Thứ Tư, 13/11/2013, 13:43 (GMT+7)
.

Bệnh viện Lao&Bệnh phổi tỉnh: Làm theo Bác qua việc nâng cao y đức

Làm việc trong môi trường mà ai cũng biết có thể mắc bệnh nghề nghiệp, nhưng với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh (gọi tắt là bệnh viện) đã chấp nhận ở lại, vượt qua khó khăn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Từ khi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chuyển sang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, được Chi ủy và Ban Giám đốc bệnh viện triển khai sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân viên của bệnh viện, từ đó nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân viên được nâng lên, xem việc học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ thường xuyên, hàng ngày và gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

 Bác sĩ tham gia hội chẩn để điều trị bệnh nhân.
Bác sĩ tham gia hội chẩn để điều trị bệnh nhân.

Hiện nay, vẫn còn nhiều người kỳ thị đối với đội ngũ những người làm công tác điều trị và chống lao, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS. Chính vì vậy, đôi khi các y, bác sĩ và nhân viên của bệnh viện không muốn cho ai biết công việc của mình.

Làm công tác điều trị và chống lao, chăm sóc  bệnh nhân HIV/AIDS phải tiếp xúc với nguồn gây bệnh từ năm này sang năm khác, nguy cơ lây nhiễm bệnh do tai nạn nghề nghiệp là điều có thể xảy ra. Vì vậy, trước đây, đôi khi y, bác sĩ còn tâm lý e dè, ngại tiếp xúc, gần gũi với bệnh nhân.

Từ khi thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện đã có sự chuyển biến rõ rệt, được thể hiện rõ nét qua những việc làm cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đó là tinh thần tận tụy phục vụ bệnh nhân theo phương châm: Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo.

Làm việc trong ổ vi trùng, việc phơi nhiễm virus lao hay tai nạn nghề nghiệp là điều luôn chực chờ và có thể xảy ra ở bất kỳ lúc nào. Đã có 1 y sĩ bị phơi nhiễm lao (đã được điều trị khỏi) và 1 điều dưỡng sau khi tiêm thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS đã bị kim tiêm đâm vào tay, may mắn đã không bị phơi nhiễm HIV.

Tuy đã có những cas tai nạn nghề nghiệp, nhưng nhờ được học tập tấm gương hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Bác Hồ, đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã quên đi nỗi ám ảnh tai nạn nghề nghiệp, sẵn sàng phục vụ tận tình bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân HIV/AIDS cảm thấy ấm lòng khi sự kỳ thị đã không còn, mà thay vào đó là sự ân cần chăm sóc của những người mặc áo blouse trắng ở bệnh viện. 

Khi mới thành lập bệnh viện (năm 2002), đội ngũ bác sĩ chỉ có 5 người (1 bác sĩ chuyên khoa I) và 11 điều dưỡng. Để công tác điều trị và chống lao đạt hiệu quả cao, chi ủy và ban giám đốc bệnh viện xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Chính vì vậy, bệnh viện tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ để đưa đi đào tạo. Các y sĩ lần lượt được đưa đi chuyên tu bác sĩ; bác sĩ thì đưa đi đào tạo sau đại học. Chỉ trong 4 năm, bệnh viện đã có 9 bác sĩ, trong đó có 1 thạc sĩ và 5 bác sĩ chuyên khoa I. Điều đáng mừng là, đến nay đã có 4 bác sĩ chuyên khoa II.

Hiện nay, bệnh viện tiếp tục đưa đội ngũ bác sĩ đi đào tạo để nâng cao kiến thức chuyên môn, tay nghề, đáp ứng yêu cầu khám và điều trị bệnh nhân. Trong lúc anh em đi học, đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện đã gồng gánh công việc cho nhau.

Ban Giám đốc ngoài công tác quản lý, còn tham gia khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau mà đội ngũ y, bác sĩ đã học được từ tấm gương đạo đức và phong cách làm việc của Người.. 

Bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Đối với bệnh nhân lao kháng thuốc thì chi phí điều trị tốn kém gấp 100 lần bệnh lao bình thường. Bên cạnh đó, do Bệnh viện Lao & Bệnh phổi của tỉnh chưa thể điều trị được bệnh lao kháng thuốc, nên bệnh nhân phải lên TP. Hồ Chí Minh để điều trị, do đó càng tốn kém hơn.

Chính vì vậy, những bệnh nhân bị lao kháng thuốc khó có điều kiện để điều trị lâu dài. Đó là niềm trăn trở của đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện. Từ những trăn trở đó, trong thời gian vừa qua, đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho bệnh nhân.

Điều đáng mừng là bệnh viện đã xây dựng được phác đồ điều trị bệnh lao kháng thuốc. Hiện nay, bệnh viện đang điều trị 9 cas lao kháng thuốc, kết quả bước đầu cho thấy bệnh nhân có tiến triển tốt. Đây là tin vui cho bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn tỉnh nhà.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện điều trị nội trú (bệnh lao nặng phải cấp cứu và các bệnh về phổi) từ 50 đến 60 ca; mỗi năm có khoảng 80 đến 100 cas lao do HIV/AIDS. Bệnh viện còn khám và điều trị ngoại trú trung bình 30 cas mỗi ngày. Hiệu quả chống lao của tỉnh đã bền vững trong nhiều năm qua, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị khỏi luôn đạt ở mức trên 94%.

Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ: Từ khi triển khai thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chuyển sang thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, ân cần trong việc khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, tạo uy tín cho đơn vị. Trong những năm qua, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày càng tăng, nhưng tập thể y, bác sĩ của bệnh viện không để xảy ra sai sót do thiếu tinh thần trách nhiệm.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.