Thứ Hai, 13/11/2017, 20:56 (GMT+7)
.

Những sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống

Có thể nói, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng lần thứ X năm học 2016 - 2017 (gọi tắt là Cuộc thi) do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH-KT) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hằng năm là sân chơi bổ ích. Nhiều ý tưởng từ Cuộc thi xuất phát từ chính cuộc sống hằng ngày của các em. Những vỏ chai, bóng đèn led trong chiếc đèn Trung thu cũ, đĩa CD cũ… tưởng chừng như vô hình, nhưng qua bàn tay của các em, những vật dụng đó đã trở thành những sản phẩm hữu ích.

Nhiều mô hình sáng tạo của học sinh mang tính ứng dụng cao.
Nhiều mô hình sáng tạo của học sinh mang tính ứng dụng cao.

Nhìn các sản phẩm trên “Bàn học của em” do Nguyễn Thị Minh Thư, Trường Tiểu học (TH) Lê Quý Đôn, TP. Mỹ Tho làm từ những vật dụng được chế tác từ đĩa CD cũ như: Hộp đựng bút, đèn, thời khóa biểu… trông rất dễ thương. Hay như, sản phẩm “Thùng rác di động” của em Hồ Quỳnh Như, Trường TH Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè là cái bình nhựa pet loại lớn được cắt tạo hình chú heo ngộ nghĩnh, gắn thêm 4 bánh xe để di chuyển dễ dàng.

Dụng cụ mài dao, kéo, kềm của em Trần Yến Nhi, Trường Trung học cơ sở (THCS Võ Duy Linh, huyện Gò Công Đông được tạo thành từ bộ nguồn, ổ đĩa cứng của máy tính bàn và giấy nhám. Những chai nước khoáng bỏ đi cũng được các em “hô biến” thành cái phao đeo cho học sinh vùng lũ…

Thầy Đặng Hoàng Em, giáo viên môn Vật lý, Trường THCS Tân Thanh, huyện Cái Bè cho biết: “Cuộc sống của các em ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Ý tưởng tạo ra những sản phẩm hữu ích không ngoài mục đích giải quyết những khó khăn đó. Vì vậy, nhiều em rất thích tìm tòi, sáng tạo. Tôi phải tùy theo những gì các em đã học để hướng dẫn các em làm các sản phẩm...”. 

Sản phẩm “Máy phun sương đa năng” (đoạt giải Ba) của em Nguyễn Tuấn Kiệt, lớp 111, Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công ra đời từ những ngày hè nóng nực. Kiệt cho biết, em muốn giải nhiệt nhờ việc phun sương hơi nước có mùi thơm từ lá cây quê mình: Chanh, quế… Sau đó, máy được cải tiến, điều chỉnh lượng nước để tưới phân trên lá.

Thấy người dân quê mình rải phân bằng tay dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, ước lượng không đều dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, lại phải cực nhọc lội xuống đồng ruộng, em Huỳnh Huy Hoàng, Trường THPT Chợ Gạo chế tạo mô hình “Rải phân”, không chỉ trộn, rải đều, mà còn có thể điều khiển từ xa.

Do tập tính bươi, bới của loài gà nên khi cho ăn thức ăn thường vương vãi. Để tránh lãng phí, em Võ Nhật Huy, Trường TH Phước Lập 2, huyện Tân Phước đã nghĩ ra “Máng ăn tự động” để khi gà đứng lên bệ thì máng sẽ tự bật ra, khi ăn xong, rời khỏi bệ đứng thì máng sẽ đóng lại.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Cuộc thi, các sản phẩm của các em đều thể hiện được ý tưởng khoa học, kỹ năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khá hoàn chỉnh; nhiều mô hình có tính ứng dụng cao, tạo sự đam mê trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng bài học vào thực tiễn. 

Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH-KT tỉnh Nguyễn Văn Khang khẳng định: “Qua 10 năm tổ chức Cuộc thi, công tác tổ chức ngày càng hoàn thiện. Cuộc thi được các cấp quản lý, các đoàn thể và thu hút nhiều học sinh quan tâm, hăng hái tham gia. Đây là sân chơi trí tuệ, lý thú, đã góp phần khơi dậy tiềm năng và phát huy khả năng sáng tạo của các em. Số lượng các sản phẩm tham gia dự thi ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, nhiều sản phẩm có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng cao...”.

ĐỖ PHI

.
.
.