Thứ Sáu, 08/03/2024, 09:53 (GMT+7)
.

Gỡ khó trong phân luồng học sinh sau THCS

Nhiều năm qua, cùng với Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tập trung thực hiện phân luồng học sinh sau THCS. Đây được xem là giải pháp tích cực không chỉ hướng nghiệp cho học sinh, mà còn góp phần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giảm tải đào tạo cho bậc THPT. Tuy nhiên, trên thực tế việc phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn gặp không ít khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ.

KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Theo Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xác định công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Phòng GD-ĐT huyện đã thành lập bộ phận quản lý, theo dõi công tác giáo dục, hướng nghiệp phân luồng học sinh tại 14 trường THCS trên địa bàn. 

Những năm qua, Trường Cao đẳng Tiền Giang không ngừng đổi mới trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Tiền Giang không ngừng đổi mới trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Đông Hòa, có 4 lớp 9 với 154 học sinh. Xác định công tác phân luồng quan trọng, nhà trường chú ý giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ những lớp học dưới. Trong mỗi tiết học hướng nghiệp, giáo viên liên hệ thực tế, từ đó từng bước hình thành nhận thức của học sinh đối với việc định hướng nghề nghiệp tương lai.

Theo thầy Nguyễn Công Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hòa, trong năm học qua, 25% học sinh của trường được phân luồng vào học các trường nghề. Kinh nghiệm của nhà trường cho thấy, định hướng phân luồng học sinh sau THCS phải phù hợp với năng lực, điều kiện cũng như sự đồng thuận từ phía học sinh và gia đình. Cách trao đổi với phụ huynh, học sinh cần khéo léo để thấy được ưu điểm, lợi thế của định hướng nghề sau THCS, từ đó tự nguyện lựa chọn hướng đi phù hợp.

Ở góc độ cấp tỉnh, theo phân tích của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, công tác phân luồng học sinh sau THCS thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại. Nếu như năm học 2010 - 2011 chỉ có 3,9% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề thì qua hơn 10 năm con số này đã tăng lên khoảng 6% ở những năm học gần đây.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tiền Giang tuyển sinh 13.193 chỉ tiêu năm 2024

Sáng 7-3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp năm 2024.

Năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp, với chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo 13.193 học sinh, sinh viên, học viên, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 55,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 5 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 1 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, 9 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trong năm 2023, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh gần 13.000 học sinh, sinh viên, học viên các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, đạt trên 113% kế hoạch năm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 54%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22%.

Trong năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã công nhận tốt nghiệp cho trên 9.500 học sinh, sinh viên, học viên các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, hằng năm, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn dao động khoảng 13% - 20% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không vào lớp 10 THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, không vào học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề mà vào thẳng thị trường lao động. Thậm chí có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm hoặc có việc làm không đúng với trình độ đào tạo.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến công tác phân luồng học sinh sau THCS gặp khó khăn. Trong đó phải kể đến là hiện nay học sinh chưa ý thức tầm quan trọng và sự phù hợp của việc học nghề. Phần lớn học sinh vẫn tập trung vào học các trường THPT chính quy, sau đó chọn con đường học tập tiếp tục là đại học, cao đẳng. Một số học sinh không học lên THPT chính quy thì có xu hướng bỏ học, bỏ địa phương đi làm ăn xa.

Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của việc chọn nghề, chọn ngành học của một số học sinh cũng như phụ huynh vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp; chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, chọn các nghề “hot”, nghề dễ kiếm tiền… mà chưa cân nhắc có phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đã triển khai sang năm học thứ 4 và bậc THCS được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp tại nhiều trường còn nhiều hạn chế do chưa có đội ngũ chuyên sâu cũng như đào tạo bài bản để thực hiện công tác hướng nghiệp, đa phần là do giáo viên kiêm nhiệm.

Cùng với đó là những hạn chế từ những quy định đưa ra. Có thể kể đến như việc liên thông từ trung cấp lên đại học đối với đối tượng này còn gặp vướng mắc; bởi theo Thông tư 15 của Bộ GD-ĐT quy định học sinh trường nghề học 4 môn văn hóa thì chỉ có thể liên thông lên cao đẳng, còn muốn liên thông đại học thì phải học chương trình giáo dục thường xuyên 7 môn để thi tốt nghiệp. Chính trở ngại này đã khiến nhiều học sinh không mặn mà với học nghề.

GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Giải pháp nào để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS đang là câu hỏi nan giải cho nhiều cơ sở giáo dục THCS để cùng với tỉnh triển khai thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025”.

Theo thầy Phạm Minh Tâm, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang trước hết, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các cơ sở GDPT để học sinh, phụ huynh hiểu rõ về những lợi ích của dạy nghề và phân luồng trong các cơ sở giáo dục.

Đối với việc triển khai Chương trình GDPT mới cần chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp; đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp…

Cùng với ngành GD-ĐT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay cũng phải đổi mới chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp, trong đó chú trọng đến kỹ năng thực hành nghề nghiệp và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp các trường nghề.

Đơn cử như Trường Cao đẳng Tiền Giang, một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh trong quá trình đào tạo đã liên kết với trên 32 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập, tạo cơ hội việc làm cũng như cùng với nhà trường góp ý chương trình đào tạo.

Đ.PHI

.
.
.