Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025: Nắm chắc kiến thức, vận dụng tốt kỹ năng làm bài
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, với nhiều điểm mới trong cấu trúc đề thi và cách đánh giá. Kỳ thi được xem là cơ hội để học sinh rèn luyện tư duy độc lập, chủ động thích ứng với đổi mới giáo dục.
Theo đó, sau tháng 5, học sinh lớp 12 của tỉnh Tiền Giang sẽ bước vào giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Việc ôn luyện sẽ không còn là học vẹt hay làm đề tràn lan, mà đòi hỏi học sinh phải có chiến lược rõ ràng, bám sát năng lực cá nhân và nội dung cốt lõi.
TẬP TRUNG ÔN TẬP HIỆU QUẢ
Toán là môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nếu mọi năm, đề thi môn Toán chỉ có một dạng thức là trắc nghiệm 4 lựa chọn, thì đề thi môn Toán năm nay sẽ có 3 dạng thức chính là trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng, sai và trắc nghiệm trả lời ngắn. Đây là dạng đề hoàn toàn mới, do đó rất thách thức với thí sinh. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian hơn 1 tháng còn lại, thí sinh phải có chiến lược ôn thi vững chắc.
![]() |
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) trong giờ ôn thi. |
Theo thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho), cộng tác viên môn Toán của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, ở giai đoạn nước rút, việc xây dựng một kế hoạch ôn tập rõ ràng và đều đặn là yếu tố quyết định.
Học sinh cần chia thời gian hợp lý theo tuần và theo từng chuyên đề, tránh việc học dồn dập vào sát kỳ thi. Việc kiên trì thực hiện kế hoạch không chỉ giúp hệ thống kiến thức, mà còn giảm áp lực tâm lý khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chính thức.
Bên cạnh đó, ôn tập môn Toán theo chuyên đề kết hợp luyện đề là cách học hiệu quả. Học sinh nên tập trung vào từng nhóm nội dung như hàm số, mũ - logarit, hình học không gian hay xác suất để nắm chắc phương pháp giải. Khi đã hiểu sâu lý thuyết từng phần, việc áp dụng vào giải đề sẽ nhanh hơn, chính xác hơn. Việc luyện đề môn Toán cần có chiến lược rõ ràng.
Thí sinh nên làm đề thi thử trong khoảng thời gian 90 phút như thi thật để làm quen với áp lực thời gian. Quan trọng nhất là phải rà soát lại các câu sai, tìm ra nguyên nhân và ôn lại phần kiến thức còn thiếu, thay vì chỉ làm đề một cách máy móc.
Cuối cùng, lựa chọn tài liệu ôn tập môn Toán phù hợp với Chương trình GDPT mới là điều cần thiết. Những cuốn sách được biên soạn theo định hướng mới thường có phân chia dạng bài rõ ràng, bám sát cấu trúc đề thi, từ đó giúp học sinh làm quen với cách ra đề và nâng cao kỹ năng xử lý nhanh các dạng toán.
Cùng với môn Toán, Ngữ văn cũng là môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đề thi môn Văn bao gồm hai phần: Đọc hiểu và làm văn. Trong đó, phần làm văn thường chiếm tỷ trọng điểm số cao nhất và là yếu tố then chốt quyết định thành bại của bài thi.
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Vân, Tổ trưởng Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, với phần đọc hiểu, học sinh cần luyện tập theo từng dạng bài cụ thể được giáo viên hướng dẫn trên lớp. Trong quá trình làm bài, cần đặc biệt lưu ý đến các kiến thức về thể loại văn bản, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, cũng như kỹ năng sử dụng từ ngữ, viết câu và diễn đạt đoạn văn ngắn sao cho súc tích, rõ ý. Học sinh nên tránh viết lan man, dài dòng, không đúng trọng tâm câu hỏi, bởi điều này dễ mất điểm đáng tiếc.
