.

Tiền Giang: Xây dựng văn hóa học đường, lan tỏa giá trị tốt đẹp

Cập nhật: 10:20, 29/03/2023 (GMT+7)

Cùng với công tác nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp nâng cao công tác văn hóa học đường (VHHĐ), từ đó tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh, sinh viên, thậm chí là thầy cô giáo bị "lệch chuẩn" trong cử chỉ, lời nói, văn hóa ứng xử. Chính vì vậy, việc xây dựng một hệ chuẩn mực được xem là thước đo cần thiết để VHHĐ có thể lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong ngành Giáo dục.

QUAN HỆ THẦY - TRÒ, YẾU TỐ QUAN TRỌNG TRONG VIỆC XÂY DỰNG VHHĐ

Thật ra, khái niệm VHHĐ từ lâu không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là đối với ngành Giáo dục. Thế nhưng chưa bao giờ VHHĐ thật sự trở thành mối quan tâm như trong giai đoạn hiện nay. Trong môi trường học đường, có 2 mối quan hệ cốt lõi để hình thành nên giá trị của VHHĐ đó là, mối quan hệ của thầy - trò và mối quan hệ giữa người học với nhau; trong đó, mối quan hệ thầy - trò được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và hình thành VHHĐ.

Xây dựng VHHĐ là vấn đề cấp thiết trong phát triển sự nghiệp GD-ĐT hiện nay.                                                                                                                            Ảnh: DUY NHỰT
Xây dựng VHHĐ là vấn đề cấp thiết trong phát triển sự nghiệp GD-ĐT hiện nay. Ảnh: DUY NHỰT

Thời gian qua, mặc dù ngành Giáo dục tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng trong xây dựng VHHĐ, song hiện nay vẫn còn một số thầy cô, học sinh bị “lệch chuẩn” trong giao tiếp, tác phong, ngôn phong cả trong và ngoài trường học. Mặc dù đã gần 2 năm trôi qua, song dư luận vẫn không khỏi bức xúc trước việc chỉ mâu thuẫn nhỏ vì “nghi con mèo nhà mình bị người khác bắt ăn thịt” mà một thầy giáo Trường THPT Trần Hưng Đạo đã xảy ra xô xát, hành hung vô cớ một người đàn ông đang đứng gần nhà mình, làm người này phải nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng. Có thể thấy, câu chuyện sẽ không có hậu quả nghiêm trọng nếu trong trường hợp trên người thầy giáo này biết kiềm chế cảm xúc, điều chỉnh hành vi bản thân mình theo chiều hướng ôn hòa, tốt đẹp.

Không riêng gì câu chuyện của người thầy giáo trên, hiện nay tình trạng bạo lực học đường trong từng năm học vẫn còn manh nha, nhen nhóm trong những mâu thuẫn chưa kịp thời tháo gỡ; một bộ phận học sinh có biểu hiện thờ ơ, buông thả, thiếu trách nhiệm, không tập trung học tập, sa vào các thú vui không lành mạnh, trò chơi điện tử, sống trong thế giới ảo của mạng xã hội, khép mình với thực tiễn cuộc sống chung quanh… Tất cả các vấn đề này được xem là điểm nóng nhức nhói của ngành Giáo dục, làm cho các giá trị, chuẩn mực của VHHĐ ngày càng xuống cấp.

" Thực hiện  sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, toàn ngành GD-ĐT sẽ cố gắng tập trung thực hiện mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho các em học sinh. Chính vì vậy, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp của năm học, ngành Giáo dục sẽ quan tâm nâng chất đội ngũ thầy cô giáo trong toàn ngành, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn về tư tưởng, kỹ năng để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Năm học 2022 - 2023 này, Sở GD-ĐT Tiền Giang chỉ đạo các trường học tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Trong tất cả các hoạt động của nhà trường đều hướng đến văn hóa ứng xử học đường, đó được xem là “kim chỉ nam” cho các hoạt động trong nhà trường”.


