Thứ Sáu, 18/05/2018, 15:28 (GMT+7)
.
Khoa học và công nghệ

Điểm nhấn trong nghiên cứu khoa học và hỗ trợ phát triển

Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành Khoa học và công nghệ (KH-CN) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, bên cạnh việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách là những điểm sáng trong nghiên cứu khoa học và các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao được thực hiện thời gian qua.
Một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao được thực hiện thời gian qua.

Nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách, đặc biệt đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng các thành tựu khoa học vào lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò rất lớn để thúc đẩy Tiền Giang phát triển, nhất là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 06 ngày 20-9-2011 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học từ nay đến năm 2015, định hướng năm 2020.

Trên tinh thần chung đó, những năm qua Sở KH-CN đã tổ chức triển khai hơn 100 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh, nghiệm thu đưa vào ứng dụng 51 nhiệm vụ KH-CN, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, vườn cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, thủy sản và phát triển tiểu thủ công nghiệp; đặc biệt là hình thành 5 Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây ăn trái đặc sản của tỉnh gồm: Sơ ri Gò Công, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Lập, xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo.

Các chương trình hỗ trợ phát triển trên được thực hiện từ năm 2007 và kết thúc năm 2012, năm 2013 và năm 2017, với nội dung cơ bản tập trung vào: Nâng cao chất lượng toàn diện và quy hoạch vùng phát triển; sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ, ứng dụng các tiến bộ KH-CN để nâng cao năng suất, chất lượng và bảo vệ thực vật, cơ giới hóa một số công đoạn trong sản xuất và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa...).

Song song với việc thực hiện nghiên cứu khoa học phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian qua ngành KH-CN cũng đã chú trọng vào các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN).

Theo đó, ngành đã hỗ trợ vốn vay từ nguồn Quỹ phát triển KH-CN cho 15 DN, với tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng, để thực hiện các dự án đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, đổi mới hệ thống máy móc, trang thiết bị sản xuất khung nhôm xuất khẩu, nâng cấp hệ thống sơn tĩnh điện; đầu tư xây dựng mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng may mặc; đầu tư kho bảo quản và dây chuyền đóng gói sản phẩm xuất khẩu; đầu tư trang bị thiết bị cơ giới hóa khâu làm đất để sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP.

Bên cạnh đó, ngành KH-CN còn hỗ trợ 2 DN thực hiện chứng nhận DN KH-CN; hỗ trợ 13 DN áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế và 12 DN tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, góp phần chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng thị trường ra nước ngoài; hướng dẫn 133 DN kinh doanh vàng trang sức xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Hoạt động KH-CN hỗ trợ bảo hộ và quảng bá thương hiệu cũng được ngành KH-CN chú trọng. Những năm qua, Sở KH-CN đã tích cực hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp giúp các DN nâng cao chất lượng hàng hóa và năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu tập thể cho 15 đặc sản nông nghiệp của tỉnh (vú sữa Vĩnh Kim; khóm Tân Lập; sơ ri Gò Công; bưởi lông Cổ Cò; thanh Long Chợ Gạo; sầu riêng Ngũ Hiệp; nếp bè Chợ Gạo; dưa Gò Công; gạo an toàn Mỹ Thành Nam; rau an toàn Thân Cửu Nghĩa; mắm tôm chà Gò Công; gà, lươn Gò Công; nghêu Gò Công; cá tra Hòa Hưng; sa pô Mặc Bắc Kim Sơn) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 23 văn bằng bảo hộ cho các tên địa danh và các biểu tượng (logo) tương ứng cho 12 sản phẩm; có 5 sản phẩm được xây dựng hệ thống quản lý và phát triển, quảng bá truyền thông thuộc các chương trình, dự án hỗ trợ theo chủ trương của tỉnh như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, khóm Tân Lập, sơ ri Gò Công, nghêu Gò Công.

Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ chỉ dẫn địa lý quốc gia cho xoài cát Hòa Lộc (Văn bằng bảo hộ số 0016) và đăng bạ chỉ dẫn địa lý sơ ri Gò Công. Bên cạnh đó, Sở KH-CN còn hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu tập thể qua các dự án gồm: Sơ ri Gò Công, Khóm Tân Lập và Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim; hoàn thành Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Lò Rèn Vĩnh Kim cho sản phẩm vú sữa”; triển khai Dự án “Quảng bá và phát triển vùng sản xuất, sản phẩm thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập”...

Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH-CN cũng được ngành KH-CN chú trọng trong thời gian qua. Theo đó, Dự án Tái tạo rừng tràm do Tổ chức Oxfam của Hoa Kỳ hỗ trợ kinh phí 3 tỷ đồng trồng được 365 ha/2.000 ha theo kế hoạch và giao cho hơn 400 hộ dân tại 5 xã thuộc huyện Tân Phước thực hiện; Dự án Nâng cao chất lượng hạt lên men ca cao Tiền Giang (hỗ trợ bởi ACDI/VOCA) đã tổng kết đạt kết quả tốt, đã xây dựng Quy trình thực tiễn lên men tối ưu tại Tiền Giang, có 267 mẫu thử nghiệm cho chất lượng cao. Hay Dự án Jica - HCM.UT ký kết thỏa thuận với Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh “Nghiên cứu việc sản xuất than hoạt tính và chất hấp phụ từ than hoạt tính với nguyên liệu là gỗ cây tràm cừ; chiết xuất và tinh chế tinh dầu từ cây tràm trà” giúp người dân tăng thu nhập từ cây tràm của vùng đất phèn, triển khai xây dựng xưởng sản xuất thực nghiệm tại huyện Tân Phước...

P.A

.
.
.