Thứ Bảy, 19/08/2017, 09:42 (GMT+7)
.

Tiếp thị trực tuyến, làm sao cho hiệu quả?

Để theo kịp xu hướng tăng tốc của thương mại điện tử, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang tăng dần các hoạt động tiếp thị, quảng cáo trực tuyến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Diễn đàn tiếp thị trực tuyến năm 2017 vừa được Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam khởi xướng tại TP.Hồ Chí Minh lại cho thấy không hẳn cứ “chi đậm” cho các quảng cáo online là doanh nghiệp sẽ nhận lại hiệu quả tương ứng về doanh số.

Công cụ nền tảng cho tiếp thị trực tuyến được khuyến nghị là Facebook, Youtube. Ảnh minh họa
Công cụ nền tảng cho tiếp thị trực tuyến được khuyến nghị là Facebook, Youtube. Ảnh minh họa

Thực tế xu hướng tiêu dùng trực tuyến

Theo báo cáo của Google thực hiện cùng Quỹ đầu tư Temasek của Singapore năm 2016, giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn bộ khu vực Đông Nam Á có thể lên đến 200 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, thị trường Việt Nam chiếm 7,5 tỷ USD, tức giá trị giao dịch thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng khoảng 700% trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.

Hiện có đến 70% số người dùng tìm kiếm sản phẩm online thông qua kênh tìm kiếm của Google. Con số này đã tăng 85% trong 3 năm gần đây. Có thể nhận thấy sự tăng trưởng này xuất phát từ sự tăng trưởng sử dụng điện thoại thông minh khi thương mại điện tử Việt Nam đang ghi nhận đa số giao dịch có xu hướng chuyển dần qua các thiết bị di động thay vì các thiết bị cố định nối mạng như trước đây.

Cùng với sự phát triển của xu hướng tiêu dùng trực tuyến, các nhà làm marketing cho kênh thương mại điện tử không còn phân loại khách hàng mục tiêu đơn giản theo giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp mà còn sàng lọc theo rất nhiều thông tin có liên quan khác đến hành vi tiêu dùng, như thời điểm online thường xuyên nhất hay những nội dung được truy cập nhiều nhất, thậm chí cả hạ tầng viễn thông mà người tiêu dùng online sử dụng…

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM): “Hiện chưa có phân tích định lượng nào về mối liên hệ giữa xu hướng tăng trưởng của thương mại điện tử và tiếp thị trực tuyến, nhưng có thể nhận định rằng tiếp thị trực tuyến cũng phải tăng trưởng bằng hoặc nhanh hơn mức dự báo 700% của thương mại điện tử”.

Tiếp thị trực tuyến giúp giảm áp lực cho startups

Sau thời kỳ phát triển rực rỡ của internet, thế giới đã hình thành những đế chế công nghệ khổng lồ như Microsoft, Apple, Facebook... Nhưng càng những năm gần đây, số start-up trưởng thành và gia nhập “làng của những người khổng lồ” trong ngành công nghệ dường như ngày càng ít dần. Không chỉ chịu áp lực thâu tóm từ các đại gia công nghệ, những start-up mới nổi còn chịu gánh nặng về chi phí tiếp thị online và hiệu quả của hình thức quảng bá này so với các bậc “đàn anh”.

Thực tế khảo sát 5.000 DN của VECOM năm 2016 cũng cho thấy chi phí cho tiếp thị trực tuyến của các DN thường xuyên tăng, năm sau cao hơn năm trước. Còn tiếp thị trực tuyến trên các mạng xã hội dù khá phổ biến nhưng hiệu quả chưa cao. Với khả năng “chịu chi” mạnh hơn, thế giới kinh doanh online phải chăng đang trở thành cuộc đua chỉ dành cho những DN “đại gia”? Vậy làm sao để một DN nhỏ với tài chính hạn chế có được giải pháp tiếp thị trực tuyến tối ưu?

