Thứ Tư, 26/12/2018, 21:08 (GMT+7)
.

Hiệu quả của máy tách phân trục vít

Một trong những công nghệ được Dự án LCASP giới thiệu là sử dụng máy tách phân trục vít để tách chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ, dùng khí sinh học để chạy máy phát điện và sử dụng nước thải sau công trình biogas để tưới cho các loại cây trồng.

Công nghệ máy tách phân trục vít.
Công nghệ máy tách phân trục vít.

Phó Giám đốc Dự án LCASP Tiền Giang Huỳnh Thanh Nông cho biết, dự án đã bàn giao máy tách phân trục vít cho ông Nguyễn Văn Minh, xã Nhị Bình (huyện Châu Thành); ông Lê Hồng Thành, xã Bình Phan (huyện Chợ Gạo); ông Lê Văn Minh, thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước), ông Trần Văn Sang, xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước) và bà Nguyễn Thị Kim Phượng, xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo). Dự án hỗ trợ máy tách phân, còn hộ được nhận bàn giao phải xây dựng hố chứa phân, nhà che máy tách phân.

Phân heo sau khi được máy tách phân trục vít xử lý.
Phân heo sau khi được máy tách phân trục vít xử lý.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo) hiện nuôi 2.500 con heo nái và thịt. Bà Phượng cho biết, với số lượng heo trên, gia đình xây dựng 4 hầm biogas cỡ lớn để xử lý chất thải nhưng vẫn không tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, ngành Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường thường xuyên làm việc với bà về tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải của heo. Tuy nhiên, sau khi Dự án LCASP Tiền Giang hỗ trợ máy tách phân trục vít nên đã xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Máy tách phân này đã hút hết lượng phân từ các hầm biogas lên đánh, rồi ép thành phân khô. Nguồn phân heo sau khi qua máy ép được bán với giá 20.000 đồng/bao. “Sau khi có được máy tách phân này, gia đình tôi không còn lo lắng về tình trạng chất thải gây ô nhiễm môi trường, giờ chỉ tập trung vào chăm sóc đàn heo thôi”- bà Phượng bộc bạch.

Mô hình hệ thống máy tách phân xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ thuộc Dự án LCASP.
Mô hình hệ thống máy tách phân xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ thuộc Dự án LCASP.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Minh, xã Nhị Bình (huyện Châu Thành) cũng được dự án bàn giao cho máy tách phân trục vít. Ông Minh cho biết, máy tách phân đã mang lại rất nhiều lợi ích cho gia đình như có thu nhập từ tiền bán phân, xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đề cập về hiệu quả của máy tách phân trục vít, ông Huỳnh Thanh Nông cho biết, đây là công nghệ hiện đại được nhập vào nước ta chưa lâu nhưng mang lại hiệu quả và đang được nhiều trang trại chăn nuôi lớn áp dụng. Dựa trên nguyên tắc “lưới lọc”, máy ép có thể tách hầu hết các tạp chất nhỏ, đến rất nhỏ trong hỗn hợp chất thải chăn nuôi.

Tùy theo tính chất của chất rắn mà bố trí các lưới lọc có kích thước lỗ sàng phù hợp. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, các chất rắn được giữ lại, ép khô và đưa ra ngoài để xử lý riêng. Quá trình xử lý nhanh, gọn, ít tốn diện tích đặt máy và hiệu quả nhanh, tạo lợi nhuận bằng cách thu lại nguồn phân hữu cơ.

Ngoài ra, phân sau ép được ủ làm phân bón mang lại giá trị kinh tế cao, phần dung dịch lỏng sau ép phù hợp để làm phân bón dạng lỏng trong nông nghiệp. Khi tách chất rắn ra sẽ dễ dàng hơn cho quá trình khuấy trộn hoặc bơm, xử lý nước, giảm ô nhiễm cho nguồn nước thải.

Theo Dự án LCASP Tiền Giang, ngoài hệ thống máy ép trục vít còn có các dạng máy tách rắn lỏng khác như:

Máy ép tách rắn lỏng dạng lồng quay: Máy được cấu tạo bằng 1 lồng lưới, khi bơm chất thải vào trong lồng lưới và khi vận hành lồng sẽ quay tròn, nước thoát ra qua các lỗ lưới, phần rắn sẽ được thu lại phía cuối của lồng. Phương pháp máy ép này có ưu điểm là tách được các loại phân lỏng có hàm lượng chất thải thấp ngay cả khi nồng độ chất thải rắn dưới 3%. Tuy nhiên, phương pháp này tốn nhiên liệu điện và độ ẩm của sản phẩm sau ép còn rất cao.

Máy tách ép rắn lỏng dạng máy băng tải: Máy được tạo bằng các tấm vải lọc chuyên dụng được ép sát vào với nhau bằng con lăn. Nước sẽ thoát qua vải lọc và phần phân khô sẽ thu lại ở cuối băng tải. Phương pháp này đòi hỏi sự cân bằng của băng tải nên vận hành, bảo trì phức tạp, chi phí đầu tư cao, diện tích lắp đặt máy lớn.

Máy tách ép rắn lỏng dạng máy con lăn rulo: Được thiết kế dạng 2 rulo lăn ép chất thải để tách nước. Dạng máy ép này phù hợp với các dạng phân bò dẻo. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ lăn rulo chất thải sau ép có độ ẩm cao, chi phí đầu tư cao.

S.N - TTKN

.
.
.