động linh hoạt kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế trường, lớp, khả năng tiếp thu của học sinh. Dành nhiều thời gian rèn nền nếp học tập cho học sinh lớp 1 trong thời gian đầu của năm học.

- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục. Tăng cường dự giờ, thăm lớp, tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua nghiên cứu bài học để chia sẻ kinh nghiệm dạy học, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

- Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: Chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu, công cụ hỗ trợ; không bắt buộc dạy như sách giáo khoa.

- Giáo viên linh hoạt xác định yêu cầu cần đạt theo từng giai đoạn của năm học, điều chỉnh nội dung, thời lượng trong từng bài, từng chủ đề (thay thế ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa)... giúp học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng của môn học/hoạt động giáo dục, đảm bảo mục tiêu của chương trình, yêu cầu “học đến đâu chắc đến đấy”.

- Sử dụng thành thạo các phương pháp giảng dạy và kỹ thuật dạy học phù hợp để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chú trọng dạy học theo đối tượng; thầy là người tổ chức các hoạt động học cho học sinh... tạo không khí tích cực, sôi nổi trong giờ học.

- Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ chuyên môn là thống nhất kế hoạch giảng dạy; trao đổi tháo gỡ những vướng mắc; sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả học liệu điện tử kèm theo hoặc từ các nguồn được kiểm định để tăng tính trực quan, hấp dẫn, dễ hiểu...; thường xuyên làm, sưu tầm và sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học...

- Thường xuyên sửa chữa, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung, tự làm thiết bị dạy học; làm tốt công tác xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu.
5. Kết luận

Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở khối lớp 1, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè đã chủ động chuẩn bị các điều kiện thiết yếu, kịp thời điều chỉnh, xử lý các vướng mắc phát sinh trên cơ sở coi trọng chất lượng, hiệu quả giáo dục và quyền lợi của học sinh. Đây là những bài học kinh nghiệm quý, tạo nền tảng để ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong những năm tiếp theo.

NGUYỄN VĂN HÒA
(Chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Cái Bè, Tiền Giang)

(Bài đăng  trên tạp chí Công dân & Khuyến học cơ quan ngôn luận của  Hội khuyến học Việt Nam  Dạy và Học ngày nay  tại số ISSN 2851-5769 tháng 11 năm 2022)

(1) Hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè có 8 Trường Tiểu học - Trung học cơ sở và 20 Trường Tiểu học.

Tài liệu tham khảo
1.  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020), Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang (2022), Công văn 402/SGDĐT-GDTH-GDMN ngày 24-3-2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức rà soát, đánh giá bộ sách giáo khoa lớp 1 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

 

.
.
.