Riêng phần làm văn đòi hỏi sự chắc chắn về kiến thức, khả năng tư duy và kỹ năng trình bày mạch lạc. Học sinh nên vận dụng linh hoạt các phương pháp làm bài đã được học, như cách phân tích tác phẩm thơ hay văn xuôi, hoặc nghị luận về một vấn đề xã hội hay tư tưởng đạo lý. Việc phân bổ thời gian làm bài hợp lý cũng rất quan trọng - tránh sa đà vào một ý mà không kịp hoàn chỉnh toàn bài.
Mỗi đoạn văn hay bài văn cần đảm bảo đầy đủ ba phần: Mở bài (hoặc mở đoạn) để giới thiệu và dẫn dắt vào yêu cầu đề bài; thân bài (hoặc thân đoạn) để triển khai, phân tích, làm sáng tỏ vấn đề; kết bài (hoặc kết đoạn) để khẳng định lại trọng tâm nội dung đã trình bày, tạo ấn tượng trọn vẹn cho bài viết.
Một lưu ý quan trọng là học sinh nên ôn kỹ các nội dung, các vấn đề mà thầy cô đã dạy trên lớp, đưa các ví dụ minh họa thực tế vào bài viết thêm sinh động. Trong đó, chú ý phần thực hành, càng luyện viết nhiều, càng quen với bố cục và cách diễn đạt, học sinh sẽ càng tự tin khi bước vào phòng thi.
HỖ TRỢ HỌC SINH TRUNG BÌNH, YẾU
Ngay sau khi kiểm tra học kỳ II, căn cứ vào số điểm, tình hình học tập của từng học sinh, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã sàng lọc ra những học sinh hỏng kiến thức, tiếp thu chậm... để theo sát và tăng cường ôn tập cho các em.
Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy) có trên 500 học sinh lớp 12. Trong thời gian còn lại từ nay đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhà trường dành nhiều thời gian hơn cho học sinh lớp 12 để ôn tập. Không phải đợi đến học kỳ II nhà trường mới tăng tốc ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho học sinh, mà việc này được tiến hành ngay đầu năm học.
Tiền Giang có 7 trường được ưu tiên xét tuyển Trong danh sách này có 7 trường THPT của tỉnh Tiền Giang gồm: Chuyên Tiền Giang, Cái Bè, Đốc Binh Kiều, Nguyễn Đình Chiểu, Chợ Gạo, Vĩnh Bình và Trương Định. |
Đối với các em học sinh có học lực yếu kém, thuộc diện nguy cơ tốt nghiệp THPT thấp, cần quan tâm, chăm lo, giúp đỡ bồi dưỡng kiến thức cho các em. Nhà trường đã bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán ở các bộ môn để ôn tập cho học sinh, tập trung truy bài, tăng cường kết hợp các biện pháp giữa nhà trường và gia đình hướng đến mục tiêu giúp các em có kết quả tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo thầy Huỳnh Văn Hữu, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Khoa Huân (huyện Chợ Gạo), ôn thi cho học sinh thuộc diện nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT khác với các em học sinh trung bình, yếu. Về mặt kiến thức, giáo viên đặc biệt quan tâm những em hỏng kiến thức chỗ nào, hoặc chưa làm được bài, từ đó dành thời gian để giảng lại kiến thức, hướng dẫn các em làm bài tập phù hợp năng lực, để có thể đạt được mức trung bình và thi đậu tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, giáo viên phải thường xuyên quan tâm về mặt tình cảm, gia cảnh, phối hợp với phụ huynh để cùng tháo gỡ các vấn đề khó khăn phát sinh, tất cả nhằm mục tiêu giúp các em tốt nghiệp THPT.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn, thời điểm hiện tại, Sở và các cơ sở giáo dục phổ thông đang nỗ lực hết mình, quyết tâm nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đây là năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT năm 2018. Đặc biệt, các trường cần chú ý quan tâm, có kế hoạch giúp đỡ học sinh lớp 12 có học lực yếu kém để các em có thể đủ kiến thức, tự tin tham gia kỳ thi quan trọng này với kết quả tốt nhất.
Phát huy những kết quả của những Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực ôn tập cho học sinh lớp 12, tất cả với mục tiêu nâng cao chất lượng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
ĐỖ PHI