Thứ Năm, 11/01/2018, 14:21 (GMT+7)
.

Khơi dậy sự sáng tạo của học sinh

Đó là Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ 5 dành cho học sinh THCS, THPT năm học 2017 - 2018 do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức.

Hội thi là cơ hội để học sinh các trường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học của các em.

Sản phẩm Chiếc nón bảo hiểm thông minh của 2 em Sang  và Bình, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Phạm Thành Trung đạt giải II tại cuộc thi.
Sản phẩm Chiếc nón bảo hiểm thông minh của 2 em Sang và Bình, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Phạm Thành Trung đạt giải II tại cuộc thi.

Cuộc thi lần này thu hút 123 học sinh tham gia, với 94 dự án dự thi, ở 16 lĩnh vực. Trong đó, có 34 dự án của 9 phòng GD-ĐT, 60 dự án của 21 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi, tổng số dự án dự thi năm nay cao hơn so với những năm tổ chức cuộc thi trước đây là 9 dự án. Lĩnh vực kỹ thuật cơ khí có nhiều dự án tham gia dự thi nhất, với 24 dự án.

Các dự án, đề tài, sản phẩm dự thi năm nay rất phong phú, đa dạng, bám sát các vấn đề gần gũi với thực tiễn cuộc sống và có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường.

Đến với cuộc thi lần này, 2 em Nguyễn Huỳnh Sang và Nguyễn Thanh Bình, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Phạm Thành Trung (huyện Cái Bè) dự thi với sản phẩm Chiếc nón bảo hiểm thông minh.

Chiếc nón bảo hiểm do Sang và Bình chế tạo có các tính năng vô cùng hữu ích như: Có thể ngăn người điều khiển xe máy vi phạm các quy tắc an toàn, kịp thời thông báo cho người thân và mọi người xung quanh khi tai nạn xảy ra...

Với ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao, sản phẩm Chiếc nón bảo hiểm thông minh đã mang về cho Sang và Bình giải II ở cuộc thi lần này.

Chiếc máy in 3D do em Lê Hoàng Minh Nghĩa, học sinh lớp 11 Hóa, Trường THPT Chuyên Tiền Giang chế tạo từ các linh kiện điện tử cũ và tham gia dự thi cũng đã mang về cho em giải III.

Em Nghĩa cho biết, sở dĩ em theo đuổi ý tưởng và chế tạo ra máy in 3D vì kỹ thuật in 3D hiện là một phần của công nghệ 4.0. Kỹ thuật in này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Y học, sinh học, hóa học, thời trang, đồ trang sức...

Cuộc thi còn có sự tham gia của nhiều học sinh ở lĩnh vực khoa học xã hội, với một số đề tài như: “Các hình thức phổ biến và nâng cao kiến thức cho học sinh về các di tích lịch sử, văn hóa của Tiền Giang”; “Thực trạng và giải pháp cho hiện tượng sống ảo trên mạng xã hội Facebook”...

Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) Nguyễn Văn Kỷ cho biết, từ việc tổ chức thành công Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ 5 dành cho học sinh THCS, THPT năm học 2017 - 2018, Sở GD-ĐT yêu cầu phòng GD-ĐT các huyện, thành, thị trong tỉnh nên chú trọng tổ chức các hội thảo cho cán bộ, giáo viên, học sinh để góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, nội dung hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học cần đưa vào vào sinh hoạt tổ chuyên môn và chú trọng phát triển các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trong các cơ sở giáo dục trung học, nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng...

P. CÔNG

.
.
.