Ông Nguyễn Huy Hoàng, một đại diện đến từ Yeah1 Network cho biết: DN trước hết phải định hình cá tính và giá trị riêng cho thương hiệu của mình. Sau đó xem người tiêu dùng chia sẻ yếu tố nào nhiều nhất để tập trung vào chính điểm thu hút này. Những nội dung mạng quảng bá cho sản phẩm dịch vụ không nhất thiết trực tiếp có liên quan đến sản phẩm hoặc thương hiệu.

“Điển hình như một DN lữ hành không chỉ đăng các thông tin quảng cáo về tour tuyến, điểm đến du lịch mà cũng cần có thêm các nội dung về giải trí, văn hóa đi cùng”, ông Hoàng cho biết.

Đặc biệt, việc sử dụng những người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó (KOLs) để dẫn dắt cộng đồng mạng nên được sử dụng một cách cẩn trọng và “tiết kiệm”.

Quảng cáo trực tuyến sẽ không hiệu quả nếu các KOLs không có tương tác với nội dung cần chuyển tải đến người tiêu dùng. Kinh nghiệm của Yeah1 Network cho thấy những KOLs dù khá nổi tiếng nhưng nếu chỉ đơn thuần đăng clip về sản phẩm lên mạng thì đối tượng người xem hầu như rất ít. Còn các KOLs tự mình trình diễn các nội dung liên quan đến sản phẩm thì lượng người theo dõi lại vô cùng đông đảo. “KOLs cũng là con người, nhưng không phải phù hợp cho mọi sản phẩm, dịch vụ dù họ đang rất nổi tiếng”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Những gợi ý chung cho tiếp thị trực tuyến

Theo thống kê của Facebook, Việt Nam hiện có có 51 triệu người dùng mạng mỗi tháng, 32 triệu người dùng mạng mỗi ngày, trong đó khoảng 30 triệu người dùng Facebook trên điện thoại thông minh. Người dùng Facebook cũng ít kiên nhẫn hơn khi online qua điện thoại so với online trên máy tính để bàn. Người ta dành nhiều thời gian gấp 5 lần để xem các nội dung video trên Facebook so với các nội dung ảnh và nội dung dạng văn bản.

Vì vậy, theo quan điểm của ông Lior Illouzu, Giám đốc đối tác Chiến lược của Facebook tại Singapore, DN “cần đầu tư nhiều hơn cho các clip dành để quảng bá trên các thiết bị di động thông minh, nhất là những clip có khả năng thu hút sự chú ý cao ngay từ những hình ảnh đầu tiên”, có thể không cần tiếng nhưng phải có minh họa văn bản hoặc đồ họa đi kèm, cũng có thể thử nghiệm nhiều khung hình khác nhau phù hợp với nhiều dòng thiết bị di động thay vì rập khuôn theo tỉ lệ của truyền hình.

Những công cụ nền tảng cho tiếp thị trực tuyến phổ biến khác hiện được khuyến nghị đến các DN là Facebook, Youtube và “ngôi sao đang lên” Zalo của Tập đoàn VNG. Cũng theo bà Nguyễn Thị Trà My, Phụ trách marketing sản phẩm trên Zalo, tiếp thị sản phẩm bằng cách mở các cửa sổ tư vấn online để người tiêu dùng nói chuyện (ở dạng text) trực tiếp với người bán hàng là hình thức tiếp thị trực tuyến khiến khách hàng hài lòng nhất, đạt 73%, cao hơn hẳn so với mức độ hài lòng của các phương thức khác như gửi email hoặc gọi điện thoại trực tiếp.

Theo khảo sát của Tập đoàn Nielsen, hiện Việt Nam đang là một trong những quốc gia có người tiêu dùng lạc quan nhất thế giới, đến quý IV năm 2016 Việt Nam đã đạt 112 điểm, xếp thứ 5 toàn cầu. Người tiêu dùng Việt Nam cũng được xem là nhóm “siêu kết nối”, tức có thời gian sử dụng internet ở mức cao. Cùng với xu thế yêu thích các sản phẩm công nghệ di động và thông minh thì đây rõ ràng là môi trường thuận lợi không nhỏ cho thương mại điện tử nói chung và tiếp thị trực tuyến nói riêng của Việt Nam.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.