Thứ Hai, 04/05/2015, 14:05 (GMT+7)
.

Cần có giải pháp cụ thể để duy trì và phát triển ICT-INDEX

Năm 2013, giới chuyên môn đánh giá chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT-INDEX) của Tiền Giang đứng hạng 63/63 tỉnh, thành. Để cải thiện tình trạng này, năm 2014 lãnh đạo UBND tỉnh đã ký kết hợp tác chiến lược về Viễn thông - Công nghệ thông tin (CNTT) với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2020 nhằm đưa hạ tầng mạng truyền thông dữ liệu vào các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh trở thành kênh truyền dẫn chính thống phục vụ truyền dẫn, gửi nhận thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, có khả năng đáp ứng tốt mọi yêu cầu triển khai các dịch vụ CNTT, góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo VNPT Tiền Giang về tình hình đầu tư  và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh.
Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo VNPT Tiền Giang về tình hình đầu tư và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nhiều dự án CNTT đã được UBND tỉnh phê duyệt và bố trí vốn thực hiện trong năm 2014. Đến nay, đối với cấp tỉnh tỷ lệ cơ quan có mạng LAN 24/24 đơn vị, đạt 100%; tỷ lệ cơ quan có kết nối internet tốc độ cao đạt 100%. Đối với cấp huyện tỷ lệ cơ quan có mạng LAN và kết nối internet tốc độ cao 11/11 đơn vị, đạt 100%.

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc cũng đã triển khai sử dụng trên phạm vi rộng gồm: Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị sự nghiệp tỉnh, 11 UBND cấp huyện, 173 đơn vị cấp xã. Chính thức ra mắt Cổng thông tin điện tử gồm 1 cổng chính và 35 cổng thành phần của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện... Nhờ vậy, ICT-INDEX của tỉnh năm 2014 đã tăng lên hạng 33/63 tỉnh, thành. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, cuộc giám sát của HĐND tỉnh về tình hình ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước mới đây cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Các phần mềm ứng dụng CNTT chưa được liên thông đến tất cả các đơn vị, một số đơn vị chưa thường xuyên truy cập vào phần mềm nên việc gửi công văn đi còn phát hành song song cả 2 hình thức văn bản giấy và phần mềm quản lý văn bản nên mất nhiều thời gian. Mặt khác, đa số cán bộ làm công tác CNTT đều kiêm nhiệm nên việc triển khai thực hiện chưa thường xuyên; trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức chưa đồng đều nên việc ứng dụng CNTT còn hạn chế.

Theo Sở Công thương, khó khăn lớn nhất của sở hiện nay là chưa có nguồn kinh phí để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đến với tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, trong khi số lượng hồ sơ tiếp nhận là rất lớn. UBND các huyện, thành phố cũng cho rằng, việc ứng dụng CNTT đòi hỏi phải trang bị cho 100% công chức, viên chức máy tính và các thiết bị khác nhưng do cơ chế tài chính có hạn nên chưa thể đầu tư hệ thống hạ tầng, máy móc đầy đủ phục vụ việc ứng dụng CNTT.

Lãnh đạo các sở, ngành cũng phản ánh Nhà nước yêu cầu tăng cường ứng dụng CNTT trong xử lý công việc nhưng lại không cho mua sắm thiết bị hiện đại như: Laptop, máy tính bảng (do không nằm trong danh mục phương tiện thiết bị được mua) để thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuận tiện trong việc chỉ đạo công việc khi đi công tác xa hay hội họp thường xuyên. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong ứng dụng CNTT…

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho rằng: “Việc triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước tỉnh năm 2014 đã đạt được những kết quả khả quan, ICT-INDEX  từ hạng 63 đã tăng lên hạng 33, kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của sở cùng các ngành hữu quan dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Chúng tôi luôn xác định không phải nâng ICT-INDEX  lên rồi chờ ngày hạ xuống mà cần có giải pháp cụ thể để làm sao duy trì và phát triển ICT-INDEX  ngày càng bền vững. Đây là công việc đòi hỏi tính lâu dài và có lộ trình cụ thể. Sở TT&TT cũng đã và đang cụ thể hóa lộ trình này, song, vẫn rất cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với VNPT Tiền Giang, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại ở các sở, ngành, địa phương”.

Ngoài ra, theo Sở TT&TT, năm 2015, Sở TT&TT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư ứng dụng CNTT theo hướng tập trung hiện đại, tận dụng mọi nguồn lực địa phương, bảo đảm tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đào tạo và nhận chuyển giao công nghệ từ các dự án CNTT nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tự chủ trong bảo trì, nâng cấp các hệ thống CNTT cho cán bộ làm công tác CNTT.

Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư ứng dụng CNTT năm 2015 trên 16 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn sự nghiệp tỉnh 359 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư tỉnh 16.506 triệu đồng) sẽ tập trung đầu tư cho các dự án CNTT. Khi các dự án này hoàn thành cũng sẽ khắc phục nhiều hạn chế đã và đang tồn tại.

Hy vọng rằng, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, cùng tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Sở TT&TT và các đơn vị liên quan, ICT-INDEX  của tỉnh sẽ có những bước đi đột phá và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

HOÀI THU

.
.
.