Tiến sĩ LÊ QUANG TRÍ, Giám đốc Sở GD-ĐT

Theo đánh giá của ngành Giáo dục Tiền Giang, vấn đề ứng xử học đường có xuất hiện một vài trường hợp mâu thuẫn, ẩu đả giữa học sinh với nhau. Mối quan hệ, ứng xử giữa thầy - trò, phụ huynh và giáo viên vẫn trong tầm kiểm soát của chuẩn mực ứng xử. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh cụ thể, vấn đề này cần được nhìn nhận, đánh giá đúng thực chất hơn để chấn chỉnh kịp thời nếu có biểu hiện lệch chuẩn.

Hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề giáo, thầy Nguyễn Minh Luân, một giáo viên THCS ở TP. Mỹ Tho, tâm sự: “So với ngày trước, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay gặp nhiều khó khăn. Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến chuẩn mực VHHĐ, theo tôi, nguyên nhân cốt lõi nhất đó chính là sự thay đổi của cuộc sống. Song dù ở bất cứ thời đại nào đi nữa, chúng ta vẫn là người Việt Nam, cần phải điều chỉnh đạo đức, lối sống sao cho chuẩn mực”.

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP

Sau Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” được ban hành tháng 4-2014, việc xây dựng VHHĐ trong các trường học được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm hơn. Từ tháng 8-2018 đến tháng 3-2022, Chính phủ đã ra 4 quyết định phê duyệt một số chương trình, đề án xây dựng văn hóa trong trường học.

"Góc trải nghiệm sáng tạo" tại Trường Tiểu học Bình Phú, huyện Cai Lậy giúp các em học hỏi, vui chơi.

Thực hiện Quyết định 1895 ngày 11-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 04 ngày 7-1-2022 để thực hiện Chương trình trên. Theo đó, 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổ chức các diễn đàn với nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi cho học sinh ở trường, cụ thể với phong trào “Nói lời hay - làm việc tốt”, “Gương người tốt, việc tốt”, “Gương sáng tuổi hồng”…

Theo Sở GD-ĐT Tiền Giang, bên cạnh các giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi, ngành Giáo dục cũng đã thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường; quan tâm nắm bắt tình hình tư tưởng trong học sinh; phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân và bạn bè để nhà trường và gia đình xử lý kịp thời.

Tăng cường hoạt động ngoại khóa về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh kết hợp tuyên dương những gương tốt trong học tập, rèn luyện; đồng thời nghiêm khắc kiểm điểm những trường hợp học sinh hay vi phạm để làm gương cho những học sinh khác. Các trường cũng đã thường xuyên tổ chức diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, giáo viên với học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc trong học sinh. Phối hợp với công an ở địa phương, chính quyền địa phương để kịp thời theo dõi, nắm bắt thông tin, đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về chính trị, tư tưởng liên quan đến học sinh.

Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, bên cạnh thực hiện tốt công tác giảng dạy, nhà trường đặc biệt chú trọng các biện pháp xây dựng VHHĐ. Trong mỗi học kỳ, trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, đối thoại giữa Ban Giám hiệu với học sinh, lồng ghép nội dung giáo dục giá trị truyền thống, văn hóa ứng xử, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm cộng đồng để học sinh có cơ hội giao lưu, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử với nhau.

Theo thầy Huỳnh Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường: “VHHĐ được nhà trường tập trung giáo dục cho học sinh ngay những ngày đầu của lớp 10. Theo đó, bên cạnh việc học tốt, các em cần phải tuân thủ các quy tắc của trường, lễ phép các thầy cô, hòa nhã, yêu thương với bạn bè. Bên cạnh giáo viên chủ nhiệm, nhà trường còn có mô hình “Hộp thư xanh” và “Hộp thư điện tử”, đây được xem là những địa chỉ đáng tin cậy để tiếp nhận các thông tin, kịp thời tháo gỡ nút thắt cho học sinh”.

Để VHHĐ thật sự được lan tỏa, trở thành nét đẹp trong ngành Giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, ngành Giáo dục cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp, đặc biệt là chấn chỉnh những "lệch chuẩn" trong VHHĐ, có biện pháp phát triển, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong môi trường học đường, tất cả vì sự phát triển toàn diện của học sinh trong giai đoạn mới.

NGUYÊN PHƯƠNG

.
.
.