Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sao cho hiệu quả?
Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày (không thu phí) đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) được đông đảo phụ huynh, học sinh và dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức như thế nào để thực sự mang lại hiệu quả, giảm áp lực học tập cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện.
Trước hết, muốn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì phải có đủ trường lớp, hệ thống cơ sở vật chất đi kèm và đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, cùng với đó, phải thiết kế chương trình dạy học phù hợp.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 6-4 vừa qua, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, dạy học 2 buổi/ngày không phải việc mới trong giáo dục, khi có đủ điều kiện, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là rất tốt. Thực tế cho thấy, ở đâu tổ chức hiệu quả việc dạy học 2 buổi/ngày thì chất lượng giáo dục toàn diện ở đó khá hơn.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh, để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, phải hội đủ 3 yếu tố: Đủ cơ sở vật chất; đủ giáo viên; có chương trình dạy học và các hoạt động khác khoa học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, đối với cấp tiểu học, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định rõ việc dạy học 2 buổi/ngày là bắt buộc. Từ nhiều năm qua, các địa phương trên cả nước đều đã triển khai cho hầu hết học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học khá thuận lợi, đã đi vào nền nếp khi hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất phục vụ ăn, ngủ bán trú… cơ bản được các địa phương đầu tư đầy đủ, đồng bộ.
![]() |
Học sinh Trường Tiểu học Đống Đa (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) học tập ngoại khóa. |
Tuy nhiên, với cấp THCS, việc dạy học 2 buổi/ngày còn chưa nhiều. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do thiếu cơ sở vật chất và giáo viên. Đơn cử như tại Hà Nội, đến nay mặc dù 100% trường tiểu học đã đủ điều kiện cơ sở vật chất thực hiện học 2 buổi/ngày, nhưng ở cấp THCS, khá nhiều trường cả trong nội thành và ở những huyện ngoại thành cho biết cần phải đầu tư bổ sung thêm trường, phòng học mới có thể thực hiện triển khai dạy 2 buổi/ngày từ năm học tới.
Vì vậy, để có thể triển khai dạy học 2 buổi/ngày từ năm học 2025-2026 tới, các địa phương cần khẩn trương rà soát, đầu tư đồng bộ hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất phục vụ bán trú cũng như các hoạt động giáo dục thể chất, kỹ năng... Đồng thời, kiện toàn đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ giáo viên cho hoạt động dạy học, cả các môn văn hóa và các hoạt động giáo dục khác.
Có một thực tế cần khắc phục ở cả cấp tiểu học và THCS là thời gian qua, phần lớn các nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đều tập trung vào dạy các môn văn hóa, thiếu vắng các nội dung như kỹ năng sống, các môn học như âm nhạc, mỹ thuật, các hoạt động thể chất… Điều này khiến việc học 2 buổi/ngày thực chất biến thành “lò luyện” các môn văn hóa, áp lực học tập, thành tích, điểm số không giảm, các em không có điều kiện học tập, phát triển năng khiếu, thể chất, bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo các chuyên gia, thiết kế một chương trình giáo dục hợp lý, khoa học là yếu tố cốt lõi để triển khai hiệu quả việc dạy học 2 buổi/ngày. Nội dung chương trình phải bảo đảm vừa đúng quy định của Bộ GD&ĐT về thời lượng dạy các môn văn hóa, vừa kết hợp hài hòa các hoạt động giáo dục khác phù hợp với tâm lý, lứa tuổi nhằm hình thành cho học sinh phẩm chất, năng lực, các kỹ năng, từ đó giúp các em phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ...
Vì thế, Bộ GD&ĐT cần sớm rà soát, đánh giá lại hoạt động dạy học 2 buổi/ngày thời gian qua, đồng thời căn cứ vào quan điểm, mục tiêu, nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để có hướng dẫn chung, thực hiện thống nhất với từng cấp học trên toàn quốc.
Một vấn đề nữa cũng rất cần quan tâm là cơ chế hỗ trợ tài chính cho nhà trường và đội ngũ giáo viên. Thực tế, các nhà trường, giáo viên đều rất tâm huyết, không ngại khó khăn khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, đồng lương giáo viên còn thấp, nhằm góp phần để đội ngũ giáo viên thêm yên tâm công tác, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, hội đồng nhân dân một số địa phương có nghị quyết cho phép thu hỗ trợ học buổi 2 đối với học sinh cấp THCS. Nếu thực hiện dạy học 2 buổi/ngày không thu học phí, cần có giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp cho các nhà trường, giáo viên.
Cùng với đó, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ giữa các nhà trường, giữa các môn học trong một trường ở cấp THCS vẫn còn tồn tại, vì vậy, nếu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ không thể tránh khỏi việc không ít giáo viên dạy thừa giờ. Hiện nay mặc dù đã có quy định về chế độ chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên nhưng do kinh phí khá lớn nên việc bảo đảm gặp khó khăn, có lúc không kịp thời. Mong rằng, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương quan tâm giải quyết bất cập này, góp phần thiết thực động viên các thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc): Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đến nay, 100% trường tiểu học trên địa bàn huyện Sông Lô đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và không thu học phí, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Dự kiến từ năm học 2025-2026, 100% các nhà trường sẽ triển khai dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp THCS. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về cơ sở vật chất, trường lớp cơ bản đáp ứng yêu cầu, thì việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên. Để việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không thu học phí ở cả cấp tiểu học và THCS được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT nghiên cứu bổ sung hướng dẫn về nội dung và kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, nhằm khắc phục thực trạng dạy học hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào các môn văn hóa, chưa bảo đảm tính toàn diện của chương trình mới. Đối với địa phương, thời gian tới cần bổ sung chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục, đồng thời bố trí ngân sách phù hợp bảo đảm chế độ dạy thêm giờ cho đội ngũ giáo viên. |
(Theo qdnd.